Người chiến sĩ từng hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, khi trở về thời bình lòng vẫn đầy nghị lực vượt qua khó khăn, làm kinh tế giỏi, họ không chỉ làm giàu cho chính bản thân mình mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Phẩm chất “bộ đội cụ Hồ” vẫn sáng mãi trong lòng nhưng người CCB thôn Nặm Lương.
Mỗi năm thu nhập trên 200 triệu, nhiều gia đình còn thu nhập gần 700 triệu đồng, đó là một sự thật khó tin tại Chi hội CCB thôn Nặm Lương, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Với phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, từ đôi bàn tay trắng họ đã biến những vùng đất hoang vu trở thành những trang trại trù phú.
* Làm kinh tế giỏi
Chỉ cách trung tâm huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) chừng 20km, nhưng phải đi gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới tới được thôn Nặm Lương, xã Phù Lưu. Trong cái nắng chiều tháng 7, những ngôi nhà sàn khang trang, xen lẫn những ngôi nhà cao tầng giữa núi rừng đại ngàn đã làm chúng tôi bất ngờ. Cuộc sống bà con nơi đây đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, cái đói, cái nghèo đã trở thành dĩ vãng.
Sau cái bắt tay thân mật, ông Trần Văn Sử, Chi hội trưởng Chi hội CCB Nặm Lương cho biết, thôn Nặm Lương được ghép từ hai thôn Nặm Lương và Lăng Đán, phần lớn bà con nơi đây là dân tộc Tày và dân tộc Dao. Hiện nay, Chi hội CCB Nặm Lương có 20 hội viên. Nhờ biết phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của địa phương, trong đó lấy cây cam làm chủ lực, mà tất cả hội viên ở đây đều có thu nhập ổn định, một số hội viên có thu nhập lên tới 500 - 700 triệu đồng/năm. Bản thân gia đình ông cũng có 2ha cam, trên 700m2 ao và 8 con lợn, mỗi năm gia đình thu nhập tới 200 triệu đồng.
Gia đình anh Đặng Văn Định là một điển hình về nghị lực vươn lên làm giàu. Xuất ngũ năm 1990, từ hai bàn tay trắng, đất canh tác lại ít, vay được ít vốn từ bạn bè, anh đầu tư vào trồng cam. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, diện tích canh tác nhỏ lẻ nên anh vẫn chật vật cảnh “chạy ăn từng bữa”. Được sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của chi hội CCB thôn Nặm Lương, đúc rút kinh nghiệm từ những hộ đi trước, rồi Hội CCB xã tín chấp ngân hàng cho vay 10 triệu đồng cộng với số tiền tích góp được, anh đã mua thêm 2ha đất, tiếp tục trồng cam, đào ao thả cá, chăn nuôi thêm lợn, dê. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lại cần cù chịu khó, đến nay mô hình vườn đồi không những giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn trở thành một hộ khá giả trong thôn.
Theo bước chân của ông Sử, chúng tôi tìm đến gia đình ông Đặng Văn Sinh. Căn nhà sàn bề thế, đầy đủ tiện nghi nằm dưới những tán cây đã nói lên tất cả. Ông kể lại, hơn 20 năm chiến đấu trên chiến trường miền Nam , trở về quê hương khi đất nước hòa bình. Ngày đó, cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng bà con nơi đây, đất đồi thì nhiều, ruộng nương cũng lắm, mà dân bản vẫn thiếu cái ăn, cái mặc. Câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì để giúp bà con và chính mình thoát nghèo làm ông nhiều đêm mất ngủ. Bản lĩnh người lính đã thúc giục ông và đồng đội đứng ra vận động bà con phát quang lau sậy, thu gom lá rừng đốt thành tro rải cho đất thêm màu mỡ. Ông vận động bà con trồng lúa, trồng ngô để "lấy ngắn nuôi dài". Nhận thấy cây cam rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, ông cùng gia đình đào đất, khai hoang gần 3ha đất đồi trồng được 800 gốc cam, đào ao thả cá và chăn nuôi thêm vài ba con lợn. Đến nay, mô hình kinh tế của ông đã mang lại hiệu quả cao, mỗi năm cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
* Chung tay xây dựng quê hương
Không chỉ làm kinh tế giỏi, các CCB thôn Nặm Lương còn tích cực tham gia công tác xã hội, nhiệt tình giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế. Ông Trần Văn Sử cho biết, ở đây vườn cam đều nằm trên những sườn đồi, đi lại rất khó khăn, bà con phải dùng sức người thồ phân leo lên tận các sườn núi bón cho cam, rồi gánh cam xuống núi, vừa vất vả vừa không đạt hiệu quả kinh tế cao do cam khi gánh xuống bị dập, không bảo quản được. Trước tình hình đó, chi hội CCB thôn đã bàn bạc rồi quyết định phải xây dựng con đường. Mọi người tự nguyện góp công, góp của, thuê máy xúc, máy ủi. Bà con có đất trên đoạn đường đi qua tự nguyện hiến đất. Chỉ hai tháng sau, con đường bê tông khang trang dài gần 800m, rộng 4m đã hoàn thành.
Bà Ma Thị Thọ, một người dân trong thôn cho biết: Ban đầu nói đến chuyện làm đường, một số hộ phải hiến đất thì bà con ngại lắm. Nhưng được cán bộ thôn và các bác CCB đến tận nhà tuyên truyền, vận động, bà con dần hiểu ra và làm theo. Bây giờ, mỗi lần đưa phân lên bón hay lúc thu hoạch cam thì xe ôtô vào tận nơi, công việc nhẹ nhàng hơn trước nhiều, cam mỗi khi thu hoạch không bị dập, thời gian bảo quản lâu hơn, bán được giá hơn, bà con được hưởng lợi.
Bà Thọ vui vẻ tâm sự, trước đây mùa mưa về, hai bên bờ suối Nặm Lương thường xuyên bị sạt lở đất, cuốn trôi nhiều diện tích canh tác. Nỗi lo bị “hà bá nuốt” làm bà con sống ở khu vực ven sông ngày đêm mất ăn, mất ngủ. Sau bao trăn trở, người thương binh già, CCB Đặng Văn Sinh đã tự nguyện bỏ ra 50 triệu đồng mua vật liệu, thuê máy móc về làm đập chống xói mòn. Thấy ông Sinh làm, nhiều CCB khác cũng xung phong tham gia góp công, góp của xây dựng con đập. Chỉ chưa đầy một tháng sau, con đập dài 35m, rộng 2,5m đã hoàn thành. Nhờ có công trình đó mà bà con dân bản nơi đây không phải lo lắng về “hà bá” mỗi khi mùa mưa đến.
Các hội viên Chi hội CCB Nặm Lương còn nhiệt tình giúp đỡ về vốn, giống và truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, giúp nhiều hộ dân trong thôn phát triển kinh tế, nhanh chóng thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Chu Văn Minh tâm sự, trước đây gia đình ông nghèo lắm, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà chẳng đủ ăn, cái đói luôn cận kề, đặc biệt là vào thời kỳ giáp hạt. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ bám riết lấy gia đình ông. Năm 2006, gia đình ông được CCB Ma Hà Bắc (Chi bộ thôn Nặm Lương) hỗ trợ lợn giống và cho vay 10 triệu đồng không lấy lãi. Có vốn trong tay lại được sự hỗ trợ về kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông bắt tay vào trồng cam và đào ao thả cá. Nhận thấy hiệu quả tốt, ông mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH, đầu tư mua một đôi nhím giống, mở rộng sản xuất. Đến nay, mô hình phát triển kinh tế vườn của ông đã mang lại hiệu quả thiết thực, mỗi năm gia đình ông thu gần 200 triệu đồng.
Rời Nặm Lương lúc trời đã xế chiều, niềm vui tràn ngập trong mỗi chúng tôi. Người chiến sĩ từng hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, khi trở về thời bình lòng vẫn đầy nghị lực vượt qua khó khăn, làm kinh tế giỏi, họ không chỉ làm giàu cho chính bản thân mình mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Phẩm chất “bộ đội cụ Hồ” vẫn sáng mãi trong lòng nhưng người CCB thôn Nặm Lương./.
TTX