Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 29/6/2015 9:30'(GMT+7)

Làm tốt nhiệm vụ "đội quân công tác" trước thềm Đại hội XII của Đảng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Khác hẳn nhiều quân đội trên thế giới do Nhà nước ra quyết định thành lập, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ra đời (ngày 22/12/1944), trước Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gần một năm, theo Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: "... theo chỉ thị của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội viên du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực...". Điều đó chứng minh, Quân đội ta được thành lập theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, là đội quân "lập quốc", lãnh trách nhiệm vừa bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng ngay từ khi ra đời và trong suốt lịch sử tồn tại của QĐND Việt Nam. Nguyên tắc đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại nhân ngày kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, ngày 22/12/1964: "Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục". Cũng nhân dịp đó, Người khẳng định truyền thống mang tính bản chất của QĐND Việt Nam: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Để thể hiện bản chất đó, Quân đội ta không chỉ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ "đội quân chiến đấu" như bất kỳ quân đội nào trên thế giới, mà phải không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ "đội quân công tác và sản xuất", là chức năng của quân đội cách mạng, "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu ".

Chức năng "đội quân công tác" đòi hỏi QĐND Việt Nam phải thường xuyên quán triệt mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quân đội không những tự mình thông suốt, mà còn phải giải thích, thuyết phục cho nhân dân cùng thông suốt, thực sự trở thành đội quân vận động cách mạng trong toàn xã hội, tuyên truyền giáo dục nhân dân đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu phản động của mọi thế lực phản cách mạng. Đã là quân nhân cách mạng trong QĐND Việt Nam, từ sĩ quan tới chiến sĩ, ai cũng nắm chắc "Mười lời thề danh dự của quân nhân" và "Mười hai điều kỷ luật quan hệ quân dân", trong đó có điều yêu cầu phải gương mẫu chấp hành và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn bí mật, đoàn kết, tôn trọng, ủng hộ chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp, thể hiện bản chất của QĐND Việt Nam. Chức năng "đội quân công tác" chẳng những phải được thực hiện tốt trong đời sống hằng ngày mà càng phải thể hiện nổi bật trước những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, mà các nhiệm kỳ đại hội Đảng chính là những sự kiện như vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua hai chiến lược cách mạng: Dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa (XHCN); vì vậy, lẽ tất nhiên trong xã hội sẽ còn những tàn dư của đối tượng bị đánh bại, hình thành những thế lực thù địch.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những kẻ mất đặc quyền, đặc lợi trong chế độ thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ đã cụm lại thành lực lượng lưu vong "chống cộng". Cho tới nay, ngoài số người nhận rõ chính nghĩa của toàn dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, vẫn còn lại một bộ phận quyết chống đối tới cùng, không từ thủ đoạn nào trong việc xuyên tạc, vu cáo mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bộ phận này vẫn lác đác được bổ sung bằng những kẻ bất mãn ở trong nước, do những hoạt động chống đối bị luật pháp trừng trị, rồi tìm đường xin cư trú ở các nước phương Tây.

Trong cách mạng XHCN, ta phải chống lại những thế lực luôn xúc tiến chiến lược "diễn biến hòa bình", cổ vũ quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng đẩy đất nước sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Có kẻ thậm chí còn khẳng định: Với chủ trương xây dựng "kinh tế thị trường định hướng XHCN", thực chất Việt Nam đã đi theo chủ nghĩa tư bản; danh xưng "Cộng hòa XHCN" chỉ còn là danh nghĩa. Khi gắn kết với nhau thành các thế lực thù địch và phản động, chúng còn được hậu thuẫn bằng những phần tử cơ hội chính trị xuất hiện ở cấp này hay cấp khác. Kẻ cơ hội chính trị phần đông đã từng là cán bộ, đảng viên, nhưng do không chịu tu dưỡng mà chạy theo động cơ cá nhân, tham vọng địa vị và quyền lực; đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc; lấy việc kèn cựa, chèn ép người trung thực để tìm đường ngoi lên. Khi gặp thời cơ có lợi, chúng sẵn sàng phụ họa với các luận điểm thù địch, phản động để tự đề cao, hạ thấp đối thủ.

Đại hội Đảng là dịp để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo của từng cấp ủy, tổ chức Đảng sau một nhiệm kỳ đại hội, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trong nhiệm kỳ tới. Đây cũng là dịp để sàng lọc, sắp xếp nhân sự, lựa chọn những cán bộ, đảng viên ưu tú để đưa vào cấp ủy khóa mới. Những nội dung quan trọng, chủ yếu của đại hội Đảng một mặt luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhất là việc phát huy dân chủ, đóng góp trí tuệ xây dựng đường lối lãnh đạo; mặt khác, cũng là dịp để các thế lực thù địch phản động tận dụng các hình thức thư ngỏ, kiến nghị tập thể, blog cá nhân, mạng xã hội... để bóp méo tình hình, phủ nhận thành tích, khoét sâu nhược điểm, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, gây hoang mang, dao động, chia rẽ Đảng với nhân dân. Đối với cán bộ, đảng viên ưu tú được cơ cấu vào cấp ủy khóa mới, chúng thường tung ra những vu cáo giật gân để hạ uy thế, gây nghi ngờ trong nội bộ, làm cho ta khó ổn định tổ chức. Đại hội Đảng cũng là thời cơ cho bọn cơ hội chính trị thực hiện các mưu đồ thu gom quyền lực, ngoi lên vị trí có lợi bằng thủ đoạn kèn cựa, vu cáo, hạ thấp đối thủ.

Vào các thời điểm quan trọng ấy, chức năng "đội quân công tác" của quân đội càng phải phát huy tác dụng mạnh mẽ. Trước hết, cần phải tuyên truyền để làm rõ, đại hội Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, có quan hệ mật thiết tới mạnh-yếu của đất nước và luôn được công khai, khuyến khích sự đóng góp trí tuệ của toàn dân. Nhưng đây phải là một cơ chế đóng góp có tổ chức, thông qua sàng lọc của các tổ chức chính trị-xã hội mà mỗi người đang tham gia; nếu là đảng viên, đoàn viên phải được đề xuất qua chi bộ, chi đoàn; nếu là hội viên các đoàn thể trong Mặt trận hoặc công dân bình thường sẽ được các đoàn thể trong Mặt trận ghi nhận, phản ánh, kể cả ý kiến đóng góp về nhân sự. Cũng cần làm rõ, theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền quyết định và thực hiện chính sách cán bộ và quản lý cán bộ thuộc về nhiệm vụ và quyền hạn của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng (và cấp ủy Đảng các cấp). Ban Tổ chức Trung ương và ban tổ chức các cấp chỉ là cơ quan chuyên trách giúp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy cùng cấp theo dõi, quản lý cán bộ, không có quyền quyết định. Nhân sự được dự kiến ở bất cứ cấp nào cũng đều là những cán bộ, đảng viên quen thuộc, thường xuyên sinh hoạt và công tác ở từng vị trí nhất định, được tập thể công khai quản lý giám sát, nên không dễ xuất hiện hiện tượng cá nhân quyết định việc sắp xếp nhân sự một cách chủ quan cảm tính, dù là cá nhân có quyền lực lớn. Bởi vậy, xét về nguyên tắc, khi con đường đóng góp trí tuệ cho đại hội Đảng thông qua tổ chức và được tiến hành rộng mở công khai, thì những người có thiện chí sẽ không cần đến các dạng thức thư ngỏ, blog cá nhân, kiến nghị tập thể, mạng xã hội; càng không chấp nhận những thư nặc danh, mạo danh...

Trước thềm đại hội Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi quân nhân cách mạng cần có một cái nhìn bao quát về sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Chúng ta thừa hiểu, cuộc đấu tranh chính trị trong xã hội không bao giờ đơn giản, xuôi chiều: Có hoạt động cách mạng, tất sẽ có hoạt động phản cách mạng; xưa kia là bọn thống trị đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai, ngày nay là bọn thù địch, phản động "chống cộng", chống chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện ấy, người cán bộ, đảng viên, người quân nhân cách mạng phải luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống.

Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn tới 58,1%, thì đến năm 2014 giảm xuống chỉ còn khoảng 5,8%. Thành tựu này đã được Liên hợp quốc xác nhận và đánh giá cao. Hiện nay, nước ta đã hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đặt ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015. Về đối ngoại, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế quốc tế cao và nhiều đối tác chiến lược quan trọng như hiện nay...

Trước thềm đại hội Đảng, các thế lực thù địch, phản động thường hay dùng các chiêu trò chống phá cách mạng nước ta, hòng gây mất đoàn kết, gây chia rẽ, hoang mang, dao động trong nội bộ Đảng, bộ máy chính quyền và trong nhân dân. Vì vậy, cùng với toàn Đảng, toàn dân, QĐND phải làm tốt nhiệm vụ "đội quân công tác", xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, kiên quyết đấu tranh, phản bác lại những quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị./.

Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ

(Nguồn: QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất