Thứ Ba, 22/10/2024

Lâm Đồng: Nhìn lại bốn năm thực hiện nghị quyết trung ương 4

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng tình hình Đảng và công tác xây dựng Đảng, nhất là những khuyết điểm, yếu kém, Nghị quyết của Trung ương đã xác định 3 vấn đề cấp bách nhất của công tác xây dựng Đảng hiện nay là: (1). Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. (2). Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. (3). Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Để thực hiện 3 vấn đề cấp bách nêu trên, Nghị quyết Trung ương đề ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện, trong đó tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất.

Sau gần 04 năm thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, những kết quả đạt được tuy chưa đáp ứng được lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhưng đa số ý kiến đều cho rằng: Việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và thể hiện quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng. Nội dung và các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết đã được thể chế hoá, cụ thể hoá bằng các kế hoạch, quy định, hướng dẫn… tương đối nhanh, kịp thời và khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở các cấp trong tỉnh. Công tác chỉ đạo thực hiện cũng như nội dung, quy trình và cách làm có một số điểm mới, có tác dụng và đem lại một số kết quả bước đầu. Cụ thể như sau:

Về kết quả tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới trực thuộc.


Một là, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy:


Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình Trong quá trình kiểm điểm đã đề cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, tính chân thành, thẳng thắn, xây dựng trong thực hiện phê và tự phê bình, không chủ quan, quy chụp, xen động cơ cá nhân, tập trung vào 3 vấn đề bức xúc được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 và những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao để kiểm điểm, phân tích làm rõ, khẳng định những thành tựu nổi bật, mạnh dạn chỉ rõ tính chất, mức độ thiếu sót khuyết điểm, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và có chủ trương, biện pháp khắc phục. 

Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ đã báo cáo giải trình, tiếp thu một số nội dung các tập thể, cá nhân góp ý đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận số 196-KL/TU, làm rõ những ưu điểm, thành tích đã đạt được và những khuyết điểm, hạn chế; đề ra chủ trương, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Hai là, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh; các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy:


Trên cở sở cách làm và gợi ý các nội dung kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với tập thể và cá nhân; các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy đã tiến hành các bước chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, theo đúng Kế hoạch 32-KH/TU của Tỉnh ủy; thời gian ban thường vụ cấp ủy tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể bình quân từ 1,5 đến 02 ngày, kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân ủy viên Ban Thường vụ từ 02 đến 03 ngày. Báo cáo kiểm điểm của tập thể và cá nhân ban thường vụ cấp ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã tập trung vào 3 vấn đề bức xúc được nêu trong Nghị quyết và những vấn đề nổi lên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý; tất cả những vấn đề đặt ra trong báo cáo kiểm điểm của tập thể và cá nhân ban thường vụ cấp ủy đã được hội nghị phân tích, làm rõ những mặt được, chưa được, nguyên nhân, nhất là khuyết điểm chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm và đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể khắc phục sửa chữa.

Qua tổ chức kiểm điểm, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã thấy rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân, xác định rõ những nguyên nhân của ưu điểm, khuyết điểm, nhất là những nguyên nhân chủ quan, đề ra kế hoạch, giải pháp, lộ trình cụ thể phấn đấu khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế... đối với những vụ việc, khuyết điểm lớn, có dấu hiệu vi phạm đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra làm rõ để xử lý theo quy định.

Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, yêu cầu từng đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đăng ký với cấp ủy kế hoạch, lộ trình khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm gắn với thực hiện việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bảo đảm việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm được tiến hành một cách đồng bộ, có chất lượng, đạt hiệu quả thiết thực. 

Về kết quả khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình.


Kết luận số 196-KH/TU ngày 14/9/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong đó đề ra 4 nội dung lớn để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Đến nay cơ bản đã triển khai thực hiện có hiệu quả cụ thể:

Thứ nhất: Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo thường xuyên duy trì nề nếp tự phê bình và phê bình hàng năm để kiểm điểm việc khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm Trung ương 4 gắn với thực hiện chức trách nhiệm vụ và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể theo quy định; tập trung khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trên 3 nội dung về tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy chính quyền và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường thực hiện Thông báo kết luận 94-KL/TW ngày 30/12/2002 và Chỉ thị 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư về tăng cường đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hoà bình" trên lĩnh vực tư tưởng

Thứ hai: Xây dựng đội đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo nguyên tắc, quy trình; quan tâm việc luân chuyển, quy hoạch, kiện toàn tổ chức cán bộ, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương

Thứ ba: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng như: thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp uỷ, bổ sung, điều chỉnh phân công trách nhiệm cho các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ..

Thứ tư: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và của Tỉnh và giải quyết một số vấn đề như: Tổng kết công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo việc đền bù, tái định cư dự án thuỷ điện trên địa bàn; công tác điều tra, xét xử vụ án liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng; thanh tra một số địa phương trong việc quản lý bảo vệ rừng; kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư; kiểm tra biểu hiện chạy việc làm ở một số ngành, kiểm tra việc khắc phục các khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 đối với các tổ chức Đảng và người đứng đầu cấp uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ.

Trong 2 năm 2013- 2014, kết quả kiểm điểm đều khẳng định tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều chuyển biến trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đảm bảo hoàn thành kế hoạch hàng năm; tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và có nhiều vướng mắc, khó khăn như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, quản lý xây dựng đô thị; rà soát các dự án đầu tư để xử lý, tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục triển khai đi đôi với xử lý thu hồi các dự án không triển khai, dự án vi phạm lâm luật...các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung  ương 4. 

Đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị, qua báo cáo việc thực hiện kế hoạch sửa chữa khuyết điểm, hạn chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, phần lớn các tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp kiểm điểm tự phê bình, phê bình; sau kiểm điểm đã duy trì nề nếp, chế độ tự phê bình, phê bình hàng năm, gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể; đến nay, cơ bản đã sửa chữa, khắc phục được những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ cũng như của từng tổ chức cơ sở đảng, củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. 

Có thể khẳng định sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết cơ bản đã ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, cơ quan, đơn vị; xét về tổng thể thì cán bộ, đảng viên suy thoái có giảm; chỉ còn một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tuy nhiên ở một số cơ quan, đơn vị thì không những không giảm xuống mà còn diễn biến phức tạp; chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Đảng bộ tỉnh tiếp tục được quan tâm đúng mức, đáp ứng được yêu cầu trong việc thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ tới; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đại đa số chấp hành và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, đơn vị trên cơ sở quy chế làm việc, bảo đảm hoạt động thông suốt, thể hiện trách nhiệm tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, điều hành; thực hiện tốt cơ chế giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn có những hạn chế, khuyết điểm như: Việc góp ý của một số tổ chức, cá nhân không cụ thể, chủ yếu nêu vấn đề, phản ánh dư luận và kiến nghị; việc kiểm điểm ở một số tổ chức làm lướt không hiệu quả, đánh giá chung thì có khuyết điểm nhưng chỉ cụ thể của cá nhân nào thì không thực hiện được; một số tổ chức đảng không phát hiện được vi phạm của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình nhưng lực lượng khác lại phát hiện được; Chủ trì hội nghị một số đơn vị kết luận, giải trình dài, một số cá nhân phát biểu còn lòng vòng, mang tính kể lể, chất lượng không cao. 

Một số tổ chức đảng đề ra biện pháp khắc phục chưa bám sát 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã yêu cầu. Việc biểu quyết một số nội dung: Có hay không có việc chạy chức, chạy quyền…, số phiếu tập trung không cao. Một số tổ chức đảng việc biểu quyết không phản ánh đúng thực tại khách quan (cá biệt có nơi 90% biểu quyết trong Ban Thường vụ không có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống nhưng sau đó không lâu thì cấp uỷ viên chủ chốt phải xử lý kỷ luật hoặc cấp trên phải tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm); cá biệt có nơi người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm; Một số ban thường vụ cấp huyện chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm chưa kiên quyết; Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4; Việc thực hiện các nhóm giải pháp trong Nghị quyết có một số nội dung chưa thật sự quyết liệt như:  nhóm về công tác tổ chức, cán bộ còn hạn chế trong việc luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, công tác quy hoạch chưa bảo đảm cơ cấu 03 độ tuổi, chưa thực hiện nguyên tắc động và mở, phần lớn mới quy hoạch cho 01 nhiệm kì, chưa có đội ngũ cán bộ kế tiếp nhiệm kì sau; một số nơi chưa chấp hành tốt quy trình, nguyên tắc trong công tác cán bộ; cá biệt có nơi giới thiệu những đồng chí đang xem xét thi hành kỷ luật hoăc có nhiều dư luận không tốt để bầu vào cấp uỷ cơ sở dẫn đến không trúng cử hoặc dư luận không đồng tình…

Nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm là do:  Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nghiên cứu mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp tiến hành kiểm điểm dẫn đến lúng túng trong việc xác định nội dung, đối tượng, các bước tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình;  Một số đồng chí đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng chưa thực sự gương mẫu, nêu gương trong thực hiện kiểm điểm; tư tưởng kiểm điểm qua loa, chiếu lệ, hình thức, nể nang, né tránh vẫn còn ở một số tổ chức đảng và đảng viên; Một số cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc kiểm điểm, thiếu chủ động, tích cực tu dưỡng, rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế dẫn đến vi phạm sau kiểm điểm phải xử lý kỷ luật; Việc chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới ở một số tổ chức đảng chưa sâu sát; chưa thường xuyên, thiếu cương quyết; Một số vấn đề, lĩnh vực chưa kiểm điểm làm rõ được tính chất, mức độ nghiêm trọng; khuyết điểm chung của tập thể thì dễ chỉ rõ nhưng trách nhiệm thuộc về cá nhân nào thì chưa quan tâm làm rõ; Hoạt động của bộ phận thường trực, tổ giúp việc có lúc chưa kịp thời, chủ động tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, thời gian tới, các cấp ủy đảng trong tỉnh cần tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra, nhất là tập trung chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra qua tự phê bình và phê bình, giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm ở địa phương, đơn vị, đưa Nghị quyết vào cuộc sống./. 

Hồng Vĩnh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất