Về bản chất, dựng chuyện là cách biến vụ việc nhỏ thành sự kiện lớn, phức tạp, hoặc công bố tư liệu, bằng chứng giả gây hoang mang trong dư luận, gây bất ổn chính trị, từ đó tạo cớ để can thiệp công việc nội bộ của quốc gia khác.
So với thủ đoạn của chiến tranh tâm lý trước đây, ngày nay thủ đoạn dựng chuyện vẫn không có gì khác, nhưng lại phát triển lên một bước mới tinh vi, nhờ sự hỗ trợ của phương tiện thông tin đại chúng và internet có tốc độ lan truyền cao hơn nhiều. Như Bộ Quốc phòng một nước lớn đã xác định chiến tranh tâm lý là "dùng tuyên truyền, các hoạt động tâm lý có kế hoạch với mục đích chính là gây ảnh hưởng đến ý kiến, cảm xúc, thái độ, hành vi của các nhóm thù địch nước ngoài, coi đó là một cách để hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu quốc gia".
Mấy chục năm qua, nhân loại được chứng kiến nhiều sự kiện liên quan tới thủ đoạn dựng chuyện, như: dựng chuyện ở Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8-1965 để Chính phủ Mỹ có cớ leo thang chiến tranh, ném bom miền Bắc Việt Nam; hoặc ở Iraq, năm 2003, bằng thủ đoạn dựng chuyện vũ khí hóa học, để Mỹ và đồng minh phối hợp tấn công quốc gia này. Năm 2011 tại Ai Cập, dựng chuyện đã được nâng lên tới mức "nghệ thuật". Khi khủng hoảng nổ ra, các tổ chức truyền thông xã hội đã cung cấp thông tin cập nhật đến từng phút. Ðài Al-Jazeera làm một chương trình truyền hình trực tiếp bằng tiếng Anh, kèm theo có các mốc thời gian, hình ảnh gây lo ngại ở Ai Cập. Kênh CitizenTube của YouTube đăng tải rất nhiều hình ảnh người Ai Cập nổi dậy kèm theo các câu chữ bình luận như đổ thêm dầu vào lửa. Facebook cũng có trang dành riêng cho cuộc nổi dậy ở Ai Cập. Và hàng nghìn "tín đồ" Facebook đã lên mạng kêu gọi biểu tình chống chính phủ để phản đối tham nhũng, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, bất công xã hội và nạn thất nghiệp. Twitter cũng không bỏ lỡ cơ hội này, cập nhật thông tin sát sao thời gian thực để truyền tin cho những người "đứng sau internet bị chặn". Những câu chuyện như vậy được thổi phồng để kích động dân chúng và gây mất ổn định xã hội.
Hiện nay, dường như thủ đoạn dựng chuyện đang được áp dụng vào trường hợp Syria. Người ta lan truyền tin tức rằng, để giải quyết hàng chục vụ việc, quân đội chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời tuyên bố phe đối lập không sử dụng vũ khí này. Tuy nhiên, có lẽ vì chiêu thức đó đã quá nhàm, dư luận đã bị lừa dối nhiều lần nên thông tin do các đài phương Tây đưa ra đã không mấy thuyết phục, thậm chí còn bị nhiều quốc gia phản bác. Gần đây, màn dựng chuyện lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra rất nhiều phiền phức cho quốc gia này. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hết sức tức giận với sự lan truyền thông tin sai trái và gọi Twitter là "mối đe dọa tồi tệ nhất đối với xã hội" vì có hàng triệu tin nhắn trên mạng này kêu gọi biểu tình chống chính phủ. Ông công khai nói trước truyền thông rằng, các thế lực nước ngoài, các nhà đầu cơ tài chính và khủng bố âm mưu lật đổ chính phủ của ông bằng cách tạo ra sự hỗn loạn trên đường phố. Ông hét to trong bài phát biểu trước những người ủng hộ AKP - đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ: "CNN International, các người sẵn sàng cho việc này chưa?". Ông chỉ thẳng ra BBC, CNN và Reuters: "Các người bịa đặt tin tức hết ngày này đến ngày khác. Các người miêu tả Thổ Nhĩ Kỳ khác với thế giới. Các người chỉ còn lại với sự dối trá của các người. Ðất nước này không phải như các người đã xuyên tạc"!
Nếu các cơ quan tình báo của Anh tỏ ra giỏi giang trong việc "phát hiện vũ khí hóa học ở Iraq" thì một số công dân nước này cũng rất giỏi thủ đoạn "tam sao thất bản" dẫn đến các cuộc bạo loạn ở quốc đảo này vào năm 2011. Ban đầu chỉ là thông tin về một vụ nổ súng trong cuộc biểu tình hòa bình, sau đó là tin một cô gái bị cảnh sát đánh. Thế rồi, không rõ thực hư thế nào, tin đồn lan rộng qua mạng xã hội và điện thoại di động. Ðến khi thấy thông tin trên mạng Twitter về tình trạng cướp bóc ở London thì hàng loạt cửa hàng ở các thành phố khác cũng đã đóng cửa. Tốc độ truyền tin nhanh đến mức bà Aleks Krotoski - một nhà tâm lý học xã hội, đã phải than rằng, tin đồn thất thiệt quá phổ biến, di chuyển quá nhanh khiến đội ngũ biên tập viên không hoạt động hiệu quả. "Người gác cổng" các trang web không có đủ thời gian để kiểm duyệt và biên tập chính xác. Một số chính phủ phương Tây vốn đánh giá cao tác dụng của truyền thông xã hội và internet như là phương tiện để "cải cách chính trị", "mở rộng dân chủ", nhưng khi sự việc xảy ra trên chính đất nước họ, thì họ lại bó tay và đổ lỗi cho mạng xã hội là "công cụ của bạo loạn". Tuy nhiên thủ đoạn dựng chuyện như "con dao hai lưỡi", thậm chí còn gây hiệu ứng ngược với chính người tạo ra nó. Bản thân vụ Edward Snowden đã là một sự kiện không cần thêm chất kích thích để tạo ra hoặc thổi phồng. Các trang mạng chỉ việc thực hiện lệnh copy và paste để sau ba mươi giây truyền thông tin rò rỉ từ tài liệu mật đi khắp thế giới. Không gì ngăn được "cơn sóng thần" này, từ Trung Quốc, đến EU, Liên hợp quốc đều bị theo dõi và phẫn nộ. Như vậy là internet đang làm tốt nhiệm vụ của nó và dường như đã kết liễu chương trình do thám điện thoại, internet (PRISM) của Chính phủ Mỹ. Ðiều thú vị là những cái loa ca ngợi nền tự do, dân chủ ở Mỹ của các phần tử chống cộng, thù địch hầu như đều im bặt sau khi vụ Snowden xảy ra. Họ chẳng còn gì để tâng bốc, khi mà chính họ cũng có thể đang là đối tượng bị theo dõi.
Với Việt Nam, bằng thủ đoạn dựng chuyện, các thế lực thù địch với Việt Nam và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cũng ra sức biến không thành có, thổi phồng vụ việc, dựng lên những câu chuyện bịa đặt nhằm gây hoang mang trong dư luận. Hình ảnh đất nước Việt Nam được miêu tả qua những trang web hay blog của các đối tượng chống hoặc bất mãn với chế độ chẳng khác gì đang trong cơn nước sôi lửa bỏng, xã hội rối ren, người dân chả thiết làm ăn chỉ lo chống chế độ, đời sống nhân dân cơ cực trăm bề...! Như trang sbtn.net từng giật tít "Hà Nội, Sài Gòn sôi sục lời kêu gọi biểu tình" nhưng nội dung chỉ đưa tin "42 người ký tên vào một lá thơ đề nghị tổ chức cuộc biểu tình tuần hành phản đối", đúng là đầu voi đuôi chuột! Không ai dám chắc con số 42 chữ ký đó là thật hay giả. Nếu con số đó là thật thì cũng không có gì đáng gọi là "sôi sục". Còn trang thegioinguoiviet.net thì toàn copy các bài viết về các vụ án hình sự trên báo chí trong nước rồi kết luận "xã hội Việt Nam sắp loạn"! Kiểu dựng chuyện như thế chỉ càng khiến cho cộng đồng quốc tế chê cười sự thiếu hiểu biết mà thôi.
Một tổ chức và cá nhân lên mạng dựng chuyện, ngoài việc bịa ra các sự kiện, họ còn triệt để khai thác các vấn đề mà họ thấy có lợi, có thể dựa vào đó để vu cáo Nhà nước Việt Nam. Như vụ Cù Huy Hà Vũ "tuyệt thực trong tù" đã được một số trang mạng chộp lấy rồi thổi phồng quá cỡ, đến mức tất cả đều bẽ bàng khi sự thật được phanh phui. Giờ đây, càng thấy khôi hài khi đọc lại những dòng của blogger Nguyễn Ngọc Già trên RFA: "Cuộc tuyệt thực của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cho đến nay là 21 ngày, tức trọn 3 tuần lễ. Quan điểm cá nhân của tôi qua việc tuyệt thực này: tôi cảm thấy rất xúc động khi ngày hôm qua tôi biết tin ông bị phỏng thân thể do bưng một thau nước nóng. Ðiều thứ hai gây cho tôi một sự ngạc nhiên và xúc động hơn là ngày hôm nay tôi biết trên mạng có 46 người đồng hành tuyệt thực cùng ông cho công cuộc đấu tranh trong dân chủ - nhân quyền Việt Nam". Không biết 46 người đó là ai, họ làm thế để chứng tỏ điều gì, và ai là người có thể chứng minh vụ "tuyệt thực trên mạng" kỳ quặc này? Rõ ràng, các đối tượng thù địch đã bí đề tài, họ bám lấy bất cứ thứ gì có thể bám được, rồi thêm thắt, thổi phồng. Mục đích của họ là làm biến dạng các thông tin chưa được kiểm chứng để dựng chuyện. Ðến hôm nay, hàng trăm website, blog đã tự động dỡ bài về chuyện Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực ba tuần "gày trơ xương" tuy đầu mục trên google thì vẫn còn lưu!
Thật trớ trêu, trong khi tờ DeMorgen của Bỉ ca ngợi Việt Nam là "điểm du lịch an toàn nhất thế giới"; dựa trên các chỉ số an toàn và an ninh, tờ Diplomat của Anh xếp Việt Nam là một trong 10 điểm đến an toàn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hay gần đây theo bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) 2013 do Viện kinh tế và hòa bình công bố, Việt Nam đứng thứ 41 trong 162 nước được khảo sát và đứng thứ tư trong các nước thành viên ASEAN,... thì trên YouTube và một số trang web lại nhan nhản chuyện bịa đặt nói xấu Ðảng, Nhà nước Việt Nam, nói xấu lãnh đạo, bôi đen xã hội. Ðánh giá của dư luận quốc tế, của người nước ngoài đang sinh sống hoặc đã đến Việt Nam được tận mắt chứng kiến sự phát triển, trực tiếp tiếp xúc với sự ổn định chính trị và các thành tựu kinh tế - văn hóa chính là thước đo khách quan, chính xác nhất, chỉ có các đầu óc không cần tới lẽ phải mới có tâm địa bác bỏ. Giờ đây, sau khi nhiều "sự kiện, tài liệu" được dàn dựng y như thật trên internet bị phanh phui, những người nhẹ dạ, cả tin đã nhận ra sự tốt - xấu, đúng - sai,... Họ không tin vào một số website, blog cá nhân lấy dựng chuyện làm cách sinh tồn, mà còn tự giác tham gia bóc trần thủ đoạn dựng chuyện. Họ đặt niềm tin vào báo chí chính thống, bởi chỉ ở đó mới giúp họ biết sự thật. Tuy nhiên, trong bối cảnh thủ đoạn dựng chuyện vẫn được một số thế lực, cá nhân sử dụng làm công cụ chống phá, chúng ta cần tỉnh táo, có bản lĩnh để bảo vệ lẽ phải, không để kẻ xấu tác động gây tổn hại đến sự phát triển, tới hòa bình, ổn định của đất nước./.
Theo Nhân Dân