Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng có những diễn biến phức tạp. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và xã hội, nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy, nhiều lĩnh vực đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Điểm nổi bật trong năm 2013 là chỉ số lạm phát đã xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, ở mức 6,04% và thấp hơn mức kế hoạch 8%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng so với năm 2012. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi và từ cuối tháng 6 cho phép các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mặt bằng lãi suất theo đó cũng giảm từ 2 đến 5%/năm so với năm 2012 và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có một năm phục hồi và tăng trưởng khá mạnh. Các chỉ số giá chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2012. Việt Nam trở thành một trong những nước có thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Sang năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ có những thuận lợi hơn so với năm 2013. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định năm 2014, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi tích cực, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp quy mô gói cứu trợ thứ ba (QE3). Sau năm 2013, nỗ lực phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2007-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước, kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực và sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2014. WB dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay sau khi tăng 2,4% trong năm ngoái.
Mặc dù lạc quan về triển vọng kinh tế của năm 2014, song WB cũng cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt các luồng lưu thông vốn quốc tế vẫn chưa ổn định trong bối cảnh các nước thu nhập cao bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Nhà kinh tế Rajv Biswas, phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty tư vấn HIS (có trụ sở tại Douglas County, Colorado, Mỹ) đưa ra trong nghiên cứu "Tương lai châu Á" mới công bố chỉ ra, các nền kinh tế ASEAN đã cho thấy một hiệu suất tăng trưởng liên tục trong suốt hai năm qua nhờ tiêu thụ nội địa và đầu tư mạnh mẽ tại một số nước thành viên lớn, bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Triển vọng năm 2014 của khu vực này là xuất khẩu đóng một vai trò lớn hơn như một động cơ tăng trưởng, trong khi nhu cầu trong nước được dự báo sẽ tăng với nhịp độ vừa phải. Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế tốt hơn sau nhiều năm gặp khó khăn về kinh tế vĩ mô, với áp lực lạm phát đã dịu đi đáng kể trong khi xuất khẩu gia tăng.
Với những chuyển biến tích cực hơn trên thế giới và vận động mạnh mẽ nội lực trong nước, nền kinh tế trong nước năm 2014, được các chuyên gia dự báo có chuyển biến tích cực hơn, tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, như sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn; yêu cầu tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại, yêu cầu điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công phù hợp với cơ chế thị trường ngày càng lớn...
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế xã hội năm 2014: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%.
Năm 2014, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng sẽ được cải thiện... Những yếu tố đó báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn. Tuy nhiên, năm 2014 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu...
Với những thuận lợi và thách thức của năm 2014 và khi các giải pháp được thực hiện quyết liệt và đúng đắn, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2014 kinh tế nước ta có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng Chính phủ đề ra. Trong đó, hoạt động đầu tư và tiêu dùng sẽ có đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, sự phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế, trước tiên đối với thị trường bất động sản và hoạt động tiêu dùng sẽ rõ nét hơn.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ; tập trung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư phát triển. Mặc dù là tháng giáp Tết, song chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2014 chỉ tăng 0,69% so với tháng trước là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển; hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI, ODA thực hiện và giải ngân tăng so với cùng kỳ. Thu NSNN đạt khá, đáp ứng nhu cầu các khoản chi theo dự toán. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm… Những kết quả này đang hứa hẹn Việt Nam sẽ có một năm kinh tế chuyển biến tích cực./.
Xuân Dũng (QĐND)