Ở tất cả các quốc gia, chính sách đối ngoại luôn luôn liên quan mật thiết đến chính sách đối nội và ngược lại. Đối với Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập không chỉ là một mục tiêu, mà hơn nữa còn là một động lực của sự phát triển đất nước. Chính vì vậy mà trước Đại hội VI - Đại hội được xem là khởi đầu của công cuộc đổi mới, năm 1982 Nhà nước ta đã gia nhập nhiều Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có 2 công ước: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, 1966; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”[1], năm 1966. Đây là hai công ước cơ bản quy định toàn diện về các quyền con người.
Là một thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng quốc tế và của các Công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã nội luật hóa các Công ước quốc tế mà mình là thành viên vào hệ thống pháp luật quốc gia. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người, trừ Công ước “Chống tra tấn”. Công ước này đang được Quốc hội xem xét các điều kiện trước khi tham gia. Tuy nhiên những nội dung của công ước này đã được quy định trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”, mà Việt Nam là thành viên. Có thể nói, cho đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã tương thích với hệ thống công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại về quyền con người của Việt Nam theo nguyên tắc: Nhất quán; tích cực; có trách nhiệm và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia, đóng góp xây dựng và có trách nhiệm trên nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền con người. Việt Nam rất coi trọng cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ và đã thực hiện nghiêm túc Báo cáo kiểm điểm lần đầu ngày 8-5-2009. Nhiều đại biểu tham gia hội nghị đã đánh giá cao báo cáo của Việt Nam về tính khách quan, trung thực và những sáng tạo của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện của một quốc gia đang phát triển. Việt Nam cũng đã chấp thuận và đang nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị trong kiểm điểm đợt 1, nhằm tăng cường đối thoại theo cơ chế “Thủ tục đặc biệt”. Từ tháng 7-2010 đến nay, Việt Nam đã đón 4 đại diện “Thủ tục đặc biệt” của Liên hợp quốc về các vấn đề: “Dân tộc thiểu số”; về “đói nghèo cùng cực và nhân quyền”; về “quyền được chăm sóc y tế”. Thời gian tới, Việt Nam sẽ đón các đại diện “Thủ tục đặc biệt” về “Quyền giáo dục”, “Quyền có lương thực”, “Quyền văn hóa” như đã cam kết trong các công ước quốc tế về quyền con người, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét đón thêm một số đại diện “Thủ tục đặc biệt” khác.
Trong quan hệ song phương, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác, đối thoại với nhiều quốc gia trên lĩnh vực quyền con người. Việt Nam có cơ chế đối thoại nhân quyền hằng năm với nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, EU, Thụy Sỹ…Việt Nam cũng có những đóng góp thiết thực đáng kể để tăng cường hợp tác về nhân quyền trong ASEAN, đặc biệt trong quá trình thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và việc xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnôm Pênh, tháng 11-2012.
Trong quan hệ với Hoa Kỳ, quyền con người là một vấn đề xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, từ những trang đen tối trong chiến tranh đến những trang mới mẻ từ khi 2 nước thiết lập quan hệ bình thường. Điều quan trọng là cho đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có chung điều kiện và nhận thức về nhiều vấn đề đa phương và song phương. Chẳng hạn: Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và của các công ước quốc tế về quyền con người; nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có nhiều cựu chiến binh, mong muốn phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, trước hết là về kinh tế, văn hóa cho đến những vấn đề khác như an ninh, quốc phòng nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là ở Biển Đông. Trên lĩnh vực quyền con người, hai bên cũng đã đạt được những bước tiến nhất định, đó là đã thiết lập được cơ chế đối thoại hằng năm giữa hai quốc gia trên lĩnh vực này. Không phủ nhận rằng, cho đến nay hai bên vẫn còn nhiều khác biệt về nhận thức, quan điểm cụ thể, nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng, trong các cuộc đối thoại, cả hai bên đã thể hiện một cách thẳng thắn, cởi mở quan điểm của mình. Phía Việt Nam cũng đã ghi nhận những vấn đề nhân quyền mà phía Hoa Kỳ nêu ra.
Trong thời đại toàn cầu hóa, sự khác biệt về hệ tư tưởng, thể chế quốc gia không phải là rào cản không thể vượt qua trong quan hệ giữa các nước. Thực tế cho thấy, trên thế giới hiện tồn tại nhiều quốc gia với sự khác biệt về hệ tư tưởng và thể chế chính trị. Chẳng hạn, các nước theo chế độ cộng hòa tổng thống, cộng hòa đại nghị; các nước theo chế độ quân chủ, quân chủ nghị viện; các nước theo chế độ dân chủ nhân dân…và cả nhà nước tôn giáo (Vatican). Mặc dù có sự khác biệt nào đó nhưng cộng đồng quốc tế vẫn là một thể thống nhất. Sự khác biệt nào đó về quyền con người giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là có thể hiểu được. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ những đặc thù về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển giữa hai quốc gia.
Đồng thời, nhân đây cũng phải thẳng thắn nói rằng: Việt Nam đang phải đối diện với những thế lực thù địch và những người mang quan điểm cực đoan, cường quyền, mưu toan lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền nhằm lật đổ chế độ xã hội và Nhà nước hiện hữu, chuyển sang mô hình dân chủ, nhân quyền “ngoại nhập”. Chẳng hạn như người ta xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận báo chí, bắt bớ bỏ tù những người được gọi là “bất đồng chính kiến” trong đó có các blogger; hoặc họ cho rằng Việt Nam đối xử tàn bạo với các tôn giáo với bằng chứng là những vụ xét xử 14 người có đạo ở Nghệ An, 20 người ở Phú Yên hoặc đạo “Hà Mòn" ở Tây Nguyên. Những người có nhận thức công bằng, khách quan thì không khó để bác bỏ những lập luận và chứng cớ nói trên. Pháp luật của bất cứ quốc gia nào cũng phải đồng thời bảo vệ nhân quyền và chế độ xã hội. Trong điều kiện hiện nay, một số quốc gia luôn phải đối diện với các lực lượng chính trị đối lập với sự trợ giúp của các lực lượng chính trị cường quyền ở nước ngoài nhằm thay đổi chính phủ hiện hữu. Cái gọi là hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động” không nói lên bản chất chính trị, bất hợp pháp của những kẻ mưu toan lật đổ chế độ xã hội. Bởi vậy, Luật Hình sự Việt Nam có một số điều, như Điều 88, "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; Điều 258, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…”; Điều 79, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”… nhằm ngăn cấm những hoạt động làm tổn hại đến chế độ xã hội là điều đương nhiên.
Về những cáo buộc vô căn cứ rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, “đối xử tàn bạo” với các tôn giáo, sự thật là những người có đạo bị đưa ra tòa xét xử không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, mà là vì họ vi phạm pháp luật. Đúng hơn, họ đã lợi dụng quyền tự do tôn giáo để phục vụ ý đồ chính trị, lật đổ chế độ xã hội, thậm chí còn có ý đồ thành lập quốc gia riêng của họ. Chẳng hạn vụ án “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”. Tổ chức này núp bóng doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái, với tham vọng lớn: Lật đổ nhà nước CHXHCN Việt Nam, thành lập “Nhà nước Đại Nam Kinh Châu”.
Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người như đã nói ở trên đều xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, từ bản chất của chế độ ta. Nó hoàn toàn không phải xuất phát từ sức ép nào đó của cộng đồng quốc tế hoặc của các lực lượng chính trị đối lập trong và ngoài nước. Đường lối, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người xuất phát từ tôn trọng giá trị nhân quyền phổ quát, đồng thời bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc.
Đường lối, chính sách trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, các cơ chế bảo đảm quyền con người; bảo đảm cân bằng giữa các nhóm quyền dân sự, chính trị với nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quan tâm nhiều hơn đến nhóm người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…, những nhóm trong xã hội dễ bị tổn thương, như trẻ em, nữ giới, các dân tộc thiểu số... Việt Nam đặt lên hàng đầu yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng như là điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người đối với Việt Nam không chỉ là việc thực hiện các cam kết quốc tế, mà trước hết là tranh thủ các nguồn lực về tinh thần, vật chất để phát triển đất nước, giữ vững và phát triển chế độ xã hội. Bởi vậy Đảng và Nhà nước ta khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác với Hoa Kỳ trên lĩnh vực quyền con người, bao gồm tiếp tục đối thoại về nhân quyền, thu hẹp những bất đồng về nhận thức giữa hai bên, giải quyết những vấn đề nhân quyền thiết thực trong đó có trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với nạn nhân trong chiến tranh, tìm kiếm, hồi hương hài cốt binh sĩ, xử lý ô nhiễm chất độc đi-ô-xin.
ĐỨC THÀNH - THANH TRÚC/QĐND
1]- Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, 2002. Tr 650