Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 19/6/2010 23:35'(GMT+7)

Kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí cách mạng VN: “Theo Bác lòng ta trong sáng hơn”

Đồng chí Nguyễn Bắc Son phát biểu khai mạc Chương trình. Ảnh DT

Đồng chí Nguyễn Bắc Son phát biểu khai mạc Chương trình. Ảnh DT

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh như vậy trong Chương trình giao lưu nghệ thuật “Theo Bác lòng ta trong sáng hơn”, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo. Vụ Báo chí và Xuất bản- Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Báo điện tử Người Hà Nội tổ chức. Chương trình được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1, bắt đầu từ 20h và khép lại lúc 21h45 ngày 19/6/2010.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương…

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Nguyễn Bắc Son nêu rõ: Ngày 21/6/1925 là mốc son chói sáng khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự cưu mang, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục là người lính xung kích đi đầu trong công tác tuyên truyền, cổ vũ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong hội nhập quốc tế ngày nay. Trong chặng đường vẻ vang nhiều hy sinh, gian khổ ấy, những người làm báo luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút , trang giấy, là vũ khí sắc bén của họ”.

"Bác  Hồ: Người cho em tất cả"- Tiết mục văn nghệ do các em thiếu nhi Nhà văn hóa thiếu nhi Ba Đình biểu diễn. Ảnh DT


Kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay cũng là dịp để các nhà báo hôm nay bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng kính yêu, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- Người sáng lập nền Báo chí cách mạng nước ta và Người cũng là nhà báo vĩ đại nhất của Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp tốt nhất để các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước vận hội lớn của đất nước…

Tham gia giao lưu trực tiếp, Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương đặc biệt nhấn mạnh vai trò, công lao trời biển của Bác Hồ- người đặt nền móng đầu tiên và xây dựng nền báo chí nước ta; nêu bật vai trò của báo chí nước nhà trong các giai đoạn cách mạng oai hùng của đất nước, của Đảng, của dân tộc.

Giáo sư Hà Minh Đức xúc động, hồi tưởng lại những bài viết và các tác phẩm báo chí vĩ đại của Bác Hồ kính yêu. Giáo sư cũng mong muốn các nhà báo trẻ hiện nay cần học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh, đó là cách viết gắn liền giữa lý luận với thực tiễn, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người; cần học tập cách tự học, tự trau dồi kiến thức, nhất là học tiếng nước ngoài của Bác Hồ, để mỗi nhà báo trẻ có hành trang, có thể tiếp cận kịp thời với các thông tin thời sự trên thế giới và cập nhật tri thức của nhận loại…

Đại diện cho đội ngũ lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, Nhà báo Trần Mai Hưởng- Tổng giám đốc TTXVN nêu rõ: Trong hai cuộc kháng chiến các thế hệ nhà báo Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bằng cây bút của mình, các tin tức, bài viết, phóng sự…đã kịp thời cổ vũ, động viên có hiệu quả nhân dân, nhất là thanh niên cả nước hăng hái lên đường chiến đấu. Trong mặt trận thầm lặng ấy, đã có gần 260 cán bộ, phóng viên của TTXVN anh dũng hy sinh.

Ngày nay các thế hệ nhà báo của TTXVN tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, đã và sẽ luôn đi đầu, đưa được những thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, để góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Từng tham gia chiến đấu trong các chiến trường ác liệt nhất trước đây, Nhà báo Trần Thế Tuyển, Tổng biên tập Báo Sài gòn giải phóng, nữ Nhà báo Phạm Thị Sửu, nguyên phóng viên Báo Nhân dân, đã cùng ôn lại những trang sử vàng truyền thống của báo chí cách mạng, những sự hy sinh lớn lao của các thế hệ nhà báo. Các nhà báo đã một lần nữa khẳng định rằng các thế hệ làm báo trước đây đã và đang tiếp tục viết tiếp trang sử vàng truyền thống, đưa sự nghiệp báo chí nước nhà tiếp tục phát triển, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước.

Các nhà báo trẻ Bùi Thị Lan Anh, Phóng viên hệ phát thanh đối ngoại- Đài tiếng nói Việt Nam, Vũ Lan Dung, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hứa với Đảng và Nhà nước sẽ kế thừa, phát huy, học hỏi các thế hệ, các nhà báo đi trước, luôn trau dồi kiến thức, đạo đức nghề nghiệp, góp sức đưa sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà tiếp tục phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chương trình nghệ thuật với nhiều bài ca bất hủ: Đảng đã cho ta một mùa xuân; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người; Tiếng hát giữa rừng Pác Pó; Giáng đứng Việt Nam, Việt Nam Quê hương tôi….. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ xuất sắc: Mỹ Linh, Tam ca Sao Mai Lê Anh Dũng, Ngọc Ký, Anh Hào; Xuân Hảo, Việt Hoàn, Đăng Dương...

Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất