Thứ Tư, 4/12/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 10/7/2013 10:26'(GMT+7)

Trò chuyện với người “sưu tập chủ quyền” biển đảo



Và, kỹ sư cơ khí Trần Thắng, một Việt kiều Mỹ đã làm nên kỳ tích khi sưu tập 150 tấm bản đồ quý, hiếm rồi gửi tặng cho Việt Nam.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với nhà sưu tập đầy tâm huyết này bên lề lễ khai mạc Triển lãm "Bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử" tại Bảo tàng lịch sử Quân Sự Việt Nam, sáng 9/7 tại Hà Nội.


- Thưa anh Trần Thắng, sở thích sưu tập bản đồ cổ của anh từ bao giờ?

Anh Trần Thắng: Tháng 7/2012, tôi đọc báo và biết câu chuyện Tiến sỹ Mai Hồng [Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam-pv] trao tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tấm bản đồ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ,” được dư luận đánh giá cao bởi giá trị lịch sử, pháp lý.

Từ đó, tôi nảy sinh ra ý tưởng sưu tầm bản đồ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và bắt tay làm từ tháng 8/2012. Tôi nghĩ rằng, ở trong nước có những bản đồ Việt Nam và nhà Thanh (Trung Quốc), thì ở nước ngoài, mình sưu tập bản đồ phương Tây để bổ sung vào tư liệu.

Trong vòng 5 tháng, tôi đã sưu tập được 150 bản đồ với tuổi đời kéo dài từ năm 1618 tới năm 2008. Những bản đồ này do trên 100 nhà xuất bản ở 7 quốc gia như Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga phát hành. Trong bộ sưu tập này, có rất nhiều bản đồ của Trung Quốc giới hạn biên giới phía Nam là đảo Hải Nam và nhiều bản đồ Việt Nam hoặc của khu vực châu Á thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Đặc biệt, trong quá trình sưu tập nói trên, tôi phát hiện 3 cuốn sách bản đồ toàn tập (Atlas), là Atlas Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh) và 2 cuốn Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919, tái bản năm 1933 bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp.

- Anh có gặp khó khăn gì trong việc sưu tập bản đồ không?

Anh Trần Thắng: Trong 5 tháng kiếm tìm, trở ngại của tôi chính là thời gian. Tôi dồn nhiều tâm sức đề tìm kiếm rồi thẩm định tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản, tỷ lệ, kích thước bản đồ. Trong quá trình này, tôi cũng hỏi kinh nghiệm một người Mỹ từng bán bản đồ cho mình cách thẩm định bản đồ cổ.

- Kỷ niệm nào trong quá trình sưu tập bản đồ làm anh nhớ nhất?

Anh Trần Thắng: Việc sưu tầm được tôi tìm kiếm và mua trên mạng. Kỷ niệm vui như khi tôi tìm thấy cuốn Atlas xuất bản năm 1919 do một người Ba Lan sở hữu. Bà ấy nói đã cầm cuốn sách này 10 năm và tôi là người đầu tiên hỏi mua…

- Tổng kinh phí để mua tập tài liệu đồ sộ ấy khoảng bao nhiêu, thưa anh?

Anh Trần Thắng: Tổng chi phí cho việc mua bản đồ vào khoảng 13.000 USD. Trong đó có 3.000 USD đóng góp của Quỹ Hoàng Sa Đà Nẵng, 5.000 USD của bạn bè và 5.000 USD mình bỏ ra.

Giá của bản đồ cũng rất đa dạng, có cái chỉ vài USD nhưng cũng có những cái lên đến hàng ngàn USD…

Tôi chỉ là một kỹ sư làm việc đủ sống, và 5.000 USD bỏ ra không phải là một số tiền nhỏ. Tuy nhiên, nó lại không hề lớn đối với một vấn đề chủ quyền của đất nước, quê hương.

Khi thấy số lượng bản đồ sưu tầm được lên con số 150, tôi quyết định đem tặng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng để có thêm tư liệu về chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa, Hoàng Sa.

- Thời gian tới, anh có tiếp tục công việc sưu tập bản đồ nữa không?

Anh Trần Thắng: Từ tháng 1/2013 tới nay, tôi vẫn lên mạng tìm thêm bản đồ, nhưng không có nhiều bản đồ mới.

Hiện, toàn bộ 150 bản đồ và 3 Atlas đã được đưa lên wesbite (ở địa chỉ: http://www.ivce.org/map/map.html) để độc giả ở xa cũng có thể truy cập và xem được. Thời gian tới, tôi sẽ số hóa các bản đồ này và một số bản đồ chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là ở trong nước, cho vào đĩa DVD đem tặng cho thư viện của một số trường Đại học ở Mỹ để mọi người hiểu hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn anh!

Anh Trần Thắng sinh năm 1970 tại Quảng Ngãi, là công dân Mỹ. Hiện, anh Thắng làm việc tại Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt&Whitney.

Từ khi còn là sinh viên, anh Thắng đã tham gia nhiều công việc xã hội như Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Connecticut (năm 1995), thành lập Tổng hội sinh viên Việt Nam vùng New England (gồm 6 tiểu bang, năm 2006), Chủ tịch và sáng lập tạp chí Nhịp Sống chuyên về văn hóa và xã hội Việt Nam (năm 1996-2008) và từ năm 2000 đến nay, anh là Chủ tịch và sáng lập Viện văn hóa và giáo dục Việt Nam (IVCE).

Ghi nhận những đóng góp của anh, năm 2013, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định tặng anh bằng khen về việc “Sưu tập bản đồ cổ để khẳng định chủ quyền Việt Nam.”

Trước đó, năm 2010, anh Thắng được Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng Bằng khen về việc “Phát huy văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ.”
 

Theo Vietnam+
(http://vietnamplus.vn/Home/Tro-chuyen-voi-nguoi-suu-tap-chu-quyen-bien-dao/20137/205957.vnplus)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất