Ngày 26/11, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã chính thức được các nhà khoa học về vắc-xin hàng đầu thế giới từ Đại học Bristol (Anh) chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin hiện đại bậc nhất thế giới.
Công nghệ này đang được hơn 1.000 phòng thí nghiệm và hầu hết các hãng vắc-xin lớn ứng dụng. Theo ông Đạt, trước mắt công nghệ này sẽ được sử dụng để sản xuất vắc-xin phòng ngừa cúm đại dịch (cúm gia cầm A/H5N1) và vắc-xin phòng ngừa bệnh dại.
"Với vắc-xin truyền thống dựa trên quá trình phân lập chủng virus, các nhà khoa học sẽ phải nuôi cấy tế bào thận khỉ, trứng gà nhưng công nghệ mang tính đột phá này cho phép tổng hợp gen để tạo ra thành phẩm vắc-xin trong thời gian ngắn. Khi xảy ra dịch cúm, làm thế nào phải đạt mục tiêu vắc-xin sản xuất nhanh nhất, số lượng lớn nhất và giá thành thấp nhất, công nghệ mới này sẽ đáp ứng được các tiêu chí này"- ông Đạt cho biết.
Ngoài ra, với vắc-xin ngừa dại, do nhu cầu sử dụng ở Việt Nam rất lớn, trong khi tại thời điểm này sau khi Việt Nam ngừng sản xuất vắc-xin theo công nghệ cũ thì 100% lượng vắc-xin dại đều phải nhập khẩu với giá thành khá đắt đỏ.
Theo ông Đạt, nếu Việt Nam chủ động trong việc sản xuất vắc-xin dại bằng công nghệ cao, người dân sẽ được sử dụng vắc-xin chất lượng tốt với giá thành rẻ. Với công nghệ mới, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc-xin được rút ngắn còn khoảng 3 năm thay vì 5-10 năm như trước đây.
Năm 2005, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện cúm A/H5N1. Dịch cúm A/H5N1 lan truyền, đe dọa sinh mạng con người, trong khi thế giới chưa có vắc-xin ngừa bệnh. Tại Việt Nam, trong vòng 3 năm (2003 - 2005), dịch cúm A/H5N1 đã xâm nhập 50% số tỉnh, thành phố khiến cho hơn 50 triệu gia cầm bị tiêu hủy, 93 người mắc bệnh, trong đó có 42 trường hợp tử vong.
Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã đặt hàng cho 3 đơn vị nghiên cứu quy trình sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 dùng cho người. Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chọn nghiên cứu trên tế bào thận khỉ tiêu phát; Viện Pasteur TP HCM nghiên cứu bằng kỹ thuật nuôi cấy trên tế bào Vero; còn Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) tại Khánh Hòa nghiên cứu trên trứng gà có phôi. Sau nhiều năm nghiên cứu vắc-xin này đã được thử nghiệm trên người tình nguyện khỏe mạnh và đạt kết quả bảo hộ tốt.
Thoa Đỗ