Sáng 21/10, tại Hà Nội, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ sáu.
Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm
2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm
(2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải
pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.
Báo cáo Tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội năm 2014 cho biết: “Trong tổng số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra
trong kế hoạch năm 2013, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu
đạt xấp xỉ kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tạo việc làm; 2 chỉ
tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP
và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.”
Báo cáo của Chính phủ nhận định: “Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các
ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo
điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. GDP cả
năm 2013 tăng khoảng 5,4% so với năm 2012, đạt mục tiêu tổng quát đề ra
là tăng trưởng cao hơn năm 2012 (5,25%).”
Trên tinh thần đó, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của năm 2014 là
tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với
tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu
đột phá chiến lược. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao
đời sống nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại
và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và
trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí .
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm
Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra
Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; tình
hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết
quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện
các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.
Tán thành với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá về kết quả thực hiện Kế
hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, Báo cáo Thẩm tra cho rằng
trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới
sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ
thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đã có chuyển biến
tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm
2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng
trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.”
Song đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 3 năm
2011-2013, cơ quan thẩm tra nhận định các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt
thấp theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết
của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Một số ý kiến của cơ quan
thẩm tra cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn,
tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại
quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới.
Từ tình hình trên Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong năm 2014 là hết
sức nặng nề; Chính phủ cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô,
bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển với định hướng ưu tiên vào các ngành
sản xuất và nông nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và mục tiêu
việc làm. Điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để
phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ
sản phẩm, hỗ trợ thị trường, kể cả thị trường bất động sản; quan tâm
nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; tạo chuyển biến rõ nét
tình trạng hàng hóa tồn kho và nợ xấu...
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo
tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, Chuẩn bị cho kỳ họp thứ
sáu, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được
1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Nhiều vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị tại kỳ họp thứ năm vừa qua đã
được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nhà nước tiếp thu và giải quyết, như
triển khai nhiều giải pháp tích cực có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng,
kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư
nước ngoài, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện từng bước đời sống nhân
dân; kịp thời hỗ trợ cho ngư dân bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo
vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cử tri và nhân dân mong muốn tại kỳ họp thứ sáu này, Quốc hội tiếp tục
đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động lập hiến, lập
pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất
nước.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tập trung vào 5
nội dung cơ bản về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai;
sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; lĩnh vực y tế, vệ sinh an toàn
thực phẩm và môi trường; tình hình an toàn giao thông và giao thông vận
tải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chiều nay, trong phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của
Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội
giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật việc làm. Quốc hội sẽ thảo
luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này./.
Quang Vũ /TTXVN