Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 4/1/2011 9:36'(GMT+7)

Xung quanh tranh luận: Cây phải được tồn tại hay di tích bị “chết”?

Không ít ý kiến cho rằng, loại bỏ cây, cỏ trên thành nhà Mạc ở Tuyên Quang là đúng và cần thiết. Ảnh: T.L

Không ít ý kiến cho rằng, loại bỏ cây, cỏ trên thành nhà Mạc ở Tuyên Quang là đúng và cần thiết. Ảnh: T.L

"Cây là cây, di tích là di tích!"

"Tôi ví von thế này, cái cây đó như một cô gái đẹp nhưng lại đi làm gián điệp. Gián điệp ở đây là phá hoại di tích đó. Thế thì phải trừ khử nó chứ không thể để phá hỏng toàn bộ công trình di tích”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền “phản pháo” về quan điểm phải bảo vệ cây vì đấy cũng là một bộ phận của di tích.

Để giữ cho di tích được sống lâu dài cho thế hệ mai sau thì cần phải xử lý những loại cây ký sinh đó.(PGS.TS Phạm Mai Hùng)

Trong cuộc họp cho ý kiến cụ thể về dự án cải tạo, chỉnh trang di tích thành cổ Sơn Tây diễn ra mới đây, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình là cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt những loại cây sống ăn bám trên các tường thành, cổng thành vì đấy là nguyên nhân gần như số một hủy hoại di tích. “Mọi người thử nhìn xem, có những công trình của thành cổ Sơn Tây đã sắp đổ chưa. Tôi tin chắc là sắp đổ rồi. Vì sao nó sắp đổ là bởi những cây sống ăn bám vào công trình. Lúc đó, ai chịu trách nhiệm?”, ông Biền nói.

Cũng theo ông, đối tượng bảo vệ, bảo tồn chính của chúng ta là di tích, là những công trình kiến trúc chứ không phải là những loại cây. Nói về việc gần đây dư luận phản ứng chủ đầu tư và đơn vị thi công làm sạch và loại bỏ các loại cây trên cổng thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, ông cho biết đó là cách làm đúng. “Quan điểm của tôi là phải loại bỏ những cái gì không thuộc về di tích, có như thế mới kéo dài tuổi thọ cho di tích”.

Tiếp theo quan điểm này, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, một trong những chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích, cũng tỏ ra “phê phán” mạnh mẽ việc cần phải để cho cây tồn tại trên di tích. “Có ai đó nói rằng, qua thời gian, những cái cây sống ký sinh trên di tích đã làm nên những giá trị lịch sử nhất định. Vì thế chúng ta cần phải tôn trọng. Tôi cho rằng, đây là ý kiến mang màu sắc ngụy biện. Cây là cây, di tích là di tích. Để giữ cho di tích được sống lâu dài cho thế hệ mai sau thì cần phải xử lý những loại cây ký sinh đó”, PGS Hùng nói.

Cổng thành nhà Hồ

Cũng phần nào đó chia sẻ với những ý kiến cần phải có cách thức gì để có phương án ứng xử hài hòa với những cây lâu năm trên những hạng mục công trình di tích thành cổ Sơn Tây, song PGS Hùng đã đáp từ lại rằng, trông vào thì có gì đấy mang dáng vẻ hoài niệm, hoài cổ. Nhưng qua thời gian chẳng dài nữa đâu, chính những thứ này (các loại cây) sẽ gây cho di tích những tổn thất nặng nề. “Nhìn vào thành cổ Sơn Tây bây giờ chẳng khác gì một vườn lâm nghiệp tạp, rất ít cây có giá trị. Vì vậy, không chỉ riêng di tích này mà còn nhiều công trình di tích khác, khi nhận thấy cây sống ký sinh trên di tích có dấu hiệu phá hoại di tích là cần phải loại bỏ ngay”, PGS Hùng bày tỏ quan điểm.

Có những công trình của thành cổ Sơn Tây đã sắp đổ chưa. Tôi tin chắc là sắp đổ rồi. Vì sao nó sắp đổ? Là bởi những cây sống ăn bám vào công trình.(Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền)

Cũng như nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nói về quan điểm đối với dự án tu bổ thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, PGS Phạm Mai Hùng cho biết: “Ai đó nói rằng, đơn vị thi công loại bỏ những cây dại trên cổng thành là đã góp phần hủy hoại di tích, biến nó thành lò vôi. Tôi chẳng hiểu người ta nói như thế là nhằm bảo vệ di tích hay vô tình chê ông cha ta xây thành.

Tôi đã xem kỹ các bức ảnh trước khi tu bổ, và tôi thấy rằng việc loại bỏ những loại cây ký sinh trên cổng thành để trả lại nguyên gốc cho di tích là đúng đắn và cần thiết". PGS nhấn mạnh. Và ông cũng không quên nhắc lại rằng, cây là cây, di tích là di tích, không nên lẫn lộn giữa hai đối tượng này.

Lâu hơn một chút, cách đây đúng một năm, tại thị xã Sơn Tây, cũng đã  diễn ra cuộc họp góp ý về dự án tu bổ, tôn tạo thành cổ Sơn Tây. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, một trong những chuyên gia hàng đầu ở VN về bảo tồn di tích đã có những phản ứng khá mạnh với một đồng niên, đồng nghiệp của mình ngay tại cuộc họp trước vấn đề giữ cây hay bảo vệ, bảo tồn di tích. Trước khi đưa ra quan điểm của mình, GS Hoàng Đạo Kính đã dẫn ra hàng loạt ví dụ ở nhiều nước trên thế giới là phải loại bỏ cây để bảo vệ di tích.

Tôi rất lấy làm ngạc nhiên trước quan điểm là phải giữ lại cây trên những công trình di tích. Khi Bộ VHTTDL xếp hạng thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia chính là công nhận những giá trị và lịch sử kiến trúc của tòa thành quân sự này chứ không phải những loại cây ở đây.(GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính)

Ông còn nói là có đủ bằng chứng để chứng minh việc này là đúng và sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai về vấn đề này. “Tôi rất lấy làm ngạc nhiên trước quan điểm là phải giữ lại cây trên những công trình di tích.

Khi Bộ VHTTDL xếp hạng thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia chính là công nhận những giá trị và lịch sử kiến trúc của tòa thành quân sự này chứ không phải những loại cây ở đây”, và ông thẳng thắn đặt câu hỏi: “Chúng ta đang bảo tồn di tích hay bảo tồn những loài cây cỏ sống ký sinh trên di tích?”.

GS Hoàng Đạo Kính thể hiện rõ chính kiến của mình: Nếu chúng ta bảo vệ di tích thì cần phải loại bỏ những loại cây sống bám trên di tích, hoặc ngược lại.

Vì không thể song tồn cùng một lúc hai đối tượng. “Muốn bảo vệ, bảo tồn di tích và cũng muốn bảo vệ sự xuất hiện của cây, cỏ trên di tích thì bản thân tôi thật sự không hiểu”. Nói đến đây ông đứng dậy... ra ngoài.


Nguyễn Hòa-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất