Gần như cùng một lúc, Ðảng và Bác Hồ đã hình thành ý đồ chiến lược về mở tuyến vận tải chi viện sức người, sức của cho miền nam chiến thắng, cả trên bộ và trên biển. Ðường Hồ Chí Minh trên biển và đường Trường Sơn - hai con đường cùng xuất phát từ tư duy chiến lược của Ðảng, từ nguyện vọng cháy bỏng của đồng bào, chiến sĩ miền nam và cả nước.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, hòng xâm lược và biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới, là căn cứ quân sự để bao vây, ngăn chặn ảnh hưởng của miền bắc, đế quốc Mỹ và tay sai ra sức đàn áp phong trào cách mạng miền nam. Tình thế cách mạng lúc này cho thấy, nhân dân ta ở miền nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên lật đổ ách thống trị của kẻ thù.
Nghị quyết Trung ương 15 ra đời đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết của nhân dân. Ý Ðảng, lòng dân hợp nhau ở điểm mấu chốt: dùng sức mạnh của quần chúng nhân dân nổi dậy, với lực lượng chính trị là chủ yếu, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân. Tư duy chiến lược của Ðảng ta lúc đó cũng đã dự kiến với thực lực của kẻ thù và tình thế chung, cần sẵn sàng đối phó với một cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài.
Trong lúc đó, miền bắc đang xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Cả nước có mục tiêu chung là giải phóng miền nam, thống nhất cả nước, cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội. Muốn đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền nam, phát huy vai trò của hậu phương lớn miền bắc, phải tạo nên sự gắn kết giữa hai miền trên thực tế. Cùng với sự cổ vũ về tinh thần, miền nam đang rất cần vũ khí. Sức mạnh của hậu phương - nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh, phải được phát huy cao độ.
Vì lẽ đó, ngay khi Nghị quyết Trung ương 15 vừa ra đời, Ðảng ta và Bác Hồ đã quyết định hình thành con đường vận tải chiến lược nối hậu phương với tiền tuyến. Tháng 5-1959, Ðoàn 559 ra đời. Lực lượng nòng cốt đầu tiên của Ðoàn gồm hai Tiểu đoàn 301 và 603. Tiểu đoàn 301 vận tải đường bộ, còn nhiệm vụ của Tiểu đoàn 603 là nghiên cứu chi viện vũ khí cho chiến trường bằng đường biển. Tiểu đoàn này đặt tại cửa sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, được tổ chức dưới hình thức Tập đoàn đánh cá sông Gianh.
Ðáp ứng yêu cầu tình hình cách mạng mới, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Ðoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 sau này) với nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng hóa tiếp tế cho chiến trường miền nam bằng đường biển. Ðây là quyết định mang tầm chiến lược, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong những giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc. Ðồng thời, Ðoàn 759 ra đời đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức trên tuyến vận tải chi viện chiến trường miền nam bằng đường biển.
Như vậy, nhằm cụ thể hóa chủ trương sử dụng bạo lực cách mạng giành chính quyền ở miền nam, gần như cùng một lúc, Ðảng và Bác Hồ đã hình thành ý đồ chiến lược về mở tuyến vận tải chi viện sức người, sức của cho miền nam, cả trên bộ và trên biển. Tuy quá trình đi vào hoạt động có những đặc thù riêng, nhưng cả hai tuyến đường đã hợp lực với nhau, hỗ trợ nhau, như những cánh tay vươn dài từ bắc vào nam, từ nam ra bắc, sát cánh cùng miền nam chống Mỹ, cứu nước.
Tuyến đường trên bộ với ưu thế phát huy được mọi phương thức vận chuyển, bảo đảm khối lượng ngày càng lớn cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến, đã vươn tới tận miền Ðông Nam Bộ. Tuyến đường trên biển tuy số lượng vận chuyển ít hơn, nhưng nhanh hơn và rất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chiến trường ven biển từ khu năm tới cực nam Trung Bộ và Nam Bộ. Cả hai con đường đã tạo nên sức mạnh có tính quyết định tới thắng lợi của toàn miền nam.
Hai con đường cùng xuất phát từ tư duy chiến lược của Ðảng, từ nguyện vọng cháy bỏng của đồng bào, chiến sĩ miền nam và cả nước, phát triển trở thành những con đường huyền thoại mà có thực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-những con đường có một không hai trong lịch sử chiến tranh. Hàng triệu người Việt Nam đã lao động và chiến đấu quên mình trên những con đường này; hàng triệu cán bộ, chiến sĩ đã đi trên những con đường này, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm... vào nam trên những con đường này. Và hàng triệu tấm lòng của hậu phương miền bắc, của tiền tuyến miền nam gửi gắm vào con đường.
Nhận rõ vai trò to lớn có ý nghĩa quyết định của hai tuyến vận tải chiến lược trên bộ và trên biển, kẻ thù đã sử dụng trăm phương nghìn kế để ngăn chặn, đánh phá. Chúng sử dụng gần như toàn bộ sức mạnh của không quân, hải quân và các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất lúc bấy giờ cùng với lực lượng trên bộ, nhưng cũng không ngăn nổi con đường. Vì thế, con đường chiến lược Hồ Chí Minh trên biển và trên bộ trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu, đức hy sinh và sức sáng tạo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Quyết định mở hai tuyến đường là chủ trương chiến lược đúng đắn. Chủ trương ấy đã thành hiện thực, thành những con đường hiện hữu là nhờ sự đóng góp, hy sinh vô giá của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên cả hai miền nam, bắc. Con đường ấy còn là biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Cam-pu-chia; là con đường chuyển tải sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Hai tuyến đường đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, nhưng những bài học của nó vẫn còn nguyên giá trị. Ðó là bài học về vai trò của tư duy chiến lược trong phát huy lợi thế của đất, trời và biển của đất nước; là bài học về khơi dậy, phát huy cao độ tinh thần yêu nước và ý chí quyết thắng của toàn dân tộc; là bài học phát huy trí tuệ của con người Việt Nam, vận dụng sáng tạo quy luật trong hoạt động thực tiễn. Ðó còn là bài học về biết phát huy sức mạnh nội lực, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ, của anh em bầu bạn trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta.
PGS, TS Thiếu tướng VŨ QUANG ÐẠO
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam