Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ phòng chống COVID-19, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, Việt Nam đã đúc kết được nhiều bài học sâu sắc.
Bùng phát từ ngày 27/4 đến nay, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Nguyên nhân là do Delta - biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh, mạnh và đáng sợ nhất mặt đã xuất hiện tại nhiều nơi.
Tại Việt Nam, dịch đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến nay, diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.
Ngày 26/7, ghi một dấu mốc mới khi Việt Nam đã vượt qua mốc 100.000 ca mắc COVID-19.
Hơn 50.000 ca mắc mới trong 8 ngày
Các chuyên gia đánh giá với tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần so với chủng gốc, Delta, Delta-plus của virus SARS-CoV-2 đã trở thành biến thể cực độc, tàn phá nhiều nước trên thế giới và cũng đang hoành hành tại Việt Nam.
Dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020. Trong ba giai đoạn đầu của dịch (1 năm rưỡi) Việt Nam kiểm soát dịch chỉ với gần 3.000 trường hợp mắc bệnh.
Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay với nhiều diễn biến khó lường.
Vào ngày 12/6, Việt Nam đã cán mốc hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19 sau một năm rưỡi chiến đấu với “giặc” COVID-19. Gần 1 tháng sau, vào ngày 5/7, Việt Nam vượt ngưỡng 20.000 trường hợp mắc COVID-19, với 20.261 ca.
Chỉ 1 tuần sau, vào ngày 12/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm hơn 10.000 ca bệnh, với tổng số là 32.119 ca mắc COVID-19. Và từ 12-18/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm hơn 20.000 trường hợp mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên tới 50.000 trường hợp.
Từ ngày 18/7 đến nay, số trường hợp mắc mới COVID-19 vẫn không ngừng gia tăng nhanh chóng với con số mắc kỷ lục gần 10.000 ca mỗi ngày.
Vào ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận vượt ngưỡng 100.000 trường hợp mắc COVID-19 trên toàn quốc. Số lượng ca mắc mới tăng gấp đôi, với hơn 50.000 ca bệnh chỉ trong vòng 8 ngày.
Tính đến sáng ngày 27/7, Việt Nam có tổng 109.111 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 106.908 ca trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 105.338 ca, trong đó có 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số ca tử vong vì COVID-19 là 524 ca.
Có 62 tỉnh/thành phố trên cả nước đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc cao nhất với trên 68.000 bệnh nhân, tiếp đến là Bình Dương (trên 8.800 ca), Đồng Nai (trên 2.500 ca), Đồng Tháp (hơn 2.200 ca), Tiền Giang (trên 1.800 ca), Phú Yên (trên 1.000 ca)… Hà Nội cũng ghi nhận hơn 800 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch này, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng gần 500 ca.
Cả hệ thống chính trị “gồng mình” chống dịch
Trước tình hình diễn biến phức tạp, hiện nay toàn bộ hệ thống chính trị đang quyết liệt chống dịch. Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, đáng chú ý nhất là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam. Thủ đô Hà Nội cũng đã áp dụng biện pháp này từ 24/7.
Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến dể hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan.
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ biến chủng này vẫn lây theo các giọt bắn. Các giọt bắn này rất nhỏ có chứa virus, đặc biệt trong môi trường phòng kín, giọt bắn này lơ lửng trong không khí, chậm rơi xuống mặt đất, khi người bệnh thở ra thì virus sẽ quẩn quanh và rất dễ lây lan dịch bệnh. Nếu không gian thông khí, ngoài trời thì virus sẽ phát tán đi nhanh.
Theo nhiều nghiên cứu ban đầu, các chuyên gia cho hay nếu nồng độ virus nhân lên trong người cũng như trong đường hô hấp càng cao thì khả năng lây lan bệnh càng cao. Do mức độ lây lan bệnh phụ thuộc vào nồng độ virus trong một đơn vị nước bọt bắn ra, phụ thuộc mức độ khả năng virus xâm nhập vào tế bào và thời gian nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm. Với chủng Delta và Delta-plus, những yếu tố này rất cao nên tốc độ lây lan bệnh tăng nhanh kinh khủng.
Theo Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, các địa phương cần đánh giá công tác triển khai, kết quả, những điểm chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó thống nhất về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, giải pháp. Tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, nhiệm vụ mới, giải pháp mới để triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, khắc phục những điểm yếu, ở tất cả các phương diện, ngành, lĩnh vực.
Hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây; số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách ly, phong tỏa.
Tuy nhiên, công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 ở một số địa phương, một số cơ quan còn chưa nghiêm, nhất là tại một số nơi người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh.
Công tác chuyên môn chống dịch như tổ chức truy vết, xét nghiệm, triển khai tổ COVID-19 cộng đồng, cách ly, giám sát, điều trị, hậu cần... đã được nâng cao, điều phối hiệu quả hơn so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, điều này chưa đáp ứng được so với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, cần tiếp tục được tăng cường năng lực hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, với biến chủng này, chúng ta vẫn phải giữ chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, số trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong). Nếu không giảm được số mắc thì rất khó khăn trong can thiệp y tế, thậm chí đã có quốc gia “vỡ trận” hệ thống y tế do số mắc quá cao, dẫn tới số tử vong cũng rất cao.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược, vị chuyên gia này cho rằng phải duy trì chiến lược ngăn chặn - phát hiện (gồm truy vết và xét nghiệm) - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, trong từng cách làm có thể khác nhau, phù hợp với từng địa bàn. Mức độ lây nhiễm có thể khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, thậm chí khác nhau giữa các huyện trong một tỉnh, các xã trong một huyện, dựa trên đánh giá nguy cơ.
Vấn đề truy vết, chúng ta cũng phải thực hiện nhanh hơn. Giải pháp truy vết và xét nghiệm cũng cần linh hoạt. Nơi nào có số mắc thấp thì vẫn thực hiện truy vết, nơi nào có số mắc cao như Thành phố Hồ Chí Minh thì cần tập trung phát hiện các trường hợp dương tính có triệu chứng, nhất là triệu chứng nặng, để kịp thời điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng.
Tiếp đó là thay đổi thực hiện cách ly. Trường hợp ghi nhận nhiều ca F0 như Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần có phương án cách ly tại nhà theo hướng dẫn cụ thể đồng thời phải phân tầng điều trị một cách khoa học.
“Tôi cho rằng, cách chỉ đạo của Chính phủ và Trung ương hiện nay rất đúng hướng, quyết liệt, phù hợp và linh hoạt. Tuy nhiên, trong triển khai vẫn còn có nơi có cách làm chưa khoa học như chậm trả kết quả xét nghiệm, không đáp ứng kịp thời trong chống dịch, đặc biệt là truy vết. Về vấn đề giãn cách, phong tỏa, có nơi thực hiện chưa nghiêm, có nơi lại làm chặt quá, chưa linh hoạt khi thực hiện, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kép,” phó giáo sư Trần Đắc Phu nhận định.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả là giải quyết 3 “tại chỗ” trong khu công nghiệp, để ổn định sản xuất…
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống COVID-19. Đây là một Nghị quyết mang tính đột phá, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề kịp thời mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.
“Nghị quyết này sẽ giúp các địa phương và tất cả bộ, ngành đều có thể chủ động được việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19,” ông Phu chia sẻ.
Bộ Y tế đề xuất, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16; thường xuyên cập nhật đánh giá các mức độ nguy cơ để áp dụng các biện pháp đáp ứng phù hợp. Các địa phương cần tiếp tục quyết liệt huy động toàn bộ lực lượng triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm mắc, giảm tử vong, đồng thời bảo vệ hiệu quả các vùng, khu vực đang được kiểm soát tốt. Trước mắt, cần ưu tiên chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, lưu thông hàng hóa, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người lao động…
Triển khai quyết liệt chiến lược vaccine
Các chuyên gia đều cho rằng để đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất, Việt Nam phải đẩy mạnh tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân. Đây cũng là giải pháp căn cơ, vì hiện nay chỉ có vaccine mới là biện pháp bền vững phòng chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vaccine trên toàn diện các lĩnh vực: Mua, nhập khẩu, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước và tổ chức tiêm.”
Theo đó, thỏa thuận cung ứng vaccine đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Covax với 38,9 triệu liều; tháng 11/2020 hợp đồng được ký với Astra Zeneca với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.
Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vaccine được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều kết quả khả quan. Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.
Nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vaccine, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế... để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine, vào quý 1 năm 2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy virus mở đường cho nghiên cứu vaccine; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho việc lãnh đạo, chỉ đạo để sản xuất bằng được vaccine phòng COVID-19 trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể. Thủ tướng giao các bộ, cơ quan liên quan cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội xem xét, quyết định, giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong sản xuất công nhận vaccine trong nước.
Về tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19, từ tháng 2 đến ngày 23/7, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều, gồm vaccine AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer/BioNTech, Moderna, Vero Cell.
Đến ngày 27/7, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 4.746.642 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.323.571 liều, tiêm mũi 2 là 423.071 liều.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ phòng chống COVID-19, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học rất sâu sắc. Đó là tinh thần chủ động phòng dịch, luôn đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và tiến tới tiêm vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng./.
Theo Vietnam+