Ban Quản lý
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công
tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chính trị của đơn vị trên các phương
tiện thông tin đại chúng, trực tiếp với khách đến viếng Bác; biên tập,
phát hành nhiều video clip, đầu sách, đề cương tuyên truyền về Bác, phát
hành thường xuyên trên hệ thống nghe nhìn xung quanh Lăng cùng việc phổ
biến, tuyên truyền các quy định tổ chức lễ viếng Bác để đồng bào và du
khách quốc tế cập nhật thông tin khi vào Lăng viếng Bác, tưởng niệm các
Anh hùng liệt sỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ
thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân
văn hóa kiệt xuất, người chiến sỹ cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế. Sau khi Người qua đời (2/9/1969), thể hiện
đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và nguyện vọng thiết tha, tấm
lòng kính yêu vô hạn, đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh của toàn Đảng,
toàn dân và toàn quân ta, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người.
Đây là một quyết định có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với cách mạng
Việt Nam, góp phần to lớn trong việc bảo vệ vững chắc, phát huy thắng
lợi nền tảng tư tưởng cách mạng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cả hôm
nay và mai sau, nhất là trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
hiện nay.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý
nghĩa chính trị to lớn đó, 40 năm qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã luôn cố gắng khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành toàn diện
nhiệm vụ chính trị được giao; trong đó nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận hành an toàn hệ thống thiết bị kỹ thuật Công
trình Lăng, bảo đảm an ninh nghi lễ, sẵn sàng chiến đấu, đón tiếp, tuyên
truyền đã không ngừng được đổi mới toàn diện, với phương châm “Tận
tình, chu đáo, văn minh, lịch sự”, làm cho nơi đây thực sự trở thành
trung tâm chính trị, văn hóa đặc biệt, nơi hội tụ trái tim và tình cảm
thiêng liêng của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế. Hàng năm, đơn vị
đã tổ chức trang trọng, an toàn, chu đáo lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa thể hiện tình cảm, lòng kính
trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của nhân dân ta và
bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu. Nhất là những giây phút thiêng
liêng, bồi hồi xúc động, sau khi xem những thước phim tư liệu về Bác,
lặng lẽ bước vào phòng Bác nghỉ, tất cả như đang được trở về với cội
nguồn của gia đình, tổ tiên, quê hương, dân tộc, thật giản dị, gần gũi,
thân thương, mọi người như rưng rưng ngấn lệ. Bởi, Bác luôn còn đó với
tư tưởng, đạo đức, phong cách cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đôn
hậu, bao dung và độ lượng như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh to lớn để
mỗi người tự soi lại mình, thầm hứa sẽ thực hiện thường xuyên hơn những
điều Bác dạy. Từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến nay đã có hơn 52 triệu
lượt khách vào Lăng viếng Bác; trong đó 8,2 triệu lượt khách nước
ngoài, có những vị là nguyên thủ quốc gia, chính khách, nhà khoa học nổi
tiếng… đến từ gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Đặc
biệt vào dịp lễ, tết, lượng khách vào viếng Bác rất đông, như: Tết
Nguyên đán, Ngày sinh của Bác 19/5, Quốc khánh 2/9, đón tiếp hơn 3 vạn
lượt người.
Cùng với đó, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tổ chức trang nghiêm, an
toàn, chu đáo các hoạt động chính trị, văn hóa diễn ra tại khu vực Lăng,
Quảng trường Ba Đình, như: Lễ duyệt binh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm
Quốc khánh (2/9) các năm chẵn, ngàn năm Thăng Long (10/10/2010); hoạt
động văn hóa nghệ thuật; lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Đội, báo công;
đón tiếp, phục vụ an toàn, chu đáo các đoàn đại biểu lão thành cách
mạng, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, già làng,
trưởng bản... 40 năm qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ
chức 2.600 buổi sinh hoạt chính tri; tặng Huy hiệu Bác cho hơn 83.000
đại biểu là cá nhân xuất sắc; phối hợp với các đơn vị, địa phương và Cục
Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đón hơn 47.000 Mẹ
Việt Nam Anh hùng... tạo ấn tượng tốt đẹp, ôn lại và khắc ghi truyền
thống vẻ vang của dân tộc, đất nước, đặc biệt là tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh, bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được
giao, sống tốt, sống có ích cho Tổ quốc, dân tộc, xã hội và gia đình.
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường
xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện nghi lễ, như:
Tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng; lễ treo cờ, hồng
kỳ hai bên lễ đài Lăng vào dịp lễ, tết; lễ đón các đoàn viếng cấp Nhà
nước, các đoàn nguyên thủ quốc gia, tổ chức quốc tế. Ban Quản lý Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp
kiến trúc Công trình, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật Lăng và khu vực; hệ
thống mái che đường viếng, tuyến phố đi bộ, các hoạt động văn hóa nghệ
thuật đường phố khu vực Lăng; tiếp nhận trưng bày giới thiệu các cây
cảnh, linh vật quý hiếm do cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa
phương dâng tặng, tạo nên không gian văn hóa, quang cảnh quanh Lăng Bác
ngày càng khang trang, sạch đẹp, thực sự là điểm nhấn của Thủ đô, tạo
hấp dẫn, thu hút khách tham quan.
Ban Quản lý
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công
tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chính trị của đơn vị trên các phương
tiện thông tin đại chúng, trực tiếp với khách đến viếng Bác; biên tập,
phát hành nhiều video clip, đầu sách, đề cương tuyên truyền về Bác, phát
hành thường xuyên trên hệ thống nghe nhìn xung quanh Lăng cùng việc phổ
biến, tuyên truyền các quy định tổ chức lễ viếng Bác để đồng bào và du
khách quốc tế cập nhật thông tin khi vào Lăng viếng Bác, tưởng niệm các
Anh hùng liệt sỹ. Tại Khu Di tích K9, được sự đồng ý của Bộ Chính trị,
đơn vị đã xây dựng, khánh thành Nhà tưởng niệm Bác ngày 2/9/2015, chính
thức mở cửa đón tiếp rộng rãi đồng bào đến dâng hương tưởng niệm Bác.
Như vậy, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ
tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình
Lăng, nhất là việc đón tiếp, tuyên truyền, không những giữ gìn lâu dài
thi hài Bác cho mãi mãi các thế hệ mai sau, mà ý nghĩa quan trọng hơn,
đó là giữ gìn bảo vệ, phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của
Đảng ta hiện nay.
Quán triệt sâu sắc ý nghĩa
chính trị to lớn đó, phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng
thành, chủ trương của Đảng ủy Đoàn 969, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng thời
gian tới tiếp tục phát huy truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết
hiệp đồng, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”; quán
triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà
nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ
giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai
đoạn mới, gắn chặt với thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị
được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững
mạnh./.
Đại tá Cao Đình Kiếm
Chính ủy Bộ Tư lệnh
Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh