Thông tin 5 bệnh viện lớn nhất tại Hà Nội (Việt - Đức, Phụ sản Trung ương, K, Bạch Mai và E) đã được chọn để "thí điểm” triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức, trong đó có nội dung: "Nói không với phong bì”, bắt đầu từ tháng 9-2011, nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Các bệnh viện này ký cam kết với Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam thực hiện các tiêu chí để xứng đáng trở thành bệnh viện văn minh như cán bộ, nhân viên y tế là phải có lời chào thân thiện, chỉ dẫn tận tình, thăm khám chu đáo cho bệnh nhân, nói không với phong bì và tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Được biết, cơ sở của cuộc vận động này là đề án "Nói không với phong bì trong dịch vụ y tế” của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã được trao giải Sáng kiến phòng chống tham nhũng năm 2011. Kết luận được đưa ra từ một nghiên cứu chính thức về phong bì trong y tế đã được RTCCD thực hiện năm 2010 là, phong bì trong dịch vụ y tế không làm chất lượng dịch vụ y tế tốt lên, mà ngược lại, nó làm cho niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế giảm sút, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không tin tưởng nhau giữa các nhân viên y tế. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ trong xã hội người dân mất niềm tin vào nhau, vào chính sách y tế của Nhà nước.
Việc đưa và nhận phong bì đã trở thành chuyện dễ thấy ở các bệnh viện. Nó đã ăn sâu vào tư tưởng của mọi người dù bệnh nặng hay nhẹ và trở thành một việc hiển nhiên, xuất hiện ngay cả ở những người đến tiền chữa bệnh còn chưa đủ nhưng vẫn phải có "phong bì lót tay” cho bác sĩ, điều dưỡng, y tá. Điều này "mọc rễ” sâu vào nhận thức đến nỗi, nhiều người tự ngỡ rằng không đưa phong bì cho bác sĩ là có lỗi, bác sĩ không nhận phong bì có nghĩa là mình hoặc người thân không được chăm sóc chu đáo. Trước đây thì dấm dúi nhét vào túi, nhưng bây giờ là công khai đưa cho bác sỹ hoặc để trên mặt bàn. Với điều dưỡng, hộ lý thì bệnh nhân nhét tiền vào túi. Có hàng tá lý do nhưng chủ yếu là để mưu cầu một chất lượng dịch vụ, thông tin tư vấn tốt hơn, nhất là ở các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, cung không đủ cầu như 5 bệnh viện nêu trên. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không muốn xếp hàng chờ khám bệnh, muốn lấy kết quả xét nghiệm nhanh hơn, giúp tìm phòng tốt hơn, sắp xếp ca mổ sớm hay đơn giản chỉ là để bác sĩ thân thiện, trò chuyện hay tư vấn thêm vài câu... Nhiều người thì hành động theo tâm lý số đông, thấy người khác đưa phong bì mà mình không đưa thì sợ thua thiệt, sợ bị đối xử thiếu công bằng... Điều này tạo ra sự bất công đối với những người nghèo hay những người kiên trì xếp hàng, chờ đợi... Một số nhỏ thì muốn qua phong bì để gây dựng quan hệ với bác sỹ.
Nhân viên y tế cảm nhận thế nào khi nhận phong bì của người bệnh? Nhiều người cho rằng phong bì chỉ là "quà quy ra tiền” mà từ xưa chúng ta đã có "văn hoá quà biếu” rồi, trong khi lương mình đang thấp. Nhận nhiều phong bì "quà” đâm ra "nghiện”, thấy ai đó không đưa như các bệnh nhân khác thì sinh ra nhũng nhiễu người bệnh (tiêm đau, mổ qua loa, thờ ơ...). Tất nhiên nhân viên y tế nói lương thấp nên phải có phong bì là không thể chấp nhận được. Vì "có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y mà không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch”. Nhưng cũng phải nói rằng, theo kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Y Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, có trên 54% bác sĩ có thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng. Quả thực nếu chỉ trông vào lương thì cuộc sống của 54% bác sĩ kia sẽ rất khó khăn. Thiết nghĩ, Chính phủ cũng nên tìm cách tăng lương cho những "lương y” để góp phần ngăn chặn sự "tha hóa” của họ trước sự "cám dỗ” của những chiếc "phong bì lót tay”. Bác sĩ Lê Hoàng Minh - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cho biết nếu giải quyết được "cái gốc” của vấn đề là đời sống của nhân viên được cải thiện thì "cái ngọn” cũng vững vàng hơn. "Thu nhập của nhân viên y tế được nâng lên thì sẽ hạn chế tình trạng thiếu y đức trong cơ chế thị trường” - bác sĩ Minh cho biết thêm.
Một số trả lời, nhận khi bệnh nhân cám ơn ra viện thì không vấn đề gì, chỉ là một hình thức tự thưởng vì hệ thống y tế trả họ không tương xứng với những gì đã bỏ ra. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức. Số còn lại thấy vấn đề này nhức nhối, thậm chí coi nhận quà của bệnh nhân là tham nhũng, nhất là người nghèo, là sống trên thân xác của người bệnh. Họ cảm thấy xấu hổ và không muốn nhận. Như vậy, trong chính các nhân viên y tế cũng có một số lượng đáng kể không chấp nhận việc nhận phong bì.
Một sự thật đáng đau lòng là theo kết quả khảo sát, nếu đã được nhận vào chính thức, thì chỉ cần 1 năm, từ một nhân viên y tế "trắng tinh” sẽ biến thành một người "nghiện” phong bì. Như vậy là chỉ trong một thời gian không dài nhân cách đã bị biến dạng.
Điều đáng mừng là qua đợt 1 thực hiện (trong tháng 9-2011), PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Bệnh viện Việt - Đức đã triển khai triệt để tới các cán bộ y tế (và kể cả trước khi có chương trình "thí điểm” này thì bệnh viện của ông cũng đã làm rồi). Theo đó, không có phản ánh nào về việc bác sỹ đòi phong bì. Tuy nhiên, ông Quyết cũng lưu ý: "Khi triển khai thí điểm hay làm trên diện rộng thì cũng phải phân định cho rõ. Nếu đó là phong bì mà bác sỹ, điều dưỡng "vòi vĩnh”, đòi bệnh nhân đưa rồi mới khám hay chăm sóc thì cần xử lý nghiêm khắc nhưng nếu đã hoàn tất việc khám hay điều trị thì đó lại là chuyện khác”.
Dư luận hoan nghênh Bộ Y tế đã phát động cuộc vận động nêu trên để xây dựng một nền y tế minh bạch, chất lượng là cần thiết, khởi động từ con số 5 (bệnh viện). Điều mà dư luận quan tâm là hệ thống giám sát và xử phạt nhũng nhiễu của các nhân viên y tế trong các bệnh viện này sẽ như thế nào. Có hay không việc hô hào theo phong trào và sau một thời gian thì từ từ chìm vào quên lãng nhất là khi người bệnh còn thụ động, không có thói quen phản ứng khi bị nhũng nhiễu. Theo Đề án của RTCCD thì: Người bệnh có thể ghi âm, ghi hình các hành vi nhũng nhiễu của nhân viên y tế và chuyển cho RTCCD. Khi nhận được những nội dung này, RTCCD sẽ phối hợp với Đài Truyền hình VN (VTV1 và O2 TV) để đưa lên sóng truyền hình. Họ quả quyết rằng, không một Giám đốc Bệnh viện nào có thể ngồi yên khi một tháng đơn vị của mình bị đưa lên truyền hình hai ba lần vì những hành vi nhận phong bì của nhân viên. Đây là một công cụ giám sát rất hữu ích. RTCCD cũng tạo những diễn đàn để nhân viên y tế trao đổi thẳng thắn suy nghĩ của mình về nạn phong bì, trao đổi giữa nhân viên y tế với nhà quản lý, người bệnh...
Thiết nghĩ từng biện pháp rời rạc như hiện nay sẽ không phát huy tác dụng mà có thể rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi”. Bệnh viện cam kết là một chuyện. Mặt khác chính người dân phải thay đổi tư duy và hành động của mình biết nói không với văn hoá phong bì cho bác sĩ thì mới được. Muốn vậy phải tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người bệnh để họ chuyển đổi hành vi. Họ phải nắm được trách nhiệm của bác sĩ, y tá, điều dưỡng đến đâu để yêu cầu hoặc phản ánh. Bình thường người bệnh hay buộc tội nhân viên y tế, nhưng chính hành vi đưa phong bì cũng là có lỗi. Chính người bệnh phải nhận thức được điều này thì mới mong nhân viên y tế thay đổi.
Có nhiều bệnh viện đã có nhiều biện pháp kiên quyết "đuổi” phong bì ra khỏi bệnh viện. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện thành lập đường dây nóng, hoạt động 24/24 giờ, công khai để bệnh nhân có thể gọi bất kỳ lúc nào khi phát hiện bác sĩ hay nhân viên y tế có hành vi làm khó với bệnh nhân. Nếu phát hiện y, bác sĩ vi phạm lần đầu, sẽ nhắc nhở toàn khoa, vi phạm lần 2 có thể không cho làm chuyên môn, không cho tiếp xúc với người bệnh... như Bệnh viện Nhân dân 115 đang làm. Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức khẳng định: "Với Bệnh viện của tôi (Bệnh viện Việt - Đức), ai nói là y tá, bác sĩ của Bệnh viện này vòi vĩnh là "không xong” với tôi! Tôi đố ai tìm được cán bộ nào của Bệnh viện này nhận phong bì. Bệnh nhân mà đưa phong bì có khi còn bị mắng là đằng khác”. Quả là một cơ sở y tế kiểu mẫu. Giá như trên toàn quốc cơ sở y tế nào cũng như Bệnh viện Việt - Đức, Nhân dân 115, Giám đốc nào cũng nhưng ông Quyết thì hay biết mấy!
Văn Úc/ĐĐk