(TG)-“Làm khoa học vốn đã khó khăn, đối với phụ nữ sự khó khăn càng nhân lên gấp bội. Những lúc nghiên cứu mệt mỏi hay những khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, tôi thường tìm về tổ ấm gia đình. Nơi đó giúp tôi giải tỏa căng thẳng, xua tan mệt mỏi, giúp tôi lấy lại thăng bằng, lấy lại nguồn cảm hứng để tiếp tục nghiên cứu”.
Đó là chia sẻ của thạc sỹ Trương Hải Nhung, Khoa Sinh học và Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh – một nhà khoa học trẻ có niềm đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học và tế bào gốc.
Làm khoa học là cái nghiệp
Đam mê lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ tế bào gốc từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, khi ra trường, thạc sỹ (ThS). Trương Hải Nhung đã được giữ lại công tác tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Từ đây, chị có cơ hội được làm việc trong môi trường phù hợp với chuyên môn của mình để thỏa miền đam mê nghiên cứu. Công việc bận rộn và khá vất vả vì vừa nghiên cứu vừa giảng dạy, lại làm sao phải đảm bảo chu toàn việc nhà là điều không hề dễ dàng đối với người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học.
Khi được hỏi về lĩnh vực nghiên cứu, ThS. Trương Hải Nhung hồ hởi như thể bắt gặp một tri kỷ với cùng sở trường với mình. Chị chia sẻ, lĩnh vực công nghệ sinh học và tế bào gốc ở Việt Nam khá mới mẻ, hoạt động nghiên cứu hiện nay còn phân tán, lực lượng nghiên cứu chưa nhiều, thiếu nhiều chuyên gia đầu ngành. Khi tiếp cận lĩnh vực này bản thân chị và nhiều đồng nghiệp khác cũng khá lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị chuyên dụng cho nghiên cứu tế bào gốc chưa nhiều, nên các nghiên cứu chưa thể triển khai chuyên sâu được.
Tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, nơi chị Nhung công tác, trước đây gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng thí nghiệm (PTN) phục vụ nghiên cứu. Các thầy giáo phải liên hệ nhiều bệnh viện và trung tâm để sử dụng nhờ thiết bị nghiên cứu. Với nỗ lực lãnh đạo nhà trường thì PTN tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam đã ra đời (2007). PTN đã được ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đầu tư đồng bộ về trang thiết bị cho nghiên cứu và chị Nhung là một trong những thành viên đầu tiên được thừa hưởng thành quả này.
Theo chị Nhung, hiện tại, việc nghiên cứu đã tốt hơn rất nhiều bởi điều kiện cơ sở vật chất có cải thiện. Tuy nhiên, để việc nghiên cứu tế bào gốc Việt Nam phát triển nhanh mạnh cần tiếp tục đầu tư mạnh, tập trung vào đặt hàng nghiên cứu có được sản phẩm. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học bởi nguồn kinh phí là thách thức không nhỏ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Làm nghiên cứu khoa học vốn đã khó, đối với người phụ nữ lại càng khó khăn hơn. Bạn bè nhiều người khuyên Nhung nên tìm công việc nhàn hạ hơn, theo giờ hành chính để có thêm thời gian cho gia đình, bạn bè. “Tôi chỉ cười và nói đó là cái nghiệp của từng người. Mình làm vì cái tâm, vì yêu thích nó chứ không suy nghĩ về việc cực hay không so với công việc khác. Mỗi công việc đều có cái cực, cái khó khác nhau, và mỗi người cảm nhận nó theo tinh thần và thái độ khác nhau”. Trương Hải Nhung chia sẻ.
Ngoài ra, công việc nghiên cứu đôi khi không theo quy luật thời gian, phải thức đêm, hoặc làm suốt tuần, suốt tháng không nghỉ, nhưng không vì thế mà Chị Nhung và các bạn đồng nghiệp giảm đi sự hăng say của chính mình. “Việc khó khăn lớn nhất của người phụ nữ có gia đình khi làm nghiên cứu đó chính là phải dung hoà thời gian giữa công việc và gia đình”.
“Những lúc nghiên cứu mệt mỏi hay những khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, tôi thường tìm về tổ ấm gia đình. Nơi đó giúp tôi giải tỏa căng thẳng, xua tan mệt mỏi, giúp tôi lấy lại thăng bằng, lấy lại nguồn cảm hứng để tiếp tục nghiên cứu. Người thân trong gia đình rất thông cảm với công việc của tôi, thường xuyên động viên, chia sẻ giúp tôi có thêm động lực và yên tâm công tác”. chị Nhung cho hay.
Khó khăn chỉ là nhất thời
Trong suốt thời gian nghiên cứu về lĩnh vực tế bào gốc, ThS. Trương Hải Nhung đã có 12 báo cáo Hội nghị/Hội thảo quốc tế; 08 bài báo/tạp chí trong nước; 14 bài đăng trên tạp chí quốc tế; 09 Đề tài đã và đang tham gia làm chủ nhiệm,... Với ThS. Nhung đây là những thành công bước đầu sau những tháng ngày miệt mài nghiên cứu. Tuy nhiên, chị cho rằng thành quả đó còn rất nhỏ bé so với lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu chuyên sâu.
“Nhiệm vụ của nhà khoa học là nghiên cứu và nghiên cứu. Nó như một dòng chảy liên tục đòi hỏi bản thân nhà khoa học phải không ngừng nỗ lực, không ngừng học hỏi để tìm ra những cái mới, giải quyết những vấn đề cơ bản mà nghiên cứu khoa học đặt ra”.
Khi được hỏi liệu có hối tiếc về ngành nghề mình lựa chọn. ThS.Trương Hải Nhung bày tỏ chưa bao giờ thấy hối tiếc về lựa chọn của mình. Chị quan niệm: “Con người ta chỉ hối tiếc khi chọn sai, hoặc làm sai điều gì đó. Đến bây giờ mình vẫn làm được việc mình thích, có được các kết quả mà bản thân mình lấy làm động lực để cố gắng tiếp. Hối tiếc thì không có, nhưng cảm giác buồn hay thất vọng thì có. Đó là những khi công việc nghiên cứu bị dừng lại vì những lý do mình không muốn, vì không có thiết bị và vì nhiều lý do khác”. Bản thân tôi luôn có một lời khuyên cho các bạn trẻ đã và đang lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học là: “hãy sống và nghiên cứu bằng chính con tim của bạn, cố gắng tìm cách duy trì lửa trong bạn bởi nghiên cứu luôn là công việc cao quý nhưng khó nhọc”.
Đối với những nhà khoa học trẻ như ThS. Trương Hải Nhung, sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ đơn vị công tác, từ các cấp ngành là điều có ý nghĩa và cần thiết hơn cả, giúp đội ngũ nghiên cứu trẻ yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Nhung cho biết mình khá may mắn khi được học tập và là cộng sự với các nhà khoa học có tâm huyết trong lĩnh vực tế bào gốc. Không chỉ là đồng nghiệp, họ còn là những người thầy tâm huyết, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm quý báu cho Nhung trong nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh và Bộ KH&CN cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để chị cũng như các nhà khoa học trẻ trong đơn vị tham gia và làm chủ nhiệm một số chương trình nghiên cứu, đề tài, điều này đã giúp các nhà khoa học trẻ trưởng thành hơn rất nhiều trong chuyên môn.
“Thời gian làm việc tại PTN, các thầy luôn nhắn nhủ chúng tôi rằng, chúng ta nhận nguồn tiền đầu tư là của nhân dân, nên phải làm bằng cả cái tâm để xứng đáng với công sức của nhân dân, nếu không là có tội với nhân dân. Tôi mong muốn Nhà nước và Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động KH&CN để những nhà khoa học trẻ như chúng tôi yên tâm nghiên cứu và cống hiến cho đất nước”. ThS. Nhung bày tỏ./.
Ngũ Hiệp