Thứ Tư, 9/7/2014 14:1'(GMT+7)
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014: Đề thi tạo nhiều hứng thú cho thí sinh
Sáng nay 9/7, thí sinh trên cả nước đã bước vào hai môn thi đầu tiên của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 với môn Toán khối B, D và Địa lý khối C. Theo đánh giá của giáo viên cũng như nhiều thí sinh thì đề thi Toán năm nay có tính phân loại khá cao, còn môn Địa lý lại được các thí sinh đánh giá là khá vừa sức. Theo ghi nhận của phóng viên, nhìn chung hầu hết các thí sinh đều thoải mái vì làm được bài.
Đề Toán có tính phân loại cao
Tại một số điểm thi vào các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Ngoại thương, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội…có rất ít thí sinh hoàn thành bài thi và ra về sớm trước giờ. Em Nguyễn Văn Cường, thi vào trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: Môn Toán trong sáng nay em chỉ làm được 7/9 câu, hai câu còn lại dù làm xong nhưng em vẫn băn khoăn về kết quả có đúng hay không. Theo em đề thi năm nay không quá dài, đề ra rất trọng tâm, sát với kiến thức trong sách giáo khoa, không mang tính đánh đố học sinh nhưng lại có tính phân loại thí sinh cao giữa học sinh học lực giỏi và trung bình ở câu 8 và câu 9. Các câu còn lại thì không quá khó, nếu nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa thì hoàn toàn có thể đạt được điểm 7, điểm 8; học sinh trung bình đạt điểm sàn là cũng không khó.
Cùng với thí sinh cả nước, sáng 9/7, gần 3.000 thí sinh dự các khối B, C, D tại Trường đại học Tây Bắc đã hoàn thành môn thi đầu tiên. Theo báo cáo nhanh của Hội đồng thi trường Đại học Tây Bắc, nhìn chung trong sáng 9/7, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, chỉ có 1 trường hợp thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. Em Giàng Sùng Pó, thí sinh người Mông đến từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La dự thi tại Đại học Tây Bắc cho biết: Đề thi môn Toán năm nay có những câu để phân loại thí sinh rõ ràng, như các câu 8, 9 về giải phương trình và tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức. Đối với những câu còn lại, thì điều kiện học tập ở khu vực miền núi như chúng em có thể làm được và đạt từ 5 đến 6 điểm.
Tại Bình Định, ra khỏi trường thi thí sinh Trần Thị Nga (Hoài Nhơn, Bình Định) cũng đồng quan điểm: “Đề toán khối B năm nay có tính phân loại cao, em chỉ làm được một nửa. Nga cho biết sẽ quyết tâm đạt điểm cao hơn trong 2 môn thi sau để thực hiện ước mơ làm sinh viên trường Đại học Quy Nhơn. Thí sinh Phạm Vĩnh Kỳ đến từ Phú Yên, trước đó đã dự thi khối A cho biết: Hôm trước em làm bài khối A được 7 câu, hôm nay chỉ làm được 5 câu. Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền đến từ Quảng Ngãi cho biết: Đề toán khối D có điểm mới là không có câu về lượng giác, vốn là câu dễ “ăn” điểm. Hiền khá lo lắng vì môn Toán vốn là thế mạnh của mình nhưng nay lại chưa đạt kết quả như mong đợi. Thầy Trần Chí Phong, giáo viên dạy môn Toán, trường trung học phổ thông Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết: Đề thi môn toán của cả 2 khối B và D vừa sức với học sinh. Chỉ riêng các câu bất đẳng thức và tìm giá trị lớn nhất nhỏ nhất là hơi khó, thí sinh khó lấy điểm phần này.
Ngày 9/7, tại Hội đồng tuyển sinh Đại học Thái Nguyên, 16.412 thí sinh đã đến 13 điểm thi để tham dự thi môn Toán khối B, D và Địa khối C. So với số hồ sơ đăng ký ban đầu, tỷ lệ thí sinh đến dự thi chỉ đạt khoảng 78%. Kết thúc môn thi đầu, Hội đồng coi thi đã tiến hành đình chỉ 8 thí sinh, khiển trách 2 thí sinh vi phạm quy chế thi tại phòng thi. Nhận xét về môn Toán ở hai khối B và D, hầu hết thí sinh cho rằng, đề Toán khối D hơi dài, có câu hỏi khó, mang tính nâng cao, nhất là câu hỏi ở phần hình học. Đối với đề thi Toán của khối B, thí sinh Phạm Quang Vinh, ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho rằng: Với 7 câu hỏi đầu thí sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được, có 3 câu hỏi cuối tương đối hóc búa, thí sinh phải học nâng cao mới có thể làm được.
Hào hứng với câu hỏi về biển Đông
Môn Địa lý khối C được các thí sinh đánh giá là khá vừa sức, đề thi cũng không quá dài. Nhiều bạn còn tỏ ra khá phấn khởi trong khi làm bài thi Địa lý năm nay vì đề thi bám khá sát với tình hình thực tế đời sống xã hội, chủ quyền biển đảo. Ngoài việc học trong sách giáo khoa thì qua các phương tiện thông tin đại chúng như: đài, tivi, báo… vấn đề biển đảo hiện nay được các thí sinh nắm bắt khá đầy đủ thông tin, điều này cũng góp phần không nhỏ giúp các em thuận lợi trong việc liên hệ thực tế một cách dễ dàng hơn.
Tại Hội đồng thi Hội đồng tuyển sinh Đại học Thái Nguyên, thí sinh Nguyễn Thị Yến ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: Câu hỏi về biển Đông mang tính thời sự cao, nhất là trong thời điểm Trung Quốc vẫn đang hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Sáng 9/7, có 12.561/18.229 thí sinh đăng ký đã đến dự thi đại học đợt 2 tại Hội đồng Cụm thi Vinh (Nghệ An). Tại Hội đồng coi thi cụm Vinh, có 12.561 thí sinh đến dự thi, chiếm tỷ lệ 68,91%, trong đó trường Đại học Vinh chiếm tỷ lệ cao nhất là 73,94%. Không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi, buổi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Em Lô Thị Thái Bảo, thi vào trường Đại học Vinh chia sẻ: Khi cầm tới đề thi Địa Lý em và nhiều bạn trong phòng đều thấy rất hào hứng khi có câu hỏi liên quan đến biển đảo. Em và nhiều bạn khác đều cho rằng với tình hình thực tế hiện nay thì việc đưa các câu hỏi liên quan đến biển đảo trong đề thi đại học là sát với thực tế và rất cần thiết, nó không những giúp các thí sinh nắm chắc các kiến thức về chủ quyền biển đảo mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với thế hệ trẻ rất cao. Đề thi Địa lý năm nay em làm bài khá tốt, các câu hỏi ra rất trọng tậm, không đánh đố các thí sinh. Theo quan sát của em, đa số các bạn trong phòng thi đều chăm chú và cẩn thận trong khi làm bài nên ít có thí sinh nộp bài trước khi tiếng trống hết giờ.
Tại Hội đồng thi Trường đại học Tây Bắc, bước ra khỏi phòng thi khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài môn Địa lý, em Hoàng Thị Thái Hà, đến từ huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La phấn khởi cho biết, đề thi môn Địa lý năm nay không quá khó, đề thi bám sát chương trình phổ thông và tương đối phù hợp với những học sinh có học lực trung bình khá như em. Đặc biệt trong một số câu của đề thi có chia ra nhiều ý nhỏ nên giúp thí sinh dễ đạt điểm hơn. Còn thí sinh Bùi Minh Chí, ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ, đề thi Địa lý năm nay đã bám sát các vấn đề nóng của xã hội, đặc biệt là phần câu hỏi về biển đảo. Em đặc biệt tâm đắc với câu hỏi về vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bởi thông qua đây đã giúp chúng em có thêm kiến thức bổ ích về chủ quyền của quốc gia trên biển. Tại Hội đồng thi này đã có một trường hợp thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế thi.
Về đề thi môn Địa lý, em Cao Quang Lực, học sinh trường trung học phổ thông Phú Hữu, tỉnh Hậu Giang, dự thi ngành Luật khối C, Đại học Cần Thơ cho biết: Đề thi địa khá dễ, đề mang tính mở, không yêu cầu thuộc lòng mà chủ yếu là đọc hiểu. Em và hầu hết thí sinh rất hứng thú và làm được gần hết các câu hỏi. Chúng em có thể đạt từ 6 đến 7 điểm không quá khó khăn.
Theo đánh giá của cô Dương Hồng Thủy, Giáo viên môn địa lý trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cho biết: Đề thi môn Địa lý khá hay, không đánh đố và có khả năng phân loại thí sinh. Đặc biệt, đề thi phản ánh được vấn đề nóng về an ninh quốc phòng, về chủ quyền biển đảo hay vấn đề việc làm đều mang tính thời sự cao. Đề thi vẫn nêu lên vấn đề về biển đảo nhưng ở một góc độ mới, hoàn toàn không trùng với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. Yêu cầu xử lý số liệu ở câu vẽ biểu đồ trong đề thi cũng không quá phức tạp, với đề thi này học sinh trung bình có thể đạt điểm 5 dễ dàng...
Chiều nay, các thí sinh sẽ tiếp tục thi các môn Sử khối C, Sinh khối B và Ngoại ngữ - khối D./.
Theo TTXVN