60 năm trước, vào năm Giáp Ngọ (năm 1954), dân tộc ta đã làm nên một trận Điện Biên lịch sử lừng lẫy địa cầu. Năm 2014 này là năm Giáp Ngọ kế tiếp, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục làm nên nhiều chiến công trên mặt trận kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm Giáp Ngọ-“Mã đáo thành công”…
Trong gian khó, có cơ hội
Năm Quý Tỵ vừa đi qua với biết bao khó khăn chồng chất cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thiên tai dồn dập, liên tiếp đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Số lượng các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất tiếp tục tăng. Thế nhưng trong gian khó, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm được cơ hội tăng trưởng. Sát Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố lãi sau thuế 2013 đạt hơn 2000 tỷ đồng, vượt 68% kế hoạch năm. Trong lúc thị trường bất động sản chìm trong băng giá thì sản lượng tiêu thụ thép của tập đoàn này lại ở mức cao nhất từ trước tới nay. Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng vừa công bố năm 2013 đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 16% kế hoạch đề ra. Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có quy mô vốn chỉ hơn 110 tỷ đồng nhưng năm qua đạt tới 87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17% so với 2012 và vượt 66% kế hoạch.
Khối các doanh nghiệp quân đội trong năm Quý Tỵ cũng đã vượt khó thành công, duy trì tăng trưởng bền vững và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ tiềm lực quốc phòng. Theo số liệu của Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), doanh thu doanh nghiệp quân đội năm 2013 ước đạt 260.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2012; lợi nhuận thực hiện đạt 39.900 tỷ đồng, tăng 28,7% so với năm 2012; nộp ngân sách đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2012...
Sự bứt phá của nhiều doanh nghiệp trong năm Quý Tỵ đầy khó khăn đã tạo niềm tin cho nhiều doanh nghiệp khác sẵn sàng tìm cơ hội trong thách thức, vững bước tiến vào năm mới Giáp Ngọ.
Thời cơ, thách thức mới
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp cuối năm 2013, Chính phủ nhận định: Năm 2014, dự báo tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh giữa các nước lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tranh chấp chủ quyền biển, đảo tiếp tục diễn ra gay gắt. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Liên kết kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong khu vực tiếp tục chuyển biến sâu sắc theo hướng tăng cường hợp tác và cạnh tranh thông qua các Hiệp định thương mại tự do. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do với EU và với các đối tác lớn khác sẽ mở ra cho nước ta những thuận lợi và cơ hội phát triển mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn.
Trong nước, chính trị, xã hội ổn định. Kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng. Kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành có bước được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém như đã nêu trên, nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh là rất lớn trong khi ngân sách còn hạn hẹp. Chúng ta còn phải dành nhiều công sức để ứng phó với thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.
Từ nhận định trên, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 là : “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.
Đột phá về thể chế
Thực tế kinh tế Việt Nam trong mấy thập kỷ qua phát triển vượt bậc đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế. Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu với Khoán 10 ở thế kỷ trước đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Với việc ban hành các Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020, Đảng ta khẳng định: “Hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là một trong 3 đột phá chiến lược. Mấy năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã có bước tiến dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa được như mong muốn. Vì thế, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội, để kinh tế đất nước tiếp tục phát triển bền vững, trong năm Giáp Ngọ này phải tạo đột phá về thể chế.
Để tạo ra sự đột phá về thể chế, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, trước hết là về tổ chức bộ máy Nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp mới. Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản dưới luật và tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực thi. Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường giám sát của nhân dân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân. Tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất./.
Đỗ Phú Thọ (QĐND)