Đẩy mạnh công tác tuyên truyền học và làm theo gương Bác
Ngay sau Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 03) được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ra Chỉ thị 09-CT/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Bộ phận giúp việc Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành các văn bản triển khai đến các cấp ủy đảng trong tỉnh tổ chức thực hiện học và làm theo Bác.
Để việc thực hiện Chỉ thị 03 đạt hiệu quả một cách thiết thực, phát hiện và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, khắc phục việc thực hiện đối phó, chiếu lệ, Bình Định đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền học và làm theo Bác trong toàn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đoàn thể chính trị - xã hội đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện Chỉ thị 03, Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hàng năm tới các cấp ủy đảng, tổ chức hội, đoàn thể cùng cấp. Các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh đã xây dựng các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 03, kế hoạch, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên để triển khai trong cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, phổ biến đến hội, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, giảng viên trong các trường chính trị, trường đại học, cao đẳng trong tỉnh tích cực tham gia tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên.
Các cơ quan báo chí, phát thanh – truyền hình của tỉnh, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và cơ sở, các tập san, thông báo nội bộ, tờ tin, website của các sở, ban, ngành, đoàn thể duy trì và nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bám sát nội dung chuyên đề hàng năm; biểu dương gương người tốt, việc tốt, tập thể điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các hội, đoàn thể tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức sinh hoạt như: giao lưu, giới thiệu những tấm gương làm theo Bác, tọa đàm, chiếu phim, thi kể chuyện về Bác, hái hoa dân chủ, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hoạt động về nguồn, viết nhật ký làm theo tấm gương của Bác. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác nhằm ôn lại giá trị tư tưởng, chính trị, văn hóa của bản Di chúc; đánh giá những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam và của Đảng bộ tỉnh trong thực hiện Di chúc và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Các trường phổ thông trong tỉnh đã đưa nội dung về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào giảng dạy lồng ghép với các môn học như giáo dục công dân, lịch sử, và các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, việc viết Nhật ký làm theo của cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh được duy trì thường xuyên. Nhiều trường phổ thông đã tổ chức kể chuyện về Bác Hồ và biểu dương việc làm theo trong nhật ký tại lễ chào cờ thứ hai hàng tuần.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến các nhà báo, văn nghệ sỹ, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đã có hàng trăm tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật tham dự giải, nhiều tác phẩm tốt được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các ngày lễ, kỷ niệm sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, của ngành, địa phương, đoàn thể.
Việc tổ chức học tập, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hàng năm đã được các cấp uỷ, các ngành triển khai thực hiện chu đáo, nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu. Sau học tập quán triệt, các tổ chức cơ sở đảng xây dựng kế hoạch “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cấp mình. Chỉ tính riêng trong năm 2015, đã có 54.671/58.637 cán bộ, đảng viên trong tỉnh tham gia học tập chuyên đề theo gương Bác (đạt tỷ lệ 93,1%). Ngoài ra, Mặt trận và các hội đoàn thể đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, công nhân viên chức, hội viên, đoàn viên học tập, đăng ký theo chuyên đề tại các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ hàng tháng, tỷ lệ tham gia trên 90%.
Hiệu quả từ những mô hình “làm theo”
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03, việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Bình Định đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các cấp ủy đảng trong tỉnh đã rà soát, bổ sung các chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung chuẩn mực đạo đức được xây dựng theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức thành những khẩu hiệu hành động ngắn gọn để thực hiện như ở các cơ quan hành chính huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn với chủ đề “Đạo đức trong sáng, nắm vững chủ trương, ý thức trách nhiệm, hiệu quả công việc” gắn với phương châm “Hết việc, không hết giờ”; Đảng bộ Công an tỉnh với khẩu hiệu “Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”,“Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, “Đoàn kết, chủ động trong công tác, tự giác trong rèn luyện”; Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện khẩu hiệu “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh với khẩu hiệu “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Nhiều cơ quan UBND xã, huyện trong tỉnh thực hiện khẩu hiệu “Trung thành, tận tụy, sáng tạo, gương mẫu”… Đồng thời, các cấp ủy hướng dẫn cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo các chuẩn mực đạo đức và tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện của cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng và đánh giá, phân tích tổ chức đảng và chất lượng đảng viên; nhận xét cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.
Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương được các cấp ủy chỉ đạo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các quy định khác của Ban Bí thư. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành quy định về tinh thần trách nhiệm, nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, đồng thời hướng dẫn thực hiện cho các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Những quy định trên đã tác động tích cực đến việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, tư cách cán bộ, đảng viên, tạo những chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc, thái độ ứng xử với nhân dân của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, được quần chúng ghi nhận.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân đã thúc đẩy việc làm theo gương Bác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh trở nên thường xuyên, cụ thể và thiết thực. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đó là mô hình “Ba xây, ba chống” theo chủ đề “Đạo đức trong sáng, nắm vững chủ trương, ý thức trách nhiệm, hiệu quả công việc” gắn với phương châm “Hết việc, không hết giờ” đối với các cơ quan hành chính ở huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn…. Hội Nông dân tỉnh hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, hội viên và nông dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Nông dân nhiều nơi đã xây dựng mô hình “Thu gom rác thải ngoài đồng ruộng”, “Thắp sáng đường quê”, “Trồng cây xanh ở các khu di tích lịch sử”, “Đoạn đường nông dân tự quản”, “Cánh đồng mẫu lớn”, “Tiếng kẻng an ninh”... góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới tiến nhanh về đích.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát động cán bộ, hội viên hưởng ứng đợt thi đua “Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, phụ nữ tham gia quỹ tiết kiệm, giúp đỡ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi để đầu tư sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế và giải quyết khó khăn trong gia đình. Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, thị xã An Nhơn mở rộng và nâng cao các phong trào “Hũ gạo tình thương”, “Con heo đất tiết kiệm”, “Xây dựng quỹ Hội từ nguyên vật liệu phế thải” và vận động góc học tập của con em hội viên có “5 điều Bác Hồ dạy”, gia đình hội viên treo ảnh Bác Hồ; xây dựng các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba; phụ nữ giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình tạo điều kiện cho con em học hành tốt hơn.
Cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh trong tỉnh phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” tích cực tham gia nhiều hoạt động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; tiếp tục phát động xây dựng “Quỹ đồng đội” giúp đỡ hội viên khó khăn; đoạn đường cựu chiến binh tự quản, góp phần hạn chế tai nạn giao thông ở các địa phương.
Nhiều phường của thành phố Quy Nhơn duy trì và phát triển mô hình “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn tình thương” giúp bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trong thành phố. Đoàn thanh niên trường Đại học Quy Nhơn với phong trào “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”. Đoàn thanh niên lực lượng vũ trang tỉnh với phong trào:“Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Tuổi trẻ LLVT tỉnh học tập và làm theo lời Bác”; gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tổ chức sinh hoạt với chủ đề “Nhớ Bác - Lòng ta trong sáng hơn”. Đoàn thanh niên Công an tỉnh với phong trào: “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, thực hiện khẩu hiệu “Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên lực lượng Công an nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tham gia.
Nhiều nơi đã sáng tạo, lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương để xây dựng kế hoạch khắc phục, bước đầu đem lại kết quả cụ thể, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số tộc họ ở thị trấn Phú Phong, Tây Sơn xây dựng và duy trì mô hình:“Tộc họ hiếu học”, “Tộc họ không vi phạm pháp luật”, “Tộc họ đạt chuẩn gia đình văn hóa”, “Họ đạo không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự”…
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên tỉnh đã phát động các phong trào gắn với việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác như: “Tuổi trẻ Bình Định học tập và làm theo Bác”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”,“Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ Bình Định chung tay xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn, Hội các cấp… đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh hưởng ứng thực hiện.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tiếp tục triển khai và thực hiện sâu rộng, hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cấp ủy đảng các cấp tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị năm 2016.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền sâu rộng, đậm nét về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh trong năm 2016, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách trong sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ, hội, đoàn thể, sinh hoạt ở các cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt chuyên đề gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Các cấp ủy đảng chỉ đạo chặt chẽ chính quyền và cơ quan, đơn vị lựa chọn những vấn đề trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế để thảo luận. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, những hạn chế, yếu kém ở địa phương, của ngành, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ tư, nghiên cứu, lồng ghép để đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó chú trọng việc học tập và làm theo Bác để đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực. Xây dựng nội dung giáo dục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đưa vào giảng dạy và sinh hoạt ngoại khóa ở nhà trường.
Thứ năm, tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi về học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, quan tâm chăm lo xây dựng văn hóa, con người Việt Nam theo tư tưởng của Bác có nhân cách, lối sống tốt đẹp - với những đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học./.
Nguyễn Giờ
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định