Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 2/11/2008 19:40'(GMT+7)

Kỳ vọng mới cho nông nghiệp Việt Nam trong môi trường hội nhập

Nông nghiệp và phát triển nông thôn được xem là nền tảng để phát triển kinh tế và tiến hành hiện đại hoá, công nghiệp hoá. Đổi mới trong nông nghiệp là cú hích cho công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam, tạo nền móng vững chắc cho phát triển nông thôn nói chung. Vốn “xuất thân” từ nền nông nghiệp, hiện nay trên 70% dân số là nông dân thì việc phát triển nông nghiệp bền vững là một nhân tố bảo đảm phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ. Cũng từ nền nông nghiệp, Việt Nam đã khẳng định vị thế và tên tuổi của mình trước quốc tế bằng các mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó sản phẩm gạo chiếm tỷ trọng khá lớn và đứng thứ hai thế giới.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đưa lại nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp được bình đẳng tiếp cận với thị trường quốc tế, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại... Mặt khác, hội nhập cũng tạo ra khuôn khổ pháp lý ổn định, lâu dài, minh bạch công khai, có thể dự báo trước những rủi ro trong thương mại nông sản cho các nhà sản xuất. Từ đó, giúp các nhà sản xuất Việt Nam rộng đường thâm nhập vào thị trường nông sản rộng lớn của cộng đồng thương mại quốc tế, tạo cơ hội cho nông dân Việt Nam thay đổi tư duy làm ăn theo lối hiện đại. Đặc biệt sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà sản xuất Việt Nam cũng như các nước tham gia thị trường nông sản trong nước và quốc tế, qua đó thúc đẩy sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Đồng thời nó cũng ảnh hướng mạnh đến hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật về nông nghiệp cần được tiếp tục hoàn hiện.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu đến 2010, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 15 tỷ USD. Có thể khẳng định, mục tiêu này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta tận dụng được các thời cơ và giảm thiểu được những thách thức và tiêu cực để nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm.

Mục tiêu phát triển dài hạn của ngành nông nghiệp Việt Nam là xây dựng một nền nông nghiệp đa dạng hoá định hướng thương mại, ứng dụng công nghệ mới và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành là tăng cường chuyển giao và phát triển công nghệ nông nghiệp mới và cải tiến, cải thiện việc áp dụng giống, triển khai công nghệ sản xuất mới, cải tiến công nghệ sau thu hoạch, phát triển kỹ thuật canh tác bền vững.

Tuy nhiên, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu thì điều quan trọng là phải thay đổi được nhận thức của người nông dân về sản xuất sản phẩm an toàn và đáp ứng nhu cầu thị trường. Triển khai xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế thực hành sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải ban hành các cơ chế chính sách nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư và hình thức đầu tư trong nước và nước ngoài; xây dựng chương trình thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển và trực tiếp để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật nông nghiệp, nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái mang đặc tính riêng của Việt Nam, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng hàm lượng công nghệ trong sản xuất, chế biến, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, Chính phủ cần tạo ra nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp ở nông thôn; thắt chặt và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người nông dân.

Theo TS. Juergen Wiemann (Viện Phát triển Đức), ngành nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế trong sân chơi WTO, đòi hỏi Nhà nước có nhiều biện pháp khắc phục bằng các công cụ phù hợp với tinh thần WTO. TS. Wiemann đưa ra một số giải pháp gợi ý như: tạo ra việc làm phi nông nghiệp ở vùng nông thôn; Chính phủ và các hội đoàn phải cung cấp nhiều thông tin hơn về tiếp cận thị trường, thông tin về tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu... để khắc phục tình trạng nông dân thiếu thông tin dẫn đến không có định hướng sản xuất chiến lược; tăng cường đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp cũng như quảng bá kết quả đối với các nhà sản xuất nông nghiệp; cải thiện việc cung cấp dịch vụ ngân hàng ở nông thôn để khắc phục tình trạng nghèo vốn, thiếu khả năng tín dụng ở nông thôn gây khó khăn cho đầu tư và chuyên sâu trong sản xuất; phát triển hệ thống an sinh xã hội để bảo hiểm cho nông dân khi mất mùa hoặc thu nhập kém; thúc đẩy khả năng cạnh tranh của công nghiệp phục vụ nông nghiệp để căn bản cải thiện năng lực của nông nghiệp Việt Nam; nâng cao tay nghề của người lao động và trình độ quản lý các cơ sở nông nghiệp. Ngoài ra, cần phải phát triển truyền thông khuyến nông với mục đích tạo lập, chia sẻ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn xuất phát từ nhu cầu của nông dân. Nếu làm tốt công tác truyền thông khuyến nông, người nông dân sẽ chủ động hơn, gắn bó hơn với khoa học kỹ thuật, hiểu rộng toàn diện hơn về quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ nông sản theo chuẩn WTO... Người dân sẽ có điều kiện làm quen với nhiều tri thức mới, do đó trình độ của họ sẽ được nâng lên.

Theo nhận định của một số chuyên gia, để phát triển ngành nông nghiệp hướng theo thị trường thì cần phải nâng cao công tác dự báo thị trường, thực tế hiện nay công tác này còn bộc lộ nhiều yếu kém. Công tác dự báo chưa có được sự rạch ròi giữa tính khách quan của công tác này với mục tiêu chủ quan của các chính sách; hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành, trực tiếp phục vụ công tác dự báo kinh tế chưa có tính thống nhất, không được phổ biến rộng rãi do còn thiếu các quy định về quản lý thông tin dữ liệu. Tuy nhiên, nhận định này mới chỉ đề cập tới công tác dự báo của các cơ quan trực thuộc chính phủ và các bộ, ngành.

Thực tế, từ kinh nghiệm trên thế giới, có thể thấy rất rõ hai khu vực-tác nhân chính thực hiện công tác dự báo:

Thứ nhất, các cơ quan dự báo thị trường của khu vực công với nguyên tắc hoạt động là một loại hình dịch vụ công (public service). Các cơ quan này nhận được sự đầu tư to lớn từ chính phủ trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ phân tích và dự báo, cơ sở hạ tầng trang thiết bị và thông tin để cho ra những sản phẩm thông tin - dự báo có chất lượng cao phục vụ cho cả nhà nước, các doanh nghiệp và hộ gia đình... Đối với loại hình công tác dự báo này, hai nguyên tắc nhất định tuân theo đó là: đầu tư của nhà nước nhưng đồng thời phải tôn trọng tính khách quan, độc lập của các dự báo; sản phẩm thông tin-dự báo không vì mục tiêu lợi nhuận.

Thứ hai, các cơ quan, tổ chức dự báo thị trường của khu vực tư nhân hoạt động theo nguyên tắc thị trường với những sản phẩm nghiên cứu và dự báo thị trường đặc thù, chuyên sâu trong những lĩnh vực, ngành hàng nhất định tùy theo thế mạnh của mỗi đơn vị. Đây có thể là những công ty tư vấn, các tổ chức nghiên cứu,... Chính sự cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường sẽ thúc đẩy tính chuyên sâu của sản phẩm thông tin-dự báo trên nền tảng là các thông tin-dự báo có tính chất vĩ mô do các cơ quan dịch vụ công cung cấp. Như vậy, để nâng cao chất lượng của công tác dự báo thị trường phải đồng thời phát triển cả hai khu vực trên mà trước hết là khu vực dự báo công để tạo nền tảng thông tin “tối thiểu” cho toàn bộ hoạt động quản lý của các cơ quan chính phủ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường.

Theo Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội mới, đến năm 2010, số lao động nông nghiệp sẽ chiếm 50% tổng số lao động xã hội, nhưng 70% dân số vẫn sinh sống ở các vùng nông thôn. Vì vậy, cần thiết lập một cơ cấu công nghiệp hoá, hiện đại hoá mới ở nông thôn bằng cách phát triển đồng thời nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhằm tạo việc làm cho người dân và đảm bảo cho họ một mức sống hợp lý; đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang hướng hiện đại, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, nông thôn gắn với du lịch sinh thái phát triển bền vững; đề xuất chính sách đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa nông thôn. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất gắn với việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành nghề khác. Điều chỉnh, sửa đổi chính sách miễn giảm nhằm giảm bớt sự đóng góp của nông dân.

Theo Bộ Tài chính, 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn khoảng 113 nghìn tỷ đồng, song con số này mới chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư cả nước. Một thực tế là hàng năm nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước ta rất lớn nhưng tỷ lệ đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm khoảng trên dưới 3%.

Kỳ vọng đặt ra thời gian tới, với sự hỗ trợ của một hệ thống cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, ngành Nông nghiệp sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao, giá trị nông nghiệp từ 4 - 4,5%/năm, GDP nông nghiệp tăng từ 3,3 - 3,5%/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn 7,5 - 8%/năm. Hướng tới mục tiêu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 13-14%/năm./.

Trung Hiếu

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất