Báo cáo mới đây của Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên sử dụng từ "đang hồi
phục" đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này kể từ cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe
nỗ lực phục hưng nền kinh tế trong nước sau nhiều năm tăng trưởng ì ạch.
Báo cáo trên cho hay "nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục với nhịp độ vừa
phải và trong ngắn hạn, kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục đà hồi phục khi
thu nhập hộ gia đình, đầu tư doanh nghiệp gia tăng và xuất khẩu gia
tăng."
Báo cáo mới nhất nói trên - đưa ra đánh giá sáng sủa nhất đối với nền
kinh tế Nhật Bản kể từ báo cáo tháng 1/2006 - được công bố một tháng sau
một năm ông Abe giữ chức Thủ tướng với cam kết sẽ khôi phục vị thế của
nền kinh tế nước này.
Chính sách kinh tế của ông Abe có tên Abenomics giúp giảm giá nhanh đồng
yên là tin tốt đối với các nhà xuất khẩu nước này, khi mang lại sức
cạnh tranh lớn hơn tại thị trường nước ngoài và làm tăng giá trị của các
khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp nước này ở nước ngoài. Tiếp đó,
ông Abe cam kết đưa nền kinh tế vượt qua tình trạng giảm phát kéo dài
nhiều năm tác động bất lợi tới chi tiêu tiêu dùng, và ảnh hưởng tiêu cực
tới các nhà sản xuất, khiến họ hoãn lại các kế hoạch đầu tư mới.
Kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương, qua đó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng
là một yếu tố quan trong trong chính sách khôi phục nền kinh tế của ông
Abe. Số liệu tháng 11/2103 cho hay giá tiêu dùng ở Nhật Bản tăng 1,2%,
mức tăng cao nhất trong 5 năm qua, và gần với con số mục tiêu 2% của
BOJ.
Tuy vậy, giới phân tích nghi ngại về thời hạn hai năm mà BOJ đề ra để
đạt được mục tiêu trên, khi họ cảnh báo việc tăng thuế tiêu dùng vào
tháng Tư tới - được coi là yếu tố quan trọng để giảm mức nợ cao kỷ lục
của nước này sẽ có tác động tiêu cực tới kế hoạch trên./.
(Vietnam+)