Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 1/2/2014 11:2'(GMT+7)

Câu hỏi từ WEF Davos 2014

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đứng trước không gian dành cho những cuộc gặp gỡ song phương chỉ rộng khoảng chưa đầy 3 mét vuông. -  Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đứng trước không gian dành cho những cuộc gặp gỡ song phương chỉ rộng khoảng chưa đầy 3 mét vuông. - Ảnh: VGP/Hải Minh



Khi xu hướng đa cực và hội nhập trong quan hệ quốc tế chắc chắn không thể đảo ngược, có thể hiểu khái niệm “tái định hình” mà Ban tổ chức đưa ra ít nhiều mang hàm ý mọi lực lượng trong xã hội cần nhìn rõ hơn những gì đang xảy ra với thế giới xung quanh và làm thế nào để giải quyết những thách thức trên một cách bền vững nhất.

Vì lẽ đó, năm nay, WEF Davos đã thu hút gần 40 nguyên thủ quốc gia, những học giả hàng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhất thế giới và cả những biên tập viên danh tiếng nhất của các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC. Trong đó, lần đầu tiên một Tổng thống Iran tham dự WEF sau khi nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Nhóm P5+1 hồi tháng 11/2013. Có lẽ số lượng các nhà lãnh đạo các nước tham dự WEF chỉ đứng sau các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nhiều người tự hỏi vì sao thành phố Davos nhỏ xíu, lạnh lẽo nằm trên những ngọn núi phủ đầy tuyết mùa đông lại có sức hút lớn đến như vậy. Nhiều đại biểu từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh… vượt qua hàng chục giờ bay đến Zurich rồi còn phải trải qua hành trình gần 200km để đến nơi đây.

Chưa hết khó khăn, để thuê được khách sạn tại Davos, các đại biểu phải đặt trước cả tháng trời. Có điều thú vị là nhiều khách sạn nơi đây “đơn sơ” ngoài sức tưởng tượng. Với các đại biểu Việt Nam, có người có cảm giác như đang trở về thời sinh viên khi bước chân qua cửa phòng khách sạn, chứng kiến giường nằm trong phòng không khác gì những chiếc giường tầng của sinh viên đại học.

Bên trong Trung tâm Hội nghị, khó có thể hình dung hết sự tương phản với cái giá lạnh ở bên ngoài. Do số lượng các phiên thảo luận và gặp gỡ song phương rất lớn, các đại biểu tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ, trao đổi.

Có những cuộc trao đổi diễn ra trong căn phòng hoặc không gian chỉ rộng 3 mét vuông, hay ngay tại nơi phục vụ đồ ăn nhanh. Nhiều đại biểu phải đứng do không đủ chỗ ngồi, có những đại biểu không ngần ngại ngồi trên những quả bóng hơi.

Nhìn chung, các cuộc gặp mặt có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, không câu nệ, thậm chí không nghi thức, một phần có lẽ vì thời gian quá ngắn, một phần nhiều đại biểu muốn tận dụng thời gian tối đa cho các cuộc tiếp xúc.

Không khí tại Davos cho thấy WEF đang phản ánh một thực tế là thế giới đang “đói” kinh nghiệm và ý tưởng để giúp nhân loại vượt ra khỏi vô số thách thức hiện nay.


Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù thế giới có nhiều cơ chế hợp tác, điều phối toàn cầu nhưng vẫn còn đó hàng triệu người đói nghèo. Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã chỉ ra nhiều thách thức của ngành nông nghiệp thế kỷ XXI, rõ nhất là việc sức sản xuất phải cao hơn để đáp ứng quy mô dân số, trong khi lực lượng lao động nông thôn ngày càng giảm. Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ lên gần 10 tỷ người, tốc độ đô thị hóa cũng tăng mạnh khi có tới 70% sẽ sống ở thành thị, so với khoảng 50% hiện nay. Ngành nông nghiệp cũng phải cung cấp nhiều hơn nguyên liệu cho ngành năng lượng sinh học đang phát triển mạnh, thông qua phương thức sản xuất hiệu quả và bền vững hơn...

Dự WEF 2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giới thiệu tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về phát triển nông nghiệp bền vững, không chỉ nhằm bảo đảm tăng cường mức sống cho nông dân, cho riêng Việt Nam mà còn góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Bộ NNPTNT Việt Nam hiện đang phối hợp với 15 tập đoàn đa quốc gia, các công ty nước ngoài, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước triển khai mô hình "Đối tác công-tư ngành nông nghiệp" với mục đích phát triển và ổn định thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Mô hình này là một phần trong sáng kiến về "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp" trong khuôn khổ của WEF mà Việt Nam là một trong những nhân tố tích cực.

Những kinh nghiệm thực tiễn nếu được chia sẻ đầy đủ sẽ giúp các Chính phủ, doanh nghiệp có thể áp dụng trực tiếp hoặc tạo cảm hứng để người được chia sẻ có những sáng kiến mới, góp phần đẩy nhanh tiến trình làm cho thế giới ngày càng tốt hơn.

Các đại biểu cũng đến đây để tìm ra những ý tưởng lớn hoặc ít nhất là tìm ra những tia sáng ở cuối đường hầm cho những vấn đề chưa có lời đáp. Quả thật để xử lý tốt những thách thức hiện nay của thế giới, việc tìm kiếm những ý tưởng mới, đột phá càng sớm bao nhiêu thì cái giá mà nhân loại phải trả càng ít bấy nhiêu.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp đến với WEF vì họ muốn biết chắc chắn tầm nhìn của Chính phủ quốc gia mà họ dự kiến đầu tư và mức độ hiện hữu của cơ hội mà họ có được. Chắc chắn không một lãnh đạo doanh nghiệp lớn nào của thế giới lại đầu tư vào một nơi mà Chính phủ không vạch rõ những kế hoạch lãnh đạo, mặc dù họ có thể bỏ ra hàng chục ngàn USD chỉ để được nghe lãnh đạo các Chính phủ phát biểu.

Khó có thể nắm bắt được bao nhiêu nội dung, bao nhiêu chủ đề đã được chia sẻ, thảo luận cởi mở hay kín đáo tại WEF Davos năm nay nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu nhân loại thiếu vắng sự chia sẻ, thiếu vắng những ý tưởng đột phá thì con đường phát triển bền vững sẽ vô cùng gian nan. Để có thể chia sẻ kinh nghiệm, người ta cần những diễn đàn và WEF Davos là diễn đàn không thể bỏ qua.

Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất