Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, giáo sư Nguyễn
Thiện Nhân nhấn mạnh cần chuẩn hóa công tác quản lý giáo dục; phân cấp quản lý giáo dục theo
Nghị định 115. Việc này chúng ta đã làm nhưng kết quả chưa cao, cần phải
làm mạnh hơn nữa…
Ngày 20/7, tại Lâm Đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ
chức hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và triển khai nhiệm vụ năm học
2013-2014 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường
xuyên và giáo dục chuyên nghiệp.
Đến dự hội nghị có giáo sư
Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; giáo
sư Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm
Đồng; ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây
Nam Bộ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân
các tỉnh, thành phố và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 63 địa phương
trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, giáo sư Nguyễn
Thiện Nhân nhấn mạnh cần chuẩn hóa công tác quản lý giáo dục; phân cấp quản lý giáo dục theo
Nghị định 115. Việc này chúng ta đã làm nhưng kết quả chưa cao, cần phải
làm mạnh hơn nữa…
Năm qua, ngành giáo dục đã phát triển thêm nhiều trường
mầm non, riêng một năm học qua có thêm 1500 trường mầm non; trường dân
tộc bán trú tăng thêm 160 trường, giải quyết được bức xúc về giáo dục
dân tộc, điều này là rất đáng quý" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thay mặt Đảng,
Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả của ngành
giáo dục trong năm học vừa qua, nhất là những chuyển động theo hướng
ngày càng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Năm học qua ngành giáo dục đã có
bước phát triển mới, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Số học sinh
đi học tăng lên, số học sinh bỏ học giảm đi. Chất lượng giáo dục có tăng
lên. Một số vấn đề giáo dục bức xúc các năm trước năm nay đã giảm như:
dạy thêm, học thêm, lạm thu, tiêu cực nhưng sắp tới cần làm quyết liệt
hơn.
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế để đảm bảo cho các học
sinh, nhất là vùng dân tộc được đảm bảo 3 đủ: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách
giáo khoa. Lần đầu tiên sau nhiều năm thực hiện Đổi mới, ngành giáo dục đã có
chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, tiền sinh hoạt phí cho các học sinh
miền núi, gia dình nghèo.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, nhiều năm qua
Mục tiêu giáo dục của Đảng, Nhà nước không sai nhưng điều kiện, phương pháp,
cách thức tổ chức thực hiện không tương xứng nên chưa đạt kết quả như
mong muốn, nhất là trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống,
lòng yêu nước. Vì vậy sắp tới cần làm tốt hơn việc giáo dục tư tưởng đạo
đức cho thế hệ trẻ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
cũng biểu dương gần đây ngành giáo dục đã đổi mới cách ra đề thi gần với
thực tiễn nhất là các môn xã hội, thời gian tới nên đổi mới tiếp cách
ra đề các môn tự nhiên như: toán, lý… theo hướng tăng cường câu hỏi dạng
bài tập, thực hành.
Về nhiệm vụ năm học 2013-2014, Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ toàn ngành cần tập trung Quản lý tốt-dạy
tốt-học tốt. Quản lý tốt là tiền đề để khuyến khích, thực hiện dạy
tốt, học tốt. Toàn ngành cần tập trung cho việc nâng cao chất lượng
giáo dục và quan tâm hơn đến việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5
tuổi, thực hiện mạnh mẽ hơn công tác phân cấp quản lý giáo dục. Muốn vậy
cũng cần sớm nghiên cứu để có tiêu chí đo lường, đánh giá chất lượng
giáo dục sát thực, tránh tình trạng khi cơ quan quản lý làm nghiêm
túc, kết quả thi cử thấp lại bị coi là chất lượng giáo dục đi xuống.
Bên
cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần làm tốt hơn công tác hướng nghiệp, từ lớp 10. Trong
tháng 8/2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào
tạo cần ban hành thông tư về quản lý Trung tâm giáo dục thường xuyên,
không để tình trạng đất nước còn nghèo mà song hành tồn tại hai cơ sở
giáo dục thường xuyên vừa không mạnh vừa lãng phí…
Báo cáo Tổng kết năm học 2012-2013 của Thứ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm học qua, trong bối
cảnh kinh tế xã hội đất nước còn khó khăn, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ
lực nên vẫn đảm bảo và tăng quy mô giáo dục, có bước chuyển biến đáng
kể về chất lượng giáo dục.
Mạng lưới cơ sở giáo dục các bậc học tiếp tục
được quan tâm đầu tư. Tổng số trẻ mầm non đến trường là 4.090.692
(tăng 217.247 cháu). Số học sinh tiểu học đến trường là 7.202.767 (tăng
101.817 em), học sinh Trung học cơ sở là 4.869.839 (giảm 56.562 em), học
sinh Trung học phổ thông là 2.675.320 (giảm 79.890 em).
Chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng
giáo dục “vùng trũng” được nâng lên, chất lượng giáo dục “đỉnh cao”
tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Việc bổ
sung nội dung thi nói của các bộ môn ngoại ngữ, nội dung thi thực hành
các môn lý, hóa, sinh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã được chuẩn
bị chu đáo và đạt kết quả tốt, các đoàn học sinh Việt Nam dự thi olympic
khu vực và quốc tế tiếp tục đạt được thành tích khả quan.
Tuy
nhiên, chất lượng giáo dục nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu
giáo dục, còn hạn chế về giáo dục văn hóa và lịch sử dân tộc, đạo đức và
lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị
nhìn chung còn thiếu, lạc hậu và hiệu quả sử dụng hạn chế. Một số địa
phương chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức thực hiện Đề án Xây dựng
xã hội học tập, đề án xóa mù chữ.
Việc dạy trước chương trình
lớp 1, tình trạng lạm thu, dạy thêm sai quy định, nhất là ở các khu đô
thị, thành phố lớn và tình trạng bạo lực học đường đã được cả hệ thống
chính trị ở các địa phương vào cuộc cùng ngành giáo dục khắc phục, song
chưa được giải quyết triệt để, vẫn còn là các vấn đề bức xúc trong ngành
và xã hội.
Phát biểu
kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho
biết sắp tới sẽ có chế độ phù hợp cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ
làm công tác y tế, phục vụ trong trường học…Về thống nhất quản lý các
trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên sẽ thực hiện trên tinh thần
lấy lợi ích của người học địa phương đó làm trọng.
Bộ trưởng
Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh, năm học tới sẽ tiếp tục kiên quyết đấu
tranh chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. Bên cạnh đó, siết
chặt các quy định, Bộ sẽ mở rộng thanh kiểm tra trên thực tế, sẽ chấm
thẩm định 5% bài thi của 63 tỉnh thay vì 17 tỉnh có điểm thi tốt nghiệp
trung học phổ thông tăng đột biến trong năm qua./.
Hoàng Hoa-Hoàng Liên Sơn (TTXVN)