Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết,
phát hành số đầu tiên (25/1/1942-25/1/2017) đã được long trọng tổ chức
tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sáng 6/1.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy
viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh... đã gửi lẵng
hoa chúc mừng.
Giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của Báo Cứu Quốc-Giải
phóng-Đại Đoàn Kết, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Hồng Thanh Quang cho
biết vào những ngày này cách đây 75 năm, thực hiện Nghị quyết của Hội
nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, tờ báo Cứu Quốc đã được chuẩn bị tích cực cho việc ra
đời số đầu tiên.
Ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh
đã ra số đầu tiên. Tòa soạn lúc ấy chỉ có ba người: Tổng Bí thư Trường
Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang
Đạo và Lê Toàn Thư... Tổng Bí thư Trường Chinh đã trực tiếp viết bài và
phụ trách báo từ năm 1942-1944.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, báo chuyển về Hà Nội và nhanh chóng trở
thành tờ nhật báo lớn nhất nước thời ấy. Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên có
vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ sau Cách mạng. Sau đó, trong
suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Cứu Quốc luôn là tờ báo
đi đầu trên mọi mặt trận.
Đầu năm 1964, từ Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định cử một
đoàn cán bộ báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập báo Giải
Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt
Nam. Cùng với lực lượng tại chỗ và cán bộ báo Cứu Quốc, ngày
22/12/1964, báo Giải Phóng với bốn trang khổ lớn, in hai màu đã xuất
hiện trong vùng giải phóng miền Nam, vùng ven và đưa vào nội đô, sang
Phnompenh (Campuchia) và ra miền Bắc.
Tờ báo cũng là nơi tập hợp những cây bút tên tuổi, hoàn thành sứ mệnh
thiêng liêng là tiếng nói của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt
Nam, đóng góp rất lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Cứu Quốc hợp
nhất với báo Giải phóng, lấy tên là Đại Đoàn Kết. Tuần báo Đại Đoàn Kết,
cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hợp nhất từ báo Cứu
Quốc và báo Giải phóng xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977.
Tiếp nối truyền thống hết sức vẻ vang, báo Đại Đoàn Kết trong những năm
qua đã nỗ lực không ngừng. Kể từ năm 2012, báo Đại Đoàn Kết đã xuất bản
hàng ngày, 7/7 kỳ mỗi tuần. Từ năm 2014, ấn phẩm Tinh hoa Việt bộ mới đã
phát hành hai kỳ mỗi tháng với những đổi mới căn bản về nội dung và
hình thức được bạn đọc đón đợi.
Tháng 6/2015, báo Đại Đoàn Kết Điện tử chính thức được khai trương, đáp
ứng được đòi hỏi của thời kỳ mới, khi xu hướng làm báo Điện tử đang trở
thành một ưu thế, cung cấp tới bạn đọc những thông tin nhanh nhạy hơn,
kịp thời hơn. Với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, tiếp nối truyền thống 75 năm, Đại Đoàn Kết tiếp tục là tờ báo
tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ nhà báo báo Cứu
Quốc-Giải phóng-Đại Đoàn Kết nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập.
Giao nhiệm vụ cho báo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại
hội XII của Đảng, năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong bối cảnh đó, báo Đại Đoàn Kết cần tiếp tục phát huy truyền thống
vẻ vang, nêu cao ý thức và trách nhiệm chính trị, làm tròn trách nhiệm
là người tiên phong, là công cụ truyền thông trực tiếp, hiệu quả của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng, củng cố và phát huy khối đại
đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ
tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng
các đại biểu làm lễ ra mắt giao diện mới của Báo điện tử Đại Đoàn Kết.
(Ảnh: TTXVN)
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện
Nhân, Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống, tài sản trí tuệ, quý
giá qua hàng nghìn năm của cả dân tộc Việt Nam, là một quy luật phát
triển của đất nước. Để củng cố, phát huy Đại đoàn kết dân tộc cần tạo sự
đồng thuận xã hội về nhận thức tình hình, đường lối, kế hoạch phát
triển đất nước, triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu
nước trong các tầng lớp nhân dân và các địa bàn cả nước, phát huy vai
trò tự quản, sáng kiến của nhân dân, chăm lo cho đời sống của nhân dân ở
các khu dân cư, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính
quyền trong sạch, vững mạnh.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn
trong thời gian tới, báo Đại Đoàn Kết tiếp tục phát huy truyền thống 75
năm thực tiễn và bám sát các nhiệm vụ của Mặt trận. Năm 2017, báo Đại
Đoàn kết cần có kế hoạch khắc phục triệt để các yếu kém, thực hiện đúng
tôn chỉ, mục đích, không đưa tin sai sự thật, đóng góp hiệu quả trên mặt
trận chống suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa.” Đặc biệt, báo tiếp
tục là một hạt nhân tích cực tham gia Giải báo chí toàn quốc “Báo chí
với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” mà Ban Thường
trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam
phát động...
Đồng thời, Báo cần không ngừng phấn đấu để tiếp tục là công cụ vận động
quần chúng hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính
trị, là người bạn đồng hành có tiếng nói ân tình, sâu sắc trong quá
trình tăng cường củng cố, phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân đã trao bức trướng "Phát huy truyền thống 75 năm -
Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển'' tặng tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng
viên, biên tập viên báo Đại Đoàn Kết.
Ban biên tập Báo Đại Đoàn kết trao kỷ vật lưu niệm tặng đại diện gia
đình nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh, Chủ bút đầu
tiên của báo./.
(TTXVN)