Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 4/7/2016 22:0'(GMT+7)

Kỳ thi THPT 2016: Đề thi phân loại tốt, phổ điểm sẽ trải đều

Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Chiều 4/7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo tổng kết kỳ thi THPT 2016. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định “công tác ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã được Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề; soạn thảo, in sao đề thi; vận chuyển và bảo quản đề thi”.

Phổ điểm thi sẽ trải rộng, đều

Đề thi đã đạt được yêu cầu của kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân loại cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, điều này có thể cải thiện được phổ điểm giúp cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được thuận lợi, nhất là các trường tốp trên.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, “đề thi năm nay có sự cải tiến rất mạnh. Đó là không đánh đố thí sinh, chương trình chỉ có trong kiến thức lớp 12. Đồng thời có cải thiện thêm các yêu cầu về đánh giá năng lực thí sinh theo hướng vận dụng kỹ năng, sáng tạo thực tế để nhìn nhận đánh giá vấn đề thay vì trả lời máy móc. Kết quả cho thấy các em đã đón nhận đổi mới này một cách rất tích cực”.

Theo Thứ trưởng, do mức độ khó dễ của đề thi được trải đều từ dễ, trung bình, khó đến rất khó (trong mức khó cũng chia làm nhiều mức độ). Do đó sẽ tạo được phổ điểm rộng trải dài hơn. Chẳng hạn từ 9-9,5 số lượng sẽ phân bố đều hơn. Bộ sẽ công bố rộng kết quả thi hơn giúp các trường ĐH, CĐ dễ xét tuyển thí sinh.

“Tuy nhiên tôi cũng phải nói rằng khi xây dựng một đề thi đảm bảo 2 mục đích là không dễ dàng. Vẫn cần thời gian đổi mới dần dần, nếu chúng ta đổi mới nội dung đề thi quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi thí sinh, cũng như kết quả đổi mới giáo dục”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Theo Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, “kỳ thi THPT năm nay là tiếp nối những đổi mới thi cử của các năm trước. Đã là đề mở nên đáp án cũng mở. Khi xây dựng đáp án mở sẽ không cho điểm theo ý như trước đây, mà đáp án sẽ gợi ý những nội dung mang tính chất chìa khóa. Thí sinh chỉ cần trình bày không sai mục tiêu câu hỏi, không vi phạm thì sẽ đạt yêu cầu”.

Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh

Năm nay, Bộ đã tổ chức 120 cụm thi (Hội đồng thi), gồm: 50 cụm thi tốt nghiệp do Sở GD&ĐT chủ trì và 70 cụm thi đại học do trường ĐH chủ trì với 1.452 điểm thi (cụm thi tốt nghiệp: 672 điểm thi và cụm thi ĐH: 780 điểm thi); 31.292 phòng thi; huy động 81.153 cán bộ, giáo viên phổ thông, giảng viên ĐH tham gia tổ chức thi.

“Có thể nói, việc Bộ tổ chức 2 cụm thi ĐH, tốt nghiệp ở tất cả các tỉnh thành là rất nhân văn khi không buộc các em học sinh ở vùng sâu vùng xa phải đi thi quá xa khi các em chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp”.

Chính điều này đã giảm bớt rất nhiều khó khăn áp lực cho thí sinh về giao thông đi lại và ăn ở. Do đó, tỉ lệ học sinh tới dự thi rất cao, đạt gần 99% (môn: Toán 99,11%, Ngoại ngữ 96%, Ngữ văn 99.03%, Vật lý 98,70%, Địa lý 98,65%, Hóa học 98,47%, Lịch sử 96,38%). Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau phải cách ly, không tự viết bài được cũng đã được các hội đồng thi tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi.

“Khi quyết định tổ chức cụm thi ở tất cả các địa phương, ban đầu, Bộ rất băn khoăn, lo lắng vì số lượng điểm thi quá lớn. Nếu mở rộng thêm cụm thi địa phương thì công tác tổ chức sẽ hết sức khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất quyết liệt trong mở rộng cụm thi, huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc với sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền các địa phương, bộ ngành nên kỳ thi đã thành công tốt đẹp”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.

Đồng thời, việc tổ chức 63 cụm thi cũng nhằm quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến những thí sinh là người dân tộc thiểu số, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn hay giao thông cách trở không đến được trường thi.

20/7: Hoàn thành công tác chấm thi

Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, các trường sẽ tổ chức chấm thi. Với các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, toàn bộ các bài thi sẽ đưa về thành phố lớn để chấm. Bộ đã yêu cầu các trường chủ động tăng cường đội ngũ giáo viên chấm thi vì số lượng bài thi là vô cùng lớn. Không được phép chậm trễ vì chỉ một bài thi chưa có điểm thì cả hệ thống cập nhật điểm thi sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho hay, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi, Bộ sẽ công bố đáp án và chỉ đạo các Hội đồng thi tổ chức chấm thi đúng quy chế, bảo đảm thời gian quy định, bảo đảm sự chính xác và công bằng giữa các hội đồng thi.

Các hội đồng thi công bố kết quả sau khi đã hoàn tất công tác chấm thi và đối sánh giữa kết quả thi lưu tại Hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia.

Bên cạnh đó, để bảo đảm không xảy ra nghẽn mạng khi thí sinh truy cập kết quả thi, Bộ đã lưu ý các cụm thi làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, ưu tiên đường truyền tại thời điểm công bố kết quả thi. /.

Theo Chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất