Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 7/12/2010 13:58'(GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu năm 2010: Mảng sáng nhất trong bức tranh kinh tế

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May Đức Giang.   Ảnh: Ngọc Linh

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May Đức Giang. Ảnh: Ngọc Linh

Những kết quả ngoạn mục 
 
11 tháng đầu năm, KNXK cả nước đạt 64,3 tỷ USD, cao hơn mức thực hiện của cả năm ngoái; trong đó nhóm hàng nông, thủy sản đạt 13,4 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm hàng sản phẩm công nghiệp và chế biến có sự tiến bộ vượt bậc, với KNXK khoảng 44 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ, cho thấy cơ cấu hàng XK chuyển dịch đúng hướng và thể hiện sức cạnh tranh của nền kinh tế đang được cải thiện rõ. Riêng nhóm hàng dệt may đã đạt giá trị XK vượt 11 tỷ USD và nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn đơn hàng dự trữ cho những tháng sau.

Do giá trên thị trường thế giới tăng, nên giá trị XK hàng của nước ta được lợi và đạt giá trị cao hơn tính trên mỗi sản phẩm so với mức giá trung bình của thời gian trước. Trong đó, giá cao su tăng 81,2%; hạt tiêu tăng 38,9%; sắn và sản phẩm sắn tăng 83,8%; chè tăng 10,8%; dầu thô tăng 33,9%; than đá tăng 53,2%... Do đó, tuy một số mặt hàng giảm về lượng XK nhưng đơn giá bình quân tăng, nên KNXK vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2009. Đó là, than đá đạt kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 12,2% (mặc dù lượng giảm 26,8%); xăng dầu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 31,7% (lượng giảm 0,3%); hạt tiêu đạt 397 triệu USD, tăng 22,9% (lượng giảm 11,5%)...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn vấn đề cần lưu ý là tốc độ tăng trưởng trong XK của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn hẳn DN trong nước và thực tế đó cần được quan tâm, có biện pháp điều chỉnh trong thời gian tới.

Mục tiêu 70,8 tỷ USD... trong tầm tay

Trước thực tế trên và yêu cầu tiếp tục gia tăng XK, Chính phủ, Bộ Công thương đang chỉ đạo các đơn vị bảo đảm chặng nước rút trong tháng 12 đạt kim ngạch từ 6,5 tỷ USD trở lên để cả năm đạt tổng kim ngạch 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với mức thực hiện của năm ngoái. Để đạt được kết quả đó, Bộ Công thương lưu ý các DN tiếp tục huy động các nguồn lực để đổi mới công nghệ, áp dụng các biện pháp quản lý hợp lý, gia tăng tỷ lệ chế biến trên mỗi đơn vị sản phẩm, từ đó tăng hiệu quả và giá trị sản xuất, kinh doanh (SXKD)…

Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu có thể đạt được bởi các DN đang "vào mùa" tăng tốc SXKD, số lượng đơn hàng và hợp đồng nhiều, nhất là nhiều mặt hàng XK của nước ta vẫn đang được lợi về giá trên thị trường thế giới. Trong đó, các DN được gợi ý là "xoáy sâu" vào một số mặt hàng đang "nóng" và được giá, nhất là tranh thủ làm hàng dệt may, hàng công nghiệp chế biến, thủy sản để tận dụng thời gian, tăng KNXK. Các thị trường được khuyến khích nhắm đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... với sức mua, nhu cầu tiêu dùng đang tăng cao do kinh tế ở những khu vực này phục hồi mạnh, đồng thời hiện thị trường quốc tế cũng chuyển sang mùa cao điểm của hoạt động mua sắm dịp Noel và cuối năm.

Với tốc độ tăng trưởng XK cao và nhập khẩu đang từng bước được kiềm chế theo hướng giảm thiểu việc nhập những mặt hàng tiêu dùng hoặc chưa cần thiết, nên tình trạng nhập siêu đang được khống chế ở mức "đẹp", hiện chỉ bằng gần 16,6% của KNXK (trong khi chỉ tiêu là không quá 20%). Dự báo, mức nhập siêu cả năm 2010 cũng sẽ được khống chế dưới 20% và là một thành công đáng ghi nhận trong điều hành xuất nhập khẩu năm 2010, góp phần từng bước lành mạnh hóa cán cân ngoại thương.

Những ngày đầu tháng 12 là lúc cơ quan quản lý và cộng đồng DN lạc quan về khả năng "cán đích" 70,8 tỷ USD giá trị XK trong năm 2010. Song hiện tại cũng là lúc Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng đưa ra nhận định một cách dè dặt là tổng KNXK của cả nước năm 2011 có thể tăng 10% so với kết quả năm 2010. Đây sẽ là một mục tiêu không dễ trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trên thị trường thế giới sẽ căng thẳng và phức tạp hơn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn; do đó cần sự tỉnh táo và linh hoạt trong điều hành vĩ mô, cùng sự vào cuộc quyết liệt của từng DN...

(Theo: HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất