Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 21/11/2015 10:2'(GMT+7)

Kỳ vọng ở nền giáo dục thiên về phẩm chất và năng lực

GS. TSKH Đào Trọng Thi. Ảnh: VGP/Phương Liên

GS. TSKH Đào Trọng Thi. Ảnh: VGP/Phương Liên

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, GS. TSKH Đào Trọng Thi đã có những chia sẻ xung quanh một số vấn đề quan trọng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Hình thành lại khuôn khổ của cả nền giáo dục

Theo GS. Đào Trọng Thi, hiện nay, trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục có nhiều thuận lợi khi Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.  Trong đó đã xác định được nhiều chủ trương, quan điểm rất mới và có tính chất đổi mới, thậm chí cải cách trong giáo dục của chúng ta một cách sâu sắc và rất cơ bản.

Chúng ta xác định một cách tiếp cận mới mục tiêu của giáo dục, từ việc chúng ta thiên về truyền thụ kiến thức chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực người học trong tất cả các cấp bậc học. Điều này sẽ làm thay đổi toàn bộ nội dung giáo dục, toàn bộ phương pháp giáo dục và rất có thể sẽ tạo ra chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục.

Nghị quyết đã được ban hành gần hai năm nay. Vấn đề của chúng ta bây giờ là triển khai thực hiện đường lối của Đảng được nêu ở trong Nghị quyết đó một cách tích cực và hiệu quả. Ngành giáo dục và toàn xã hội trong thời gian vừa rồi cũng đã có những chuyển động rất mạnh mẽ trong việc hình thành lại khuôn khổ của cả nền giáo dục.

Chúng ta đang nghiên cứu để hình thành lại từng bước cơ bản của nền giáo dục, cơ cấu của hệ thống giáo dục, xác định và chấn chỉnh các cấp bậc học. Về mặt thể chế, chúng ta cũng đã triển khai các bộ luật liên quan đến các ngành học cũng như các cấp học. Đối với giáo dục đại học chúng ta có Luật Giáo dục đại học vừa mới ban hành. Đối với giáo dục nghề nghiệp chúng ta có Luật Giáo dục nghề nghiệp và chúng ta đã thống nhất lại các hệ thống khác nhau trong giáo dục nghề nghiệp thành một hệ thống thống nhất, phù hợp với trình độ quốc gia, cũng như trình độ của khối ASEAN.

Đối với giáo dục phổ thông, chúng ta tiến hành đổi mới chương trình sách giáo khoa, một khâu rất quan trọng trong việc đổi mới giáo dục phổ thông. Chúng ta cũng có những bước chuẩn bị để tiếp tục đổi mới hệ thống giáo dục mầm non. Ngoài việc chúng ta xác định 5 tuổi là cấp phổ cập mầm non, hiện nay chúng ta đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển mạng lưới cơ sở mầm non nhằm đảm bảo mọi trẻ em ở lứa tuổi mầm non được hưởng sự chăm sóc một cách bình đẳng. Ở lứa tuổi mầm non, chúng ta chưa có Luật Giáo dục mầm non, nhưng chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó có những quy định rất mới để bảo vệ sự công bằng đối với trẻ em trong lứa tuổi mầm non với sự hỗ trợ của xã hội.

Phát triển ngoại ngữ thiên về giao tiếp

Trong câu chuyện hội nhập quốc tế về giáo dục, GS. Đào Trọng Thi đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường việc dạy, việc học, việc sử dụng ngoại ngữ trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Ngoại ngữ của chúng ta là một môn học rất được quan tâm vì chúng ta thấy được trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung còn thấp so với các nước trong khu vực, đặc biệt với quốc tế. Trong khi đó, chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế rất sâu rộng, bởi vậy ngoại ngữ trở thành công cụ rất quan trọng để chúng ta thực hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Có thể nói, quan điểm về giảng dạy ngoại ngữ của chúng ta trước đây là lạc hậu, không phù hợp. Chúng ta thiên nhiều về cung cấp những kiến thức ngữ pháp, tức là chúng ta mới quan tâm đến việc các em có thể đọc được văn bản, nhưng chúng ta không quan tâm đến việc các em có thể giao dịch, giao tiếp, và cao hơn nữa là khả năng trình bày bằng ngoại ngữ. Về phương pháp dạy, cũng giống hệt như những lĩnh vực đào tạo khác, chúng ta vẫn thiên về truyền thụ kiến thức. Ngoại ngữ mà chỉ thiên về truyền thụ kiến thức là không phù hợp, ngoại ngữ là công cụ giao dịch.

Cách tiếp cận giảng dạy không đi theo truyền thụ kiến thức mà chuyển sang hình thành phẩm chất, năng lực, chính là cái rất thuận lợi cho việc giáo dục ngoại ngữ. Để làm điều đó, chúng sẽ phải rất cố gắng, những môn khác khó khăn một thì ngoại ngữ khó khăn gấp nhiều lần. Là vì học sinh phải thực hành được ngoại ngữ trong khi đội ngũ giáo viên của chúng ta được đào tạo trong khuôn mẫu cũ, không đúng với định hướng, yêu cầu hiện nay nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Một phần rất lớn giáo viên qua kỳ kiểm tra chất lượng theo chuẩn quốc tế đều chưa đạt. Thế nhưng, nền giáo dục đã bước vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, trong đó có việc chuyển mạnh từ mục tiêu giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực. Đây là điểm rất thuận lợi để chúng ta thay đổi phương pháp dạy và học ngoại ngữ.

Dồn lực cho cơ sở giáo dục nghèo

Đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, GS. Đào Trọng Thi đã có những thông tin quan trọng về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đối tượng khó khăn này.

GS. Thi nói: “Giáo dục phổ thông của chúng ta kể cả giáo dục đại trà lẫn giáo dục đỉnh cao trong một bộ phận nhỏ các đối tượng giỏi xuất sắc, chúng ta cũng có những thành tích nhất định và đáng ghi nhận. Nhưng đương nhiên, trình độ của học sinh chúng ta chưa được đồng đều, điều kiện cũng chưa đồng đều giữa đô thị với nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi. Đặc biệt những vùng sâu, vùng xa, kinh tế đặc biệt khó khăn thì điều kiện học tập ngày càng khó khăn. Chính vì vậy trong thời gian tới, mặc dù chúng ta cũng đã nhận thức ra và chúng ta đã làm được nhưng vẫn phải có chính sách ưu tiên hơn nữa, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho những đối tượng khó khăn, đối tượng khó tiếp cận điều kiện học tập so với những khu vực khác, để học sinh ở những vùng đó, ở những hoàn cảnh khó khăn, ở những gia đình nghèo có được những điều kiện tối thiểu để có thể tham gia vào quá trình học tập”.

Vừa rồi, đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông đã rất quan tâm đến việc này. Rút kinh nghiệm ở những lần cải cách trước, lần này chúng ta xác định là việc xây dựng, biên soạn chương trình sách giáo khoa mới phải phù hợp với khả năng học tập và điều kiện cơ sở vật chất của toàn bộ các trường.

Ngoài ra, chúng ta cũng quan tâm đến việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục, cũng như các vùng miền còn khó khăn để các vùng đó có điều kiện phát triển đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất trường học đạt được yêu cầu tối thiểu để học sinh cũng có thể tham gia vào quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa, thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. Khác với những lần trước, chúng ta tăng cường cơ sở vật chất là tăng bình quân cho tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước, bởi vậy số tiền rất lớn nhưng dàn trải. Tuy nhiên, sắp tới, ngành giáo dục sẽ chỉ tập trung kinh phí vào cho một bộ phận nhỏ, những cơ sở giáo dục còn khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, để những vùng đó có điều kiện tham gia vào quá trình đổi mới cùng với những cơ sở giáo dục khác trên cả nước.

Phương Liên - Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất