(TG) - Ngày 18/11, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Y tế long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam, 55 năm ngày thành lập Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế.
Ngày 8/9/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 138/CP thành lập Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế để giúp Bộ trưởng Bộ Y tế làm công tác thanh tra trong các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan y tế địa phương về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Năm 1991, sau khi có Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 5/12/1991, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1087/BYT-QĐ thành lập tổ chức Thanh tra Nhà nước về y tế cấp trung ương gọi tắt là Thanh tra Bộ Y tế. Tại các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố cũng lập tổ chức Thanh tra Nhà nước về y tế, gọi tắt là Thanh tra Sở Y tế. Từ đó, hệ thống thanh tra y tế được hình thành trong cả nước với tên gọi “Thanh tra Nhà nước về y tế”, gọi tắt là Thanh tra Y tế.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế, sự chỉ đạo sát sao về công tác tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, hệ thống thanh tra y tế không ngừng được tăng cường. Đặc biệt, năm 2010, sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra sửa đổi, chức năng thanh tra được giao thêm cho các cục, tổng cục thuộc Bộ và một số chi cục thuộc Sở.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, Thanh tra Y tế cả nước đã tổ chức các đợt thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất với việc thực hiện các quy định của pháp luật về y tế, gồm: Y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh, dược công lập, hành nghề y ngoài công lập với phương châm dự phòng là chính kết hợp với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm, từng bước đưa các hoạt động trong lĩnh vực y tế thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, từ năm 1991 đến năm 2019, ngành y tế cả nước đã tiếp nhận và giải quyết hàng chục nghìn lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Các đơn thuộc thẩm quyền đều được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, mang lại lòng tin cho nhân dân. Đồng thời, hàng năm, Thanh tra Y tế cả nước đã tiếp và tham mưu cho lãnh đạo ngành y tế tiếp hàng nghìn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến công tác quản lý của ngành.
Bên cạnh đó, những năm qua, Thanh tra Bộ Y tế tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch hành động hàng năm về phòng, chống tham nhũng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Qua đó, góp phần hạn chế và kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng có hiệu quả.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, sau 55 xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể lãnh đạo, công thức Thanh tra Y tế trong toàn ngành y tế nói chung, Thanh tra Bộ Y tế nói riêng đã đạt được nhiều thành tích, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được các cấp lãnh đạo ghi nhận, khen thưởng.
Với những kết quả đã đạt được, tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thanh tra Bộ Y tế. Cũng tại buổi lễ, 4 cá nhân đương chức, tiền nhiệm của Thanh tra Bộ Y tế đã vinh dự được trao Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 17 tập thể, 51 cá nhân thuộc Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố và công chức thanh tra chuyên ngành thuộc các cục, tổng cục được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; 20 cá nhận được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà công tác thanh tra đã đạt được trong thời gian qua. Để làm tốt hơn nữa công tác thanh tra trong thời gian tới Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn rằng toàn Ngành sẽ khắc phục khó khăn phát huy những kết quả đã đạt. Cùng với đó toàn Ngành cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về Y tế và các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho toàn xã hội và cán bộ, nhân viên y tế cũng như kiện về tổ chức, tăng cường lực lượng thanh tra Y tế từ Trung ương đến địa phương đồng thời tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực Y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra; kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bao gồm Thanh tra Y tế với các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Khoa học và Công nghệ./.
Thanh Nam