Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 27/7/2021 8:47'(GMT+7)

Nâng cao ưu đãi với người có công: Thắp sáng hơn nữa 'ngọn lửa' tri ân

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân đại biểu Người có công với cách mạng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân đại biểu Người có công với cách mạng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả và dư âm của nó dường như vẫn kéo dài đằng đẵng. Ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S vẫn còn đó hàng triệu thương binh, bệnh binh ngày ngày chịu đựng những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, vẫn còn đó những người mẹ, người vợ mãi mãi mất con, mất chồng.

Theo con số thống kê, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm tới gần 10% dân số. Con số này đã phần nào cho thấy những mất mát, hy sinh của chiến tranh vẫn còn đang hiện hữu.

Hằng năm, ngân sách Nhà nước dành gần 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi, chăm lo cho đời sống của người có công với cách mạng. Các chính sách ưu đãi dành cho người có công ngày càng đầy đủ và bao phủ hầu hết các mặt đời sống, từ tiền trợ cấp đến hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng... Cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách này ngày càng được hoàn thiện và mức hỗ trợ ngày càng tăng lên.

Trái ngọt của hành trình tri ân

Năm 2021 là năm đầu tiên mà Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi có hiệu lực. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến đất nước gặp nhiều khó khăn, thế nhưng pháp lệnh vẫn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công.

Trong dịp 27/7 năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã điều chỉnh tăng 50% mức quà tặng cho người có công với cách mạng, các thương binh, đại diện thân nhân liệt sỹ...

Các quy định của pháp luật ngày càng hoàn thiện và chính sách ưu đãi ngày càng nâng cao không chỉ trợ giúp, tạo điều kiện để người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống mà còn tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác “đền ơn đáp nghĩa."

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay, tất cả các gia đình người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; không còn hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở... Đó là “trái ngọt” của quá trình thực hiện các chính sách về ưu đãi người có công mà cả hệ thống chính trị đã nỗ lực để đạt được.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết các chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công đã đi vào đời sống. Bằng chứng là trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước đã dành hơn 11.000 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 400.000 hộ gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đến nay, cả nước cơ bản không còn hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.

“Ngoài ra, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát, đánh giá mức sống của các gia đình người có công và nhu cầu của họ để từ đó đưa ra các hướng hỗ trợ phù hợp. Đến thời điểm này, tuyệt đại đa số hộ gia đình người có công ở nước ta có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú,” ông Đào Ngọc Lợi cho hay.

Không chỉ có các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước mà các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Chỉ riêng năm 2020, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được hơn 2.580 tỷ đồng, qua đó tặng hơn 52.000 sổ tiết kiệm, xây dựng mới, sửa chữa hơn 54.000 nhà tình nghĩa...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân, trong ba năm trở lại đây, việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng đã được ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện quyết liệt.

“Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã xem xét giải quyết được hơn 6.000 trường hợp hồ sơ còn tồn đọng; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 2.000 liệt sỹ, thẩm định hơn 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Đến cuối năm 2020, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận thương binh, liệt sỹ tại các địa phương, cơ quan công an, quân đội đã được giải quyết căn bản,” ông Đào Ngọc Lợi nói.

Song song với giải quyết hồ sơ tồn đọng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ tiếp tục được triển khai tích cực. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định ADN gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sỹ và 217 mẫu thân nhân liệt sĩ để bàn giao cho các đơn vị giám định thực hiện… Đó là những hành động thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.

Chăm lo cho người có công trong đại dịch

Những ngày này, dù dịch COVID-19 đang tác động lớn đến đời sống xã hội, nhưng tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn hướng về các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa dịp 27/7. Bởi lẽ, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh, tri ân, thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đã trở thành nét đẹp truyền thống, dịp này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành đã đi thăm, tặng quà một số tập thể, cá nhân người có công tiêu biểu. Ở cấp cơ sở, các địa phương cũng duy trì những hoạt động thường niên như thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, viếng nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến… tri ân các anh hùng liệt sỹ. Thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, thế hệ hôm nay tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công.

Bộ trưởng Bộ Lao độngThương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Ngày Thương binh liệt sỹ năm nay do dịch bệnh nên không tổ chức các hoạt động kỷ niệm trên quy mô lớn, nhưng không vì thế mà không quan tâm đến người có công. Tất cả các hoạt động được triển khai phù hợp với bối cảnh có dịch COVID-19, đặc thù của từng địa phương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tất cả các chính sách người có công mà Chính phủ và Chủ tịch nước đã quyết định thì các địa phương phải tổ chức thật tốt, làm sao để các chính sách này đến với người có công nhanh nhất, đúng nhất, đầy đủ nhất. Mặt khác, các địa phương cũng cần tổ chức các hình thức thăm hỏi theo tinh thần nơi chưa có dịch hoặc không có dịch càng phải quan tâm hơn, còn nơi nào có dịch cần có hình thức thăm hỏi động viện, chăm lo phù hợp.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc chuyển quà của Chủ tịch nước, của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã đến người có công và thân nhân, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng. Các địa phương vận động nhân dân đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; đầu tư nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt với đại diện người có công cả nước nhân dịp 74 năm ngày thương binh-liệt sỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.  

“Chúng ta coi trọng, nâng niu, quan tâm trong điều kiện tốt nhất có thể với  các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có công, các gia đình liệt sỹ, thương binh. Chính sách luôn được hoàn thiện và ưu tiên bố trí nguồn lực để quan tâm cụ thể, chăm lo đến người có công,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đã 74 năm kể từ ngày thương binh-liệt sỹ 27/7 lần đầu tiên được phát động, trong những ngày đất nước gặp nhiều khó khăn do COVID-19, cả nước vẫn một lòng hướng về thương binh, liệt sỹ với lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục thắp sáng "ngọn lửa" tri ân.

Bên cạnh những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, sự đóng góp của cộng đồng đã trở thành nguồn lực không thể thiếu trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi người có công. Trên khắp mọi nơi, tri ân thương binh, liệt sỹ đã trở thành thành hoạt động tri ân mà Nhà nước và người dân cùng chung tay thực hiện, với cùng một mục tiêu chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn cho đời sống người có công./.

Hiện nay, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó gần 1,4 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng, hơn 4.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị chăm lo, phụng dưỡng.

Trung bình mỗi năm, cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6.000-8.000 người; đưa hơn 580.000 lượt người có công đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ về giáo dục cho khoảng 40.000 lượt người có công và thân nhân.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất