Phát huy những thành quả đạt được trong năm qua, năm 2016, ngành văn hóa-thể thao và du lịch sẽ tập trung làm tốt các khâu đột phá để lĩnh vực văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thể chế đi trước
Khái quát những công việc của ngành cần thực hiện trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Trên nền tảng những kết quả đã có, trong thời gian tới, toàn ngành cần nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn nữa để tiếp tục tạo nên những chuyển biến, thành công mới. Trong đó, tập trung tạo nên những đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực”.
Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong số 28 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản ban hành năm 2015, nhiều văn bản thực sự bám sát thực tiễn như: Nghị định 21/2015/NĐ-CP về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu; Thông tư 03/2015/TT-BVHTTDL quy định về giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe vận động viên; Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức lễ hội...
Thực tế chứng minh, một khi đã có thể chế, chính sách đúng sẽ góp phần tạo động lực cho toàn ngành phát triển. Điển hình như việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm chuyển đổi mô hình quản lý từ bao cấp hoàn toàn sang quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hạch toán thu chi của các đơn vị nghệ thuật. Năm 2015, có 5 đơn vị nghệ thuật được chọn thí điểm chuyển đổi. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đánh giá: “Khi được trao quyền tự chủ, các đơn vị nghệ thuật đã chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp sẽ gắn với chất lượng, hiệu quả công việc…; tránh tình trạng ỷ lại, không chịu tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, không cho ra đời được những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nhiều nghệ sĩ không chịu rèn luyện, phấn đấu, thậm chí từ chối thực hiện nhiệm vụ để đi “chạy sô” bên ngoài”.
Dù để các đơn vị tự “bơi” trong cơ chế thị trường nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhất định. Chẳng hạn mở cơ chế đặt hàng các tác phẩm nghệ thuật đối với các đơn vị, nghĩa là khi các đơn vị nghệ thuật xây dựng được kịch bản hay, được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt thì Nhà nước sẽ cấp kinh phí để xây dựng chương trình, trả lương cho diễn viên... Cơ chế này đã thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật năng động, sáng tạo, chủ động xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, để được cấp kinh phí thực hiện.
Được biết, trong năm 2016, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị toàn ngành chủ động xây dựng chương trình hành động để khẩn trương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Đồng thời, tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình xây dựng pháp luật và các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 bảo đảm chất lượng, tiến độ, trong đó tập trung vào Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020, giải quyết chế độ việc làm đối với nghệ sĩ, diễn viên đã hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, chính sách đào tạo tài năng trẻ (nhất là lĩnh vực sân khấu truyền thống), triển khai cấp visa tại cửa khẩu và cấp visa trực tuyến...
Tiến hành mạnh mẽ xã hội hóa
Dự báo tình hình kinh tế nước ta trong năm nay sẽ tiếp tục trên đà khởi sắc nhưng nguồn lực đầu tư cho nhiều bộ, ngành, địa phương sẽ cắt giảm. Theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiến hành mạnh mẽ xã hội hóa các hoạt động trong năm 2016.
Đơn cử như hoạt động quảng bá du lịch cần phải được đầu tư hơn để tăng trưởng của ngành “công nghiệp không khói” ngày một cao, nhưng ngân sách để đầu tư trong năm 2016 chỉ là 27 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: “Với yêu cầu tăng cường quảng bá du lịch trong và ngoài nước, 27 tỷ đồng là không đủ. Vì vậy, Tổng cục Du lịch sẽ chủ động phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp đứng ra tổ chức các hội chợ du lịch, tiến hành xã hội hóa hoạt động của các đoàn khảo sát du lịch, tăng cường hoạt động truyền thông trên internet..., nhằm tiết giảm chi phí tối đa”.
Việc xã hội hóa trên thực tế đã mang lại hiệu quả cao, ví dụ như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”-một sản phẩm kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân, đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Đã từ lâu, nhiều chuyên gia điện ảnh đã kêu gọi Nhà nước và tư nhân cần “bắt tay” thật chặt mới có thể đưa điện ảnh nước nhà phát triển, tránh tình trạng kinh phí, nhân lực bị phân tán. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thực sự đã giải bài toán khó lâu nay khi đây là bộ phim đầu tiên Cục Điện ảnh đặt hàng 70% kinh phí, kết hợp với lợi thế về quy trình sản xuất, quảng bá chuyên nghiệp của các hãng phim tư nhân đã nâng tầm cho một tác phẩm điện ảnh. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Một bộ phim không có yếu tố câu khách mà lại mang về doanh thu cao, tạo hiệu ứng xã hội rộng khắp là điều đáng mừng. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã mang lại một niềm tin mới cho những người làm điện ảnh, mở ra một dòng phim trong trẻo đậm đà tính dân tộc. Quan trọng hơn, bộ phim đã khẳng định cơ chế Nhà nước đặt hàng sẽ góp phần tạo ra những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao; và từ đây, việc xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh sẽ được đẩy mạnh”.
Để đẩy mạnh xã hội hóa trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, trong năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng các ban, bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến chính sách xã hội hóa. Vai trò của Nhà nước vẫn giữ vị trí quan trọng trong định hướng, tạo cơ chế, chính sách và đầu tư ban đầu. Chẳng hạn, với các đoàn nghệ thuật tại địa phương, chính quyền địa phương chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ, còn lại làm thế nào để đoàn nghệ thuật hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn thu thì các đoàn phải tự thân vận động.
Hướng đi, cách làm đã có, vấn đề còn lại là quyết tâm thực hiện của toàn ngành, trong đó vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hết sức quan trọng. Hy vọng, vào cuối năm 2016, khi nhìn lại một năm hoạt động của toàn ngành, những thành tựu và kinh nghiệm hay sẽ nhiều hơn những vấn đề hạn chế còn tồn tại./.
Trần Hoàng Hoàng (QĐND)