Ngày 7/5 tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa
dân tộc Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và phát huy
âm nhạc dân tộc; Tập đoàn Truyền thông quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm
khoa học với chủ đề “Âm nhạc và thơ ca với Điện Biên Phủ.”
Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy
văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết âm nhạc và thơ ca về Điện Biên Phủ có
một khối lượng tác phẩm rất lớn, được sáng tác kéo dài trong suốt 60 năm
qua, tập trung nhất là trước và sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hầu hết những nhà thơ lớn như Hồ Chí Minh, Tố Hữu…; các nhạc sĩ lớn như
Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân… đã để lại cho dân tộc những
tác phẩm sống mãi với thời gian.
Đặc biệt, bộ ba ca khúc của Đỗ Nhuận: “Hành quân xa,” “Trên đồi Him Lam” và “Chiến thắng Điện Biên” gây xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam trong suốt 60 năm qua.
Những tác phẩm như “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao, “Đường lên Tây Bắc” của Nguyễn Thành, “Mừng chiến thắng Tây Bắc” của Đặng Đình Hưng, “Chiến sĩ Tây Bắc hành khúc” của Lưu Hữu Phước, “Tây Bắc sáng lại” của Trọng Bằng, “Tình ca Tây Bắc”
của Bùi Đức Hạnh… đã trở thành đại hợp xướng ca ngợi Tây Bắc anh hùng,
ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Nhiều nghệ sĩ đã thành danh sau khi biểu diễn ở chiến dịch Điện Biên Phủ như Kim Ngọc, Trần Chất, Ngọc Dậu, Thùy Chi…
Giáo sư Hoàng Chương khẳng định lịch sử Việt Nam trải qua hàng nghìn năm
giữ nước và dựng nước đã diễn ra rất nhiều chiến dịch chống xâm lăng vĩ
đại, nhưng chưa khi nào có nhiều sáng tác âm nhạc như chiến dịch Điện
Biên Phủ. Những sáng tác đó là di sản quý của dân tộc, gắn liền với cái
tên bất tử “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Bên cạnh sáng tác âm nhạc, thơ ca cũng có những đóng góp lớn về đề tài
Điện Biên Phủ. Bằng cảm xúc của người nghệ sĩ, thông qua ngôn từ, thơ ca
góp phần ngợi ca chiến tích Điện Biên, ca ngợi đất nước và con người
Tây Bắc anh hùng; hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên
Giáp.
Tiêu biểu là bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ
Tố Hữu đã mô tả sinh động cuộc chiến đấu gian khổ với không ít hy sinh,
mất mát của cả dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời phản
ánh kịp thời không khí hào hùng và niềm vui vô bờ của nhân dân trong
ngày hội mừng chiến thắng.
Ngay sau chiến thắng Điện Biên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”.
Bài thơ khá dài (45 câu), với lối kể chuyện đánh giặc và niềm vui chiến
thắng theo cách kể chuyện dân gian. Bác kể chuyện về quân thì giản dị,
tự nhiên; kể về quân địch thì dùng ngôn ngữ châm biếm sâu cay, hài hước
rất dí dỏm.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng cần ghi nhớ và làm sống lại
những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc và thơ ca viết về Điện Biên Phủ, để
bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần ấy cho tốt hơn và đi sâu hơn
vào cuộc sống./.
TTX