Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 17/2/2019 16:19'(GMT+7)

Xuất khẩu lao động 2019: Rộng cửa thị trường Đông Âu

Năm 2019, người lao động có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn các thị trường minh bạch, thu nhập tốt.

Năm 2019, người lao động có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn các thị trường minh bạch, thu nhập tốt.

MỞ RA CƠ HỘI LỚN

Năm 2019, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà lao động Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi, như điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… Điều này tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước mới.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2019. Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngay từ đầu năm 2019, hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang "mở cửa" với lao động Việt Nam. Năm 2018 những thị trường tốt chiếm tỉ trọng lớn, với 95% lao động làm việc vẫn là 23 thị trường truyền thống: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, trong năm 2018, thị trường “khó tính”, thu nhập cao là Nhật Bản đã vươn lên dẫn đầu về số lượng lao động tiếp nhận sau nhiều năm thị trường Đài Loan giữ vị trí này.

Cùng với đó, các thị trường nhiều rủi ro cũng đã giảm tỉ lệ như Malaysia, các nước Trung Đông, hiện chiếm không đến 2% số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Kỳ vọng về các thị trường lao động mới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong chuyến thăm châu Âu cuối tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bulgaria và Romania. Các biên bản này đã mở ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại Châu Âu.

Dự kiến chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 4 lĩnh vực: Xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận giữa Bộ Lao động hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả xuất khẩu lao động và đào tạo nghề.

Không chỉ Bulgari, Romania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu. Đây là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp.

Lao động Việt Nam sang Romania có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của người lao động vào khoảng 40 triệu đồng/người.

LỰA CHỌN THỊ TRƯỜNG MINH BẠCH, CHẤT LƯỢNG TỐT

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp rất nhiều đoàn của các nước đến với mong muốn ký kết hợp tác thỏa thuận xuất khẩu lao động. Với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra, gần như các nước đều có sự thiếu hụt lao động. Do vậy, trước các thông tin về nhiều thị trường hấp dẫn, người lao động nên chú trọng lựa chọn được thị trường minh bạch, có thu nhập tốt, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cảnh báo, phần lớn người lao động đều muốn đi qua các công ty xuất khẩu lao động nhưng có thể do không đủ điều kiện và phải học ngoại ngữ, yêu cầu có tay nghề nhất định, nên họ lựa chọn con đường xuất khẩu lao động "chui".

Tuy nhiên, người lao động khi muốn đi làm việc ở nước ngoài phải nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra và lựa chọn cách đi tốt nhất để được bảo vệ, không vi phạm pháp luật, không bị trục xuất về nước.

Về phương hướng quản lý thị trường xuất khẩu lao động năm 2019, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước cần tập trung triển khai một số công việc như: Phối hợp với Vụ Pháp chế trong việc sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đổi mới công tác thanh tra chuyên ngành… Đồng thời, đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 3 tiêu chí chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch hỗ trợ khi lao động quay trở về nước./.

(VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất