Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 13/1/2011 16:14'(GMT+7)

Làm cách nào để người Việt thích hàng Việt?

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Biết bao lớp người Việt Nam mong ước được sống trong ngôn ngữ Việt, phong tục Việt, trang phục Việt. Cái nón lá Việt Nam bây giờ khác rất xa mọi thứ nón mũ trên đời. Cái áo dài được gợi ý từ bộ “xường xám” cổ cao nhưng xẻ tà đến gần hết đùi, nghĩa là gốc ngoại và được cách tân cũng theo mốt ngoại, từ một hiệu may mang tên Lơ muya rất ngoại nhưng rồi đã trở thành đặc sản Việt cũng từ niềm khát khao ấy.

Tẩn mẩn hơn về mặt chữ nghĩa, còn thấy cuộc vận động lần này dân chủ hơn, thực tế hơn và cũng hiện đại hơn vì có thêm được chữ “ưu tiên”. "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nghĩa là nếu chất lượng hai thứ như nhau, giá tương đương nhau thì nếu là người Việt Nam hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam.Từ đây mới có chuyện muốn bàn. Đó là chất lượng. Chất lượng văn chương cũng như chất lượng hàng hoá. Trước, hãy bàn đến chất lượng hàng hoá.

Cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt lần này có bài bản hơn, tổ chức chặt chẽ lớp lang hơn nhưng không phải là lần đầu mới có. Cách đây gần một thế kỷ, ngay tại Hà Nội và Sài Gòn (tên thời đó) đã có những cuộc vận động, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả gạch đá để bảo vệ hàng Việt. Người ta tẩy chay hàng ngoại bằng cả việc đập phá cửa hiệu, đánh đập chủ hàng và khách hàng. Rồi chuyện cạnh tranh khách của các chủ hàng Việt bằng nhiều chiêu khuyến mại như đi tàu thuỷ của hãng tàu Việt Nam thì được giảm giá vé, được ăn bữa trưa không mất tiền, được bảo hiểm nếu chẳng may gặp nạn vv… Nhưng rồi mọi cao trào đều xẹp, mọi chủ hàng Việt đều lần lượt phá sản, nguyên do sâu xa là vốn ta không trường, chất lượng hàng ta kém.

Nhưng trong sự thất bại triền miên đó, vẫn có những mặt hàng Việt đứng được với thị trường khắc nghiệt. Cho đến nay, nhiều người Việt vẫn nhớ đến thuốc ho Bà Giằng, thuốc cao Bà Lang Trọc, xà phòng Cô Ba, dầu cao Con Hổ. Nhỏ lẻ thôi, nhưng lấn át hàng ngoại với cả những nhãn mác nổi tiếng. Đó là nhờ chất lượng. Không chỉ thời xưa, mà ngay thời nay. Ai cũng nhớ có lúc cả nước ta uống bia Vạn Lực, hút thuốc lá và mặc đồ Trung Quốc. Nhưng rồi, bia Vạn Lực ế ẩm đến mức nhà máy phải đóng cửa để thay vào đó là các loại bia Sài gòn và Hà Nội; thuốc lá Trung Quốc mất tăm trên thị trường thay vào đó là các nhãn thuốc lá Việt; áo sơ mi Việt Nam đắt gấp ba bốn lần cả bộ comple nước ngoài. Đó cũng là do chất lượng. Chất lượng rồi đến giá cả, hai yếu tố ấy là quyết định.

Không phủ nhận những gì đã đạt được trong hơn 50 Hội chợ hàng Việt được tổ chức ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hơn cả việc đã thu hút được hàng triệu người, bán được hàng tỷ đồng, các Hội chợ này đã khai phá cho hàng Việt những thị phần mới, đã gây dựng nền móng cho ý thức tin hàng Việt, ưu tiên cho hàng Việt. Nhưng những hội chợ, những triển lãm, những phiên chợ, các chiêu khuyến mại là chưa đủ, nếu không muốn nói là phụ với một vấn đề căn cốt hơn, đó là thị hiếu, là chất lượng và giá cả. Những ngày các tỉnh phía Bắc rét mượt này mới thấy thiếu một đôi ủng, một đôi găng tay, một bộ áo ấm cho người đi cấy đi cày, trồng khoai trồng sắn… bền chắc, tiện lợi, giá rẻ. Những ngày nắng hè gió Lào miền Trung, những ngày nước nổi Nam Bộ cũng vậy. Hình như chưa ai nghĩ đến việc (bởi nếu thương người nông dân, nghĩ đến cách đỡ vất vả cho người nông dân thì làm được) một loại áo che nắng, một loại xuồng giá rẻ bằng nhựa tiện ích với cuộc sống lao động. Nếu có và quảng bá tốt cho những mặt hàng đó, chắc chắn sự nghiệp công nghiệp hoá nền kinh tế sẽ nhanh hơn, sẽ chắc chắn hơn. Không đâu xa, ở Nhật, có loại hàng hoá nào tốt, việc đầu tiên là giới thiệu với người tiêu dùng trong nước, sản xuất cho người trong nước, hàng chất lượng kém hơn thì xuất khẩu, người ta bắt đầu công nghiệp hoá từ như thế. Từ chuyện nước người, thật thương cho những ai nghĩ ra loại thuyền thúng compodít không chìm nhưng mấy năm rồi không có ai đặt mua. Cũng thương cho những người nông dân thất học phải mầy mò sản xuất các máy tẽ ngô, máy bóc hạt điều, máy gặt lúa, máy cày ruộng để dùng. Càng thương cho hàng nghìn giáo sư, tiến sĩ, các nhà sáng chế đang tràn ngập các viện nghiên cứu, các nhà máy nhưng không được ai sử dụng chất xám của mình.

Tóm lại là cần một chiến lược, một cách tổ chức để người Việt thích hàng Việt. Xọ sang chuyện văn chương, bây giờ đi đâu cũng nghe chuyện công chúng chán thơ (và chán cả văn xuôi), thơ ế ẩm và nhà thơ không sống được bằng nghề. Phải chăng thơ cũng đồng bệnh tương lân với hàng hoá Việt. Nhưng bài báo dài rồi, chuyện này xin để sau ./.

Duy Vũ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất