Trên cơ sở nghiên cứu những tài liệu cá nhân của các nhà làm phim, đang bảo quản trong Kho lưu trữ văn nghệ quốc gia Liên bang Nga, phó giáo sư, tiến sỹ Anatoly Sokolov, Viện Đông phương học của Liên bang Nga đã chia sẻ về những kỳ công của các nhà làm phim Nga về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Giáo sư-tiến sỹ Anatoly Sokolov cho biết ngay sau khi cuộc chiến ở Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7/5/1954, đoàn làm phim của Nga gồm đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen và hai nhà quay phim Evgheny Mukhin và Vladimir Esurin giúp Việt Nam ghi lại những giờ phút hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, tái hiện một giai đoạn của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Đoàn mang theo máy móc và thiết bị... lên tới 900kg. Đoàn bay hai ngày tới Bắc Kinh, sau đó tiếp tục di chuyển bằng máy bay khác đến một thành phố biên giới Trung Quốc. Chặng đường còn lại họ đi bằng xe lửa và các phương tiện khác. Khi đoàn vượt biên giới Trung-Việt vào khu giải phóng thì Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra được nửa tháng.
Trước khi hội tụ về Hà Nội để quay cảnh đại quân Việt Nam tiếp quản Thủ đô, Karmen làm phim ở chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ và quay cảnh về các lãnh tụ Việt Nam. Ông Esurin chuyên quay về cuộc sống của nhân dân Việt Nam, Mukhin quay về quân sự, lên Điện Biên Phủ và nhiều tỉnh khác.
Mỗi người ghi lại những sự kiện và con người cụ thể đồng thời tạo nên một bức tranh hùng vĩ của cuộc kháng chiến chống Pháp, phản ánh đất nước và nhân dân Việt Nam trong một thời điểm cực kỳ quan trọng của lịch sử dân tộc. Đó là những trận tấn công dũng cảm của đội quân du kích, những cảnh về đời sống dần hòa bình và ổn định ở các thành phố, những thay đổi ở nông thôn, cảnh Quân đội nhân dân Việt Nam vào Thủ đô Hà Nội, một trại tù binh Pháp...
Karmen đã hoàn thành được những cảnh quay dựng tại Điện Biên Phủ sau khi chiến dịch kết thúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy, bộ đội Việt Nam ào ạt xông lên tấn công hầm tướng De Castries, cảnh phất cờ trên nóc hầm... Các nhà làm phim phải dựng một giàn giáo bằng tre để đặt máy quay sao cho góc quay đẹp, hoành tráng.
Một cảnh có ý nghĩa lớn nữa là đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Đường phố Hà Nội vắng vẻ, chỉ có những người lính Pháp chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn. Ông Karmen để tâm nhiều nhất và gây ấn tượng nhất là đại cảnh hàng nghìn tù binh Pháp lũ lượt diễu qua ống kính, lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên như biểu tượng thất bại của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Sau đó cả Hà Nội tưng bừng cờ hoa và òa vui chiến thắng. Nhiều khuôn mặt xuất hiện trong phim như các nhà y học Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, thiếu tướng Vương Thừa Vũ... mà khán giả hôm nay ít có cơ hội được nhìn thấy.
Tiến sỹ Sokolov kể rằng những nhà điện ảnh Nga rất ngạc nhiên khi biết rằng khoảng 95% người Việt Nam biết đọc và viết. Đạo diễn Karmen ghi lại câu chuyện lạ thường về cách thức chính quyền cách mạng xóa nạn mù chữ. Một bà nông dân đến thành phố bán gà, trước khi ra chợ bà phải học lớp dạy đọc và viết trong 2 giờ.
Một câu chuyện khác thú vị không kém xảy ra với ông Esurin khi ông bị lính Pháp bắt giữ, vì tưởng nhầm là cộng sản người Pháp nổi tiếng Moris Torez, sau đó phải thả ông khi biết ông là nhà quay phim Liên Xô.
Hiện nay trong Kho lưu trữ văn học và nghệ thuật của Nga còn có một tài liệu rất quý, trong đó có bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trên một tờ giấy vàng đề ngày 23/9/1954 gửi đạo diễn Karmen. Một kết quả từ hoạt động điện ảnh của Karmen ở Việt Nam là cuốn sách "Ánh sáng trong rừng thẳm" mà ông viết dành tặng những người Việt Nam hào hiệp và cao quý, những chiến sỹ vì tự do, những người dân lao động.
Roman Karmen là đạo diễn nổi tiếng, đã quay rất nhiều sự kiện của thế kỷ 20 như sự thất bại của phátxít Đức ở Stalingrad, sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam, cuộc cách mạng Cuba.
Những bộ phim của Karmen để lại thể hiện tính lịch sử sâu đậm. Ở Việt Nam, thời đó Karmen nổi tiếng đến nỗi khi ông tới Việt Nam và sau khi trở về Moskva, những người Việt Nam coi bất kỳ nhà quay phim châu Âu nào cũng là Roman Karmen./.
Theo Vietnam+