Thứ Sáu, 4/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 31/7/2010 16:52'(GMT+7)

Kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo: Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đ/c Nguyễn Phú Trọng thay  mặt Đảng và Nhà nước trao tặng bức trướng cho ngành Tuyên giáo

Đ/c Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng bức trướng cho ngành Tuyên giáo

Trong bài diễn văn kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2010), đồng chí Tô Huy Rứa đã khẳng định: “Trải qua 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau, có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và từng bước hoàn chỉnh, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác Tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đó là công việc của toàn Đảng.

Ngay từ khi Đảng mới thành lập và còn hoạt động trong bí mật, Bác Hồ cùng các lãnh tụ của Đảng không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo mà còn là những người thầy, người mở đường, người chiến sĩ trực tiếp hoạt động trên mặt trận này. Hôm nay, trong buổi lễ long trọng này tất cả chúng ta xin kính dâng lên Người và các thế hệ cách mạng tiền bối lòng biết ơn vô hạn và hứa sẽ đi trọn con đường mà Đảng và Bác đã chỉ ra vì Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho đất nước ta.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 80 năm qua, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng phấn khởi và tự hào vì ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó".

Đ/c Tô Huy Rứa phát biểu tại buổi lễ


Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng bức trướng cho ngành Tuyên giáo. Bức trướng mang dòng chữ: “Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Các đại biểu tham dự buổi lễ


Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà Ngành Tuyên giáo đã đạt được và biểu dương các thế hệ cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo đã có những đóng góp xuất sắc trong suốt 80 năm qua.

Đ/c Nguyễn  Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm


Đồng chí nhấn mạnh: "Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngành Tuyên giáo cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện cụ thể ngày nay, nhạy bén nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; đồng thời đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, chúng ta cần chú trọng một số nội dung sau:

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp có căn cứ khoa học những vấn đề lớn thực tiễn đất nước đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

- Khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sự sắc bén và tính thuyết phục của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo.

- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp tuyên tuyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, hình thành hệ thống giá trị của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.

- Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nghiên cứu phát triển cuộc vận động trong những năm tới, gắn chặt với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò là cơ quan tham mưu, chuyên môn - nghiệp vụ của Đảng, trực tiếp góp phần vào quá trình nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý và chính sách phát triển khoa học - công nghệ, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ to lớn trên lĩnh vực các vấn đề xã hội…

- Củng cố, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại, phục vụ tích cực sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

- Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo trên tất cả các lĩnh vực, các loại hình từ trung ương đến cơ sở, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới”.

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm


Thay mặt Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng chí Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có bài phát biểu, khẳng định: “Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo cả nước không ngừng phát triển, ngày càng trưởng thành theo mỗi bước đi lên của sự nghiệp cách mạng. Các thế hệ làm công tác tuyên giáo luôn tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ; hun đúc nên những truyền thống vẻ vang của Ngành. Những cán bộ làm công tác tuyên giáo hôm nay biết ơn sâu sắc sự đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước và sự hy sinh dũng cảm quyê mình của hàng ngàn cán bộ tuyên giáo, nhà báo, văn nghệ sĩ vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và của Thành ủy, đội ngũ tuyên giáo thủ đô đã quán triệt sâu sắc phong cách “đi trước, đi trong, đi sau” trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chủ động bám sát thực tiễn, nỗ lực và sáng tạo triển khai nhiều hoạt động phong phú, sinh động, từng bước đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ mới.

Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã góp phần vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống Thăng Long – Hà Nội, cũng như xây dựng, bồi đắp nền tảng văn hóa của xã hội, từng bước xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chính là thời cơ vàng ngàn năm có một để công tác tuyên giáo có dịp khẳng định mình”.

Đại diện cho tuổi trẻ ngành tuyên giáo, đồng chí Lê Thị Mai Hoa (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu: “Những cán bộ trẻ ngành tuyên giáo hôm nay quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Ngành giao cho..., phấn đấu không ngừng tu dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, có lập trường tư tưởng vững vàng, ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bồi dưỡng nâng cao, chuyện môn, nghiệp vụ, để làm tốt công tác tham mưu trong các lĩnh vực tư tưởng văn hóa, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo và một số lĩnh vực khác.

Thế hệ trẻ của ngành sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống, nhiệt huyết cách mạng của bậc cha anh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những cống hiến đối với ngành tuyên giáo, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Đ/c Nguyễn Phú Trọng trao tặng huân chương
độc lập hạng Nhì cho đồng chí Phùng Hữu Phú và đồng chí Vũ Thị Thanh


Cũng tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Vũ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương./.

Thu Hằng - Thu Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất