Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 6/12/2010 14:28'(GMT+7)

Thông tin cần được kiểm chứng thực tế

Từ trước đến nay Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên hay còn gọi là Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) thường đưa ra những khuyến cáo liên quan đến lĩnh vực mà mình quan tâm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhưng việc đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thuỷ sản năm 2010-2011 khuyên người tiêu dùng trên toàn cầu nên lựa chọn thuỷ sản khác thay thế cá ba sa của Việt Nam lại là vấn đề rất đáng nghi ngờ. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định rằng, đó là khuyến cáo thiếu cơ sở khoa học, không thực tế, và chỉ là thông tin một chiều, không có lợi cho người sản xuất Việt Nam cũng như người tiêu dùng trên thế giới.

Ai cũng biết, sản phẩm cá ba sa vốn là đặc sản của vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Người nông dân Việt Nam biết dựa vàơ sự ưu đãi của thiên nhiên để phát triển nghề nuôi và chế biến cá ba sa thành mặt hàng có giá trị từ nhiều năm nay. Từ quy mô nhỏ lẻ, sau nhiều năm nghề nuôi và chế biến cá ba sa đã từng bước phát triển với quy mô công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại. Hàng năm, diện tích mặt nước nuôi thả cá ba sa không ngừng tăng lên, với hàng ngàn hec ta. Sản phẩm cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường trên 100 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU… Từ nhiều năm qua, chất lượng sản phẩm cá ba sa của Việt Nam được khách hàng trên thế giới chấp nhận. Để sản phẩm cá ba sa vào được thị trường các nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ các quy định mà khách hàng yêu cầu, minh bạch hoá quy trình sản xuất, từ môi trường nguồn nước đến thức ăn, thuốc thú y, khâu chế biến, bảo quản và vận chuyển. Nhiều đại diện khách hàng nước ngoài đã đến tận vùng nuôi thả, chế biến cá ba sa của Việt Nam  trực tiếp tìm hiểu, quan sát trước khi quyết định đơn hàng.

Gần đây, khách hàng nước ngoài còn tạo ra những chuỗi liên kết giữa những người tham gia tiêu thụ với người sản xuất và cung cấp sản phẩm. Có nghĩa là các nhà tiêu thụ sản phẩm cá ba sa của Việt Nam trực tiếp đầu tư phát triển khâu nguyên liệu và khâu chế biến theo tiêu chuẩn mà họ đề ra. Ví dụ như đầu năm 2009, Binca Seafoods Vietnam, liên kết với Ntaco (Việt Nam) xây dựng vùng nuôi cá 35ha đạt chuẩn Global GAP. Hoặc như Mazzetta, nhà nhập khẩu, phân phối thủy sản đông lạnh hàng đầu của Mỹ, liên kết với Proconco, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Pháp tại Việt Nam triển khai dự án nuôi cá tra an toàn sinh học tại An Giang với quy trình khép kín từ nguồn thức ăn, nông trại, chế biến, đến người tiêu dùng. Proconco sẽ nghiên cứu để đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn cho cá, hỗ trợ nông dân kỹ thuật nuôi và quá trình chế biến để đáp ứng tiêu chuẩn mà khách hàng thị trường Bắc Mỹ yêu cầu. Còn Mazzetta sẽ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Cũng cấn nhấn mạnh thêm rằng, nhiều năm qua, sản phẩm cá ba sa của Việt Nam luôn chịu sự quan tâm và kiểm tra gắt gao của các cơ quan về an toàn thực phẩm của nhiều nước trên thế giới, lại chịu sức ép từ nhiều thứ luật lệ như Luật Chống bán phá giá, Luật cạnh tranh của các nước mà sản phẩm cá ba sa Việt Nam nhập vào. Nếu như sản phẩm cá ba sa của Việt Nam có vấn đề về môi trường nguồn nước, thức ăn, thuốc thú ý… thì chắc chắn sẽ không vào được các thị trường các nước khó tính.

WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn, có uy tín, chuyên quan tâm đến việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo duy trì sử dụng các tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh và giảm bớt ô nhiễm môi trường và tiêu thụ lãng phí trên phạm vi toàn cầu. Thông tin mà tổ chức này đưa ra rõ ràng làm cho khách hàng đang sử dụng sản phẩm cá ba sa Việt Nam dè dặt với sản phẩm mà họ đã quen dùng; đồng thời gây bất lợi cho cả trăm ngàn người lao động với nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới công ăn việc làm, thu nhập và cơ hội thoát khỏi nghèo đói của họ. Mặc khác, với việc đưa thông tin mà không kiểm chứng, không dựa vào căn cứ khoa học cũng như thực tế, WWF khiến dư luận hoài nghi về tính chân thực của thông tin mà tổ chức này đưa ra.

Trước thông tin bất lợi từ phía WWF đưa ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã gửi thư phản đối, đồng thời mời đại diện của tổ chức này tới Việt Nam quan sát các trại nuôi cá cũng như toàn bộ quy trình chế biến và bảo quản sản phẩm. Đó là một phản ứng tích cực. Đây chính là cơ hội tốt để Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên và môi trường vốn có uy tín với cộng đồng quốc tế kiểm chứng lại thông tin mà mình đã đưa ra./.

(Theo VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất