Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 10/9/2014 9:30'(GMT+7)

Lai Châu: Hiệu quả bước đầu nhờ mô hình trường học mới

Thời gian đầu thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ học sinh người dân tộc lớn, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đảm bảo hay những hạn chế về phong tục tập quán của đồng bào vùng cao. Nhưng đến nay, mô hình trường học mới VNEN đã phần nào phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chúng tôi đến trường tiểu học Nùng Nàng, một trường vùng sâu vùng xa thuộc xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, vào lúc thầy và trò nơi đây đang cùng hăng say giữa tiết học. Trên lớp, từng nhóm một đang say mê thảo luận khiến không khí lớp học thêm sôi nổi. Năm học 2014 - 2015, trường tiểu học Nùng Nàng tổ chức 15 lớp học với trên 270 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 theo mô hình mới.

Cô giáo Phan Thị Bẩy, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Trường có 100% học sinh là người dân tộc Mông. Do đó, kỹ năng đọc hiểu văn bản của học sinh còn hạn chế, đặc biệt là khối lớp 2 nên khi tổ chức học theo nhóm như mô hình VNEN đã gặp phải nhiều khó khăn, nhất là đối với nhóm trưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Ở mô hình VNEN, lớp học được trang trí sinh động khiến không gian kiến thức thêm thân thiện đối với học sinh. Các học sinh ngồi theo nhóm, mỗi nhóm từ 4 - 6 người. Tất cả học sinh đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra. Khi gặp khó khăn nhóm không giải quyết được, học sinh sẽ được giáo viên trợ giúp bằng cách sử dụng thẻ hình...

Cô giáo Phan Thị Bẩy cho rằng: Qua triển khai học theo mô hình mới, học sinh được học kỹ hơn các kiến thức, đặc biệt học sinh người dân tộc thiểu số đã có tiến bộ rõ nét trong các hoạt động. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi, nhận thức của đa số phụ huynh học sinh còn rất hạn chế. Cha mẹ học sinh chưa chủ động tham gia xây dựng các góc hoạt động, góc địa phương với con em mình để hoàn thành bài học. Điều này cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá hoạt động ứng dụng bài học cho giáo viên nhà trường.

Tại trường Tiểu học số 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, sau khi triển khai thực hiện giảng dạy theo mô hình trường học mới VNEN ở các khối 2, 3 và 4, kết quả cuối năm học được ban giám hiệu nhà trường đánh giá là khá tốt. Ngoài thay đổi về mặt tiếp thu kiến thức, hầu hết học sinh đã thay đổi rõ rệt về giao tiếp, mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập. Trao đổi với một số học sinh tại trường, điều thu hút nhất đối với các em khi học theo mô hình này là trong lớp có nhiều góc học tập khác nhau như góc khoa học, góc tự nhiên xã hội… Thông qua những góc học tập, giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp có thể dễ dàng nắm bắt tâm lý của các em để qua đó có sự giúp đỡ khi cần.

Hiện toàn tỉnh Lai Châu có 12 trường nằm trong dự án VNEN với 163 lớp cho hơn 3.400 học sinh; trong đó hơn 2.900 học sinh là người dân tộc thiểu số. Để giáo viên thực hiện tốt chương trình VNEN, ngành giáo dục Lai Châu đã tổ chức các buổi hội thảo và mở nhiều lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy.

Ông Phạm Thế Chỉnh, Phó Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Thấy được hiệu quả, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã tự đăng ký dạy học theo mô hình này. Năm học 2013 – 2014, toàn tỉnh chỉ có 3 trường tự đăng ký dạy và học theo mô hình VNEN. Nhưng đến năm học 2014 – 2015, số trường tự đăng ký dạy và học theo mô hình VNEN đã là 13 trường với 66 lớp cùng hơn 1.400 học sinh; trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Không những thế, nhiều trường trên địa bàn Lai Châu còn vận dụng các kỹ năng, cách dạy và học vào từng môn học. Những phương pháp dạy khoa học trong mô hình trường học mới VNEN đã phần nào giúp học sinh miền núi, đặc biệt là đối tượng người dân tộc thiểu số có được sự tự tin trong giao tiếp và thay đổi tư duy học tập. Các em được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng nghe, nói và chủ động tham gia đánh giá lẫn nhau thông qua học nhóm. Vì vậy, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng vẫn được giữ vững; tỷ lệ học sinh đạt khá cao hơn và tỷ lệ đạt trung bình giảm…

Với những thành công bước đầu, ngành giáo dục Lai Châu rất muốn triển khai mở rộng mô hình ra khắp các địa phương trên địa bàn./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất