Vị Xuyên đã ghi dấu những tháng ngày hào hùng không thể quên đối với những cựu chiến binh Sư đoàn 356 ( Quân khu 2) hiện đang sinh sống tại Yên Bái.
Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) là một trong những địa điểm diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất.Ông Vũ Tuấn Khanh, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái nhớ lại, mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên bắt đầu nóng bỏng từ đầu tháng 4/1984. Sư đoàn 356 đang huấn luyện ở Bảo Thắng, Cam Đường (Lào Cai) được lệnh chuyển trạng thái, hành quân sang mặt trận Vị Xuyên.
Mùng 2/4/1984, địch bắt đầu nổ tiếng súng đầu tiên, đánh chiếm một số cao điểm như 1509, 233, 685, 772… nằm sâu trong đất Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, được lệnh của cấp trên, Sư đoàn 356 cùng các đơn vị khác tổ chức tổng phản công để dành lại các cao điểm.
“Rạng sáng 12/7/1984, toàn tuyến đều nổ súng đánh chiếm các cao điểm để đòi lại đất Việt Nam. Trung đoàn 876 của Sư đoàn 356 được lệnh chia làm 3 mũi đánh điểm cao 772 chia làm 3 khu vực gọi là 3 cái mỏm D1, D2, D3. Trung đoàn 149 cử Tiểu đoàn 7 đánh cao điểm 685; Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316 đánh cao điểm 300, 400. Trong ngày 12/7 năm ấy toàn mặt trận theo thống kê có khoảng trên 800 người hy sinh”, ông Vũ Tuấn Khanh kể lại.
Sau khi rút kinh nghiệm các trận đánh ngày 12/7/1984, Bộ Chỉ huy Quân sự của Quân khu 2 quyết định chuyển sang đánh lấn dũi, tức là đào hào. Tất cả các tuyến đường từ hậu cứ đi vào mặt trận đều đi dưới giao thông hào, vận chuyển cũng dưới giao thông hào, anh em bộ đội năm ấy gọi là Đường hào mùa xuân…
Ngày 15/1/1985, ta đồng loạt đánh các cao điểm lần thứ hai, trong đó có các bình độ 300, 400. Đây là những ngày vô cùng khốc liệt, mỗi ngày có khoảng 20.000 quả đạn pháo cối nổ, có cao điểm như 685 sau các trận đánh đã bị bạt đi hơn 2 mét.
“Chính cái đỉnh núi 685 ấy thì người ta gọi là Lò vôi thế kỷ, tức là Trung Quốc bắn truyền đơn sang tuyên bố là sẽ biến đá thành vôi. Trong cuộc chiến giành lại cao điểm 685 ấy, giữa ta và địch chỉ có những khoảng cách chỉ bằng một tầm lựu đạn. Trên núi đá thì không đào được hầm, mình với địch ở cái thế cài răng lược, có thể là mình ở 1 hốc này thì địch ở 1 cái hốc khác. Cuộc chiến đó diễn ra rất ác liệt”, ông Vũ Tuấn Khanh kể.
Ông Nguyễn Văn Yên ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết thời điểm nhập ngũ để lên chiến trường Vị Xuyên năm 1985, ông đang công tác tại một đơn vị vận tải. Như bao người con khác của quê hương Hoàng Liên Sơn, ông khoác ba lô lên đường bảo vệ tổ quốc.
“Tình hình lúc ấy rất nóng bỏng. Gia đình và cơ quan động viên, còn tinh thần thanh niên rất hăng hái. Ở trường Nguyễn Thái Học năm ấy, các xe tải đến là anh em lên xe, cả một sân trường ra tận ngoài đường lên đến gần Ngã tư Nam Cường, anh em, ban bè, gia đình tiễn đưa”, ông Nguyễn Văn Yên nhớ lại.
Trở lại quê hương sau Chiến tranh biên giới, các cựu chiến binh Sư đoàn 356 hôm nay vẫn giữ mối liên lạc với nhau, hàng năm đều tập trung nhau trở lại Vị Xuyên, Hà Giang để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh anh dũng và kiếm tìm những người còn nằm lại nơi chiến trường, đến nay chưa được tìm thấy.
Ông Võ Văn Nhân, Ban công tác Chính trị Sư đoàn 356 những năm ác liệt ấy, nay về sinh sống ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái tâm sự: “Hàng nghìn thanh niên năm ấy của Hoàng Liên Sơn đi lên Hà Giang chứ không ít. Bây giờ, thông qua các ban liên lạc, anh em vẫn giữ liên lạc được với nhau. Có khoảng mấy trăm anh em thường xuyên sinh hoạt, giao lưu, gặp gỡ. Giai đoạn sau này khi anh em chắp nối các ban liên lạc, cũng đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang mở đường, dẫn lối lên cao điểm tìm lại vị trí các hài cốt”.Hiện nay, Yên Bái có khoảng 300 cựu chiến binh Sư đoàn 356. Trở lại quê hương, họ đã nỗ lực công tác, lao động, xây dựng cuộc sống mới. Người trở thành lãnh đạo các cơ quan, các công ty lớn, người nổi tiếng trong nghề may mặc, và phần nhiều tiếp tục làm nông nghiệp, buôn bán, làm các nghề thủ công…
Những ký ức Vị Xuyên năm nào luôn là động lực để các anh vươn lên trong cuộc sống, đoàn kết góp phần xây dựng đất nước và làm thay những ước mong, những công việc mà những đồng đội nằm xuống chưa thực hiện được.
Năm 2013, trên cao điểm 468 mặt trận Vị Xuyên năm xưa, Cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã xây dựng Đài hương và Khu tưởng niệm những người đã ngã xuống vì bình yên của quê hương, đất nước. /.
Theo vov.vn