Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 2/7/2009 21:59'(GMT+7)

Làm gì để giảm áp lực trong tuyển sinh Mầm non, Tiểu học ?

Nhằm làm rõ vấn đề nêu trên, chúng tôi đã trao đổi thông tin với một số cơ quan chức năng (Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội; tham khảo ý kiến của ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. HCM), kết hợp nắm tình hình qua một số kênh thông tin khác; dưới đây xin nêu một số ý kiến để chúng ta cùng quan tâm.

1.Những bất cập trong công tác tuyển sinh vào mầm non, tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội:

Theo qui định chung, trẻ em trong độ tuổi từ 3-5 tuổi sẽ được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn cư trú (lấy hộ khẩu làm căn cứ); còn trẻ em lên 6 tuổi sẽ được tuyển sinh vào trường tiểu học thuộc địa bàn cư trú (cũng lấy hộ khẩu làm căn cứ). Thủ tục thu nhận hồ sơ tuyển sinh do từng cơ sở chịu trách nhiệm, tiến hành công khai (thông báo tại cơ sở, thông báo trên loa truyển thanh); và chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền phường, quận, với chỉ đạo chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên trong quá trình tuyển sinh lại đã nảy sinh một số bất cập mang (về cơ bản là do khách quan), gây khó khăn phức tạp cho các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học:

- Một số địa bàn dân cư đông, khả năng thu nhận các cháu vào học ở những cơ sở giáo dục công lập vượt ngoài nhu cầu, trong khi đó các cháu lại không có điều kiện để vào các cơ sở tư thục (kinh phí đóng góp cao gấp nhiều lần), hiện tượng này không phổ biến, chỉ xuất hiện tại một số nơi.

- Những cơ sở giáo dục có thương hiệu - chất lượng chăm sóc, giáo dục tốt, được phụ huynh ngưỡng vọng - lại chính là nơi quá tải tuyển sinh; nguyên nhân chủ yếu do các gia đình có điều kiện, muốn được cho con cháu học trái tuyến (các luồng dư luận bức xúc liên quan từ đối tượng này), còn một bộ phận khác là con của những người ở các tỉnh ngoài theo cha mẹ lên Hà Nội làm ăn.

- Số trẻ em vào lớp 1 năm nay có tình trạng tăng đột biến vì 5 năm cách đây là năm Mùi, nên đa số các gia đình đã thực hiện sinh đẻ với sự cầu mong con cháu gặp nhiều may mắn, có lộc. Chính số tăng này đã vượt quá cao so với kế hoạch tuyển sinh, nhất là với các cơ sở giáo dục thuộc diện có thương hiệu cao (mỗi quận có từ 1-2 cơ sở), tỷ lệ quá tải đăng ký vượt khoảng 30%-50%. Trong khi đó tại những vùng ngoại ô hoặc ngay cả ở những địa bàn nội thành mà có cơ sở giáo dục ít danh tiếng thì cũng rất thưa thớt hồ sơ dự tuyển (có thực tế là: chỉ cách nhau khoảng 2km nhưng cơ sở này thì số xin học trái tuyến tăng hơn 30%, còn cơ sở kia thì trúng tuyến cũng chưa đủ chỉ tiêu).

- Tại những cơ sở quá tải, phụ huynh đã phải thấp thỏm chờ đợi mua, nộp hồ sơ đăng ký, tâm lý chờ đợi mong manh giữa trúng tuyển hay không trúng tuyển đã tạo áp lực khiến cho tình hình trở nên căng thẳng. Trong khi các cháu ngây thơ không biết gì, còn phụ huynh thì “ăn không ngon, ngủ không yên”, cá biệt đây đó đã xuất hiện dạng “cò mồi” trong việc “chạy trường” nên có dư luận đồn thổi rằng “phải tốn tiền triệu” mới được vào học.

Để có hộ khẩu làm hồ sơ, cũng đã có những người lo chuyển, nhập khẩu (“gá”) cho con cháu về nơi mà có cơ sở giáo dục công lập thuộc “tốp trên”, thành ra đến khi thu hồ sơ đã xuất hiện tình trạng quá tải ngay cả với số trẻ có hộ khẩu thực (từ trước) và trẻ có hộ khẩu “gá”trong thời gian chưa lâu.

- Trong quá trình tuyển sinh, các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục đã có rất nhiều cố gắng, cải tiến thủ tục, qui trình thu nhận hồ sơ, xét tuyển, đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm dần những phức tạp, khó khăn cho phụ huynh. Với đối tượng thuộc diện “đúng tuyến” thì có một nguyên tắc chung là phải khắc phục khó khăn (chủ yếu là nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp) để tiếp nhận trẻ. Với những đối tượng trái tuyến chỉ giải quyết trong phạm vi khi đã nhận hết trẻ đúng tuyến, mức qui định đóng góp trái tuyến được công khai, nhằm góp phần chia sẻ kinh phí với nhà trường.

2, Nhận định chung, đề xuất giải pháp khắc phục:

Tình hình trên vốn đã xuất hiện từ nhiều năm nay, cũng không riêng với Hà Nội mà tại TP. Hồ Chí Minh và những thành phố lớn cũng gặp khó khăn, phức tạp (mặc dù Hà Nội có phần gay gắt hơn). Ngay cả Bắc Kinh (Trung Quốc) thực tế có những quận phải mở thêm tới 2 trường cho con cháu những người lao động từ các địa phương lên lao động kiếm sống. Dự báo tình trạng này sẽ còn tồn tại một thời gian khá lâu, không thể khắc phục mau chóng, vì:

- Điều kiện kinh tế càng được nâng cao thì nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ trong những cơ sở có chất lượng cao lại càng được phụ huynh quan tâm, nhất là với những gia đình có điều kiện kinh tế.

- Mức kinh phí đóng góp tại những cơ sở tư thục thường cao gấp nhiều lần so với cơ sở công lập nên sự lựa chọn của số đông vẫn sẽ là các cơ sở công lập có chất lượng cao, cho dù phải đóng phí trái tuyến (thậm chí cả một ít tiêu cực phí qua cò mồi).

- Để xây dựng và phát triển rồi đi tới khẳng định thương hiệu của các cơ sở giáo dục thì phải qua một thời gian từ 5 -10 năm; trong khi đó vẫn còn có những hạn chế đầu tư ngân sách cho xây dựng mới hoặc nâng cấp các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học công lập; còn các cá nhân doanh nghiệp thì lại ít quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Muốn khắc phục những hạn chế, bất cập trong tuyển sinh vào mầm non, tiểu học tại Hà Nội nói chung, tại các khu đô thị, cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

- Thông qua các kênh thông tin để tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức trong xã hội, làm cho các bậc phụ huynh hiểu được rằng: việc mong muốn có được sự chăm sóc, giáo dục tốt nhất trong điều kiện cho phép đối với trẻ thơ là nhu cầu chính đáng, nhưng cũng cần khắc phục tâm lý đòi hỏi thái quá theo lối suy nghĩ “con cháu mình sẽ trở nên thần đồng nếu được vào những cơ sở có thương hiệu cao nhất”.

- Các cấp quản lý giáo dục tại những địa bàn nội thành tích cực tham mưu với cấp có thẩm quyền về xây dựng, ban hành qui chế tuyển sinh sao cho đảm bảo công bằng, dân chủ, khắc phục một số cách làm chưa mang tính chuyên nghiệp (như rút thăm trúng hay trượt; có thái độ cáu gắt thiếu tôn trọng đối với phụ huynh).

- Trong phê duyệt cũng như rà soát dự án qui hoạch xây dựng chung cư trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội cần nghiêm khắc xử lý đối với các vụ việc bỏ trắng (hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng) quĩ đất dành để xây trường mầm non, tiểu học.

Tóm lại, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học là một lĩnh vực mà xã hội rất quan tâm, bởi vì đây là giáo dục đầu đời. Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách quan trọng đối với sự nghiệp chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ những năm thơ ấu. Giáo dục trên bình diện quốc gia nói chung, tại những vùng đô thị nói riêng thường có nguy cơ phân cực; nên sẽ gây không ít khó khăn trong công tác tư tưởng xã hội. Tính bình đẳng, công bằng trong giáo dục phải được chú trọng ngay từ việc tuyển sinh vào mầm non, tiểu học; nhưng bên cạnh đó cũng phải tôn trọng nhu cầu chính đáng của xã hội trong việc được lựa chọn môi trường giáo dục tốt. Điều này phải giải quyết từng bước, đồng thời 2 nhiệm vụ: tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức cho phụ huynh, tránh tâm lý thái quá trong việc chọn trường, chọn lớp; mặt khác các cấp có thẩm quyền cần quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học hệ công lập.

Trần Viết Lưu
Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề
(Ban Tuyên giáo Trung ương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất