Vận hành cùng sự phát triển của văn minh, công cụ truyền bá văn hóa của nhân loại đã từng bước đi từ truyền miệng, in ấn, sách, báo, phim, ảnh đến phát thanh, truyền hình. Tới hôm nay, phải nói rằng sự ra đời của internet đã đem lại một công cụ có khả năng truyền tải cao, đồng thời có thể bao chứa mọi sản phẩm dân gian, sách, báo, phim, ảnh, phát thanh, truyền hình.
NHỮNG CÁNH TAY NỐI DÀI
1. Ngày
nay, sự phát triển của thế giới hiện đại đang tạo ra nhiều cơ hội giúp
các dân tộc củng cố, phát triển nội lực văn hóa; và khi “độc lập trong
liên lập” đã trở thành nguyên tắc quan trọng chi phối các mối tương tác
văn hóa nhân loại thì cũng đặt ra yêu cầu phải bảo đảm sự cân bằng giữa
khẳng định, tiếp thu, phát triển văn hóa dân tộc, thỏa mãn nhu cầu văn
hóa mọi mặt của công chúng… với việc đóng góp tích cực vào tiến trình
văn hóa nhân loại. Xét từ góc độ này có thể thấy việc khơi dậy sức mạnh
văn hóa dân tộc cần được kết hợp hài hòa với giao lưu, truyền bá, quảng
bá văn hóa. Đó là hai mặt của một vấn đề. Bởi vì, nếu khơi dậy sức mạnh
văn hóa là trực tiếp góp phần củng cố, xây dựng năng lực nội sinh của
mỗi dân tộc thì giao lưu, quảng bá vừa trực tiếp đóng góp với văn hóa
nhân loại vừa tạo dựng cầu nối giúp dân tộc này hiểu biết sâu sắc hơn về
văn hóa của dân tộc khác. Từ đó khi cần và phù hợp thì có thể học hỏi,
tiếp thu.
Về mặt xã hội, internet có hai đặc điểm nổi trội: một
là tính đại chúng, vì chỉ với internet, máy tính hay điện thoại thông
minh (smartphone) mọi người đều có thể “lên mạng”, và trên các nền tảng
mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, X (trước đây là Twitter),
Instagram… mỗi người có cơ hội tiếp xúc trên phạm vi rất rộng, có thể
biểu lộ bản thân qua tâm sự, chia sẻ, đưa ý kiến về hiện tượng, sự kiện,
vấn đề từ quá khứ đến hiện tại, từ trong nước đến ngoài nước, hoặc để
quảng cáo, bán hàng online; hai là với internet, mỗi người đều có thể
thành chủ thể sản xuất nội dung, có thể kiếm tiền nếu trang mạng có
nhiều subscribe (đăng ký), chia sẻ, video được nhiều người truy cập, còn
được chia sẻ doanh thu quảng cáo nếu đáp ứng yêu cầu của nhà mạng (như
YouTube là: 1.000 subscribe, cộng 4 nghìn giờ xem công khai hợp lệ trong
12 tháng gần nhất, hoặc có 10 triệu lượt xem video ngắn công khai và
hợp lệ 90 ngày gần nhất; TikTok trả tiền người sản xuất nội dung qua số
lượt view - xem, video). Thiết nghĩ có thể coi đặc điểm thứ hai là cơ sở
lý giải vì sao trên các nền tảng mạng xã hội, số TikToker (người chơi
TikTok), YouTuber (người chơi YouTube)… gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Từ
đó, đẩy tới việc trong xã hội đã xuất hiện một số khái niệm như “nghề
YouTube” (tạm định nghĩa: “Nghề dành cho người sản xuất video đăng tải
lên nền tảng Youtube”?), “nghề TikTok” (tạm định nghĩa: “Nghề sử dụng
TikTok đăng tải các video ngắn có nội dung về chủ đề nào đó”?).
Văn hóa, với sự đa dạng, hấp dẫn, gắn với sinh hoạt hằng ngày, gắn với nhu cầu thông tin, nhu cầu hiểu biết thường nhật của con người trong xã hội… đã cuốn hút nhiều người sản xuất nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
|
2. Không
chỉ cá nhân, hiện nhiều cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương đến
tỉnh, thành phố cũng thích ứng bối cảnh mới bằng việc lập trang mạng xã
hội riêng, kết hợp giữa thông tin đã đăng trên báo chí chính thức với
thông tin, hình ảnh mới khai thác, và sự nhanh nhạy đã đem lại kết quả
khả quan. Như đến nay trang YouTube ANTV có 7,05 triệu subscribe, VTV24
có 5,34 triệu subscribe, VTC Now 4,58 triệu subscribe... Từ lợi thế
chuyên môn, điều kiện khai thác thông tin trên diện rộng, trình độ công
nghệ… một số địa chỉ báo chí, truyền thông còn lập vài trang YouTube
thông tin tổng hợp với đầy đủ chuyên mục về kinh tế, văn hóa, công nghệ,
nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, quốc tế, bạn đọc, pháp luật…
Với
văn hóa, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ và trải rộng trên
toàn cầu của các công cụ truyền tải thông tin, tri thức trên nền tảng
internet đưa tới cơ hội cực kỳ thuận lợi cho quá trình giao lưu, truyền
bá, quảng bá văn hóa giữa các dân tộc, giữa các quốc gia.
Ở Việt Nam,
thực tế cho thấy đã ra đời hàng chục nghìn trang mạng xã hội đăng tải vô
số nội dung, việc hằng ngày truy cập internet để làm việc, hoặc tương
tác, xem - nghe - đọc trên mạng xã hội đã trở thành hoạt động bình
thường của hàng chục triệu người. Về cơ bản, các trang mạng xã hội
thường do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thực hiện. Do điều kiện cơ
sở vật chất, hoặc từ mục đích mà có trang còn sơ sài, có trang lại mang
dáng dấp “kênh truyền hình” được đầu tư phương tiện hiện đại, có biên
tập, MC, sưu tầm tư liệu minh họa, hình ảnh đẹp, sinh động, phát theo
giờ.
Sơ bộ khảo sát ở đó có thể thấy sự phong phú, đa dạng liên
quan mọi lĩnh vực của văn hóa như: lối sống, nếp sống, phong tục, tập
quán, thần thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật dân
gian, văn học dân gian, kịch hát truyền thống, trò chơi, địa lý, lịch
sử, dã sử, ngôn ngữ, giáo dục, hôn nhân và gia đình, gia đình và dòng
họ, cơ cấu tổ chức làng xã và đô thị qua các thời kỳ lịch sử, bản sắc
văn hóa mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc, văn học, nghệ thuật tạo
hình, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, giá trị văn hóa cổ truyền
và truyền thống, văn hóa quân sự, giá trị văn hóa du nhập qua quá trình
tiếp biến với văn hóa khu vực hoặc thế giới, ẩm thực, lễ hội, du lịch,
di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, thời trang, thị hiếu…
3. Ý
thức nghiêm túc về vai trò văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của
phát triển, là nguồn lực nội sinh của dân tộc từ quá khứ, hiện tại đến
tương lai… nhiều YouTuber, Facebooker, TikToker… đã thể hiện tính tích
cực xã hội trong nỗ lực khảo sát, tìm hiểu, chọn lọc, khái quát, sưu tầm
tư liệu để sáng tạo nhiều video bao hàm hai mặt thống nhất: vừa cung
cấp cho người đọc, người xem ở trong nước những tri thức, hiểu biết lành
mạnh về tinh hoa văn hóa dân tộc, cổ vũ và biểu dương hành vi văn hóa
xuất hiện trong cuộc sống, hướng đến sự phát triển; vừa chuyển tải tri
thức, hiểu biết đó đến bạn bè quốc tế qua thuyết minh, phụ đề tiếng nước
ngoài.
Tiếp cận một cách khách quan, từ quan điểm lịch sử, một số người
đã chỉ rõ hạn chế, lý giải nguyên nhân đẩy tới quan niệm, biểu hiện
không còn phù hợp của văn hóa quá khứ, hoặc các hiện tượng tiêu cực mới
nảy sinh, kêu gọi cộng đồng chung sức khắc phục. Không thu hút người xem
bằng đề tài câu khách, nội dung giật gân, phản cảm, mà chỉ bằng việc
làm có ý nghĩa hướng thiện, gắn liền cuộc sống giản dị đời thường, kết
hợp nỗ lực tìm hiểu, khám phá, sáng tạo… nhiều trang YouTube vẫn được
hàng triệu người đăng ký, được đánh giá cao như trang của Hoàng Nam
(4,15 triệu subscribe), Quang Linh (3,82 triệu subscribe), Phạm Tân (2,9
triệu subscribe), Thế Nhân (1,21 triệu subscribe)… Dù chưa đạt con số
trên, nhưng các trang có liên quan văn hóa của Thanh Tùng, Sỹ Ngọc, Văn
Tú, Dube Nguyễn, Tất Thắng,… cũng được nhiều người ghi nhận vì đem đến
một số hiểu biết và cảm xúc, ấn tượng lành mạnh.
Tuy nhiên, như đã trình bày, việc các nền tảng mạng xã hội lấy số lượng subscribe, số lượt view để trả tiền… đã khiến không ít người vì mục đích kiếm tiền mà tìm mọi cách tạo sự hấp dẫn, lấy hiếu kỳ, câu khách, giật gân, phản cảm, thậm chí dung tục, nhảm nhí, dối trá, bịa đặt… thay thế cho sự nghiêm túc, cẩn trọng, có trách nhiệm của người truyền bá thông tin, cá biệt có trường hợp còn bỏ qua lòng tự trọng, tự tôn dân tộc…
|
YouTuber Nguyễn Khánh Vương Anh giới thiệu ẩm thực Việt trên trang của mình.
MỖI NGƯỜI LÀ MỘT ĐẠI DIỆN CỦA BẢN SẮC
1. Khảo sát các trang YouTube của người Việt trong nước sẽ thấy sự tùy tiện về văn hóa đã đến mức báo động:
Thứ nhất, một số người có biểu hiện cực đoan, coi văn hóa dân tộc mình hơn văn
hóa tộc khác; có người còn tỏ thái độ kỳ thị văn hóa, xúc phạm văn hóa,
khi có ý kiến góp ý, phê bình thì chửi bới; một số người còn theo xu
hướng “dĩ Việt vi trung” (Việt Nam là trung tâm), coi văn hóa Việt Nam
như “cái nôi của văn hóa nhân loại”, dựa vào đó để miệt thị văn hóa dân
tộc khác.
Thứ hai, báo chí nhiều lần phê phán ứng xử thiếu văn hóa của
một số người khi có sự cố, sự kiện nào đó xảy ra (án mạng, tai nạn giao
thông, thậm chí đám hiếu…) là lập tức chen vai hích cánh, đè đầu cưỡi
cổ xông vào, vài chục hoặc vài trăm smartphone được giơ lên cố chộp hình
ảnh sốt dẻo để đưa lên YouTube nhanh nhất.
Thứ ba, một số người hiểu
biết văn hóa, lịch sử còn hời hợt vẫn khai thác truyền thuyết, dã sử
mang màu sắc kỳ bí hoặc nhặt nhạnh thông tin chưa được kiểm chứng trôi
nổi trên internet để đưa lên trang cá nhân, đẩy tới tình trạng đánh đồng
truyền thuyết, dã sử với chính sử.
Thứ tư, một số người lại sản xuất
video khoe giàu, khoe ăn chơi, nhậu nhẹt, cố tình tạo hình ảnh “giang
hồ mạng”, chế một số món ăn kỳ dị rồi gắn cho chữ “khủng” để thu hút
người xem.
Thứ năm, một số YouTuber tự nhận là “nhà truyền thông” với
thao tác duy nhất là lượm lặt bài vở giật gân đã được đăng trên báo chí,
gắn cho tiêu đề “hé lộ”, “kinh hoàng”, “khủng khiếp”, “không thể ngờ”,
“không ai ngờ” để công bố, thậm chí lượm lặt chuyện tào lao trên mạng,
vừa đọc vừa thêm mắm dặm muối pha trò, gây cười thô lậu.
Thứ sáu, một
số người hiểu biết văn hóa ẩm thực còn sơ sài vẫn tùy tiện đứng ra giải
thích với người nước ngoài (Thí dụ: tay bóc lá dong từ bánh chưng nhưng
giải thích là lá chuối; khẳng định thịt quay cuốn lá mơ chấm mắm tôm là
món tiêu biểu của Việt Nam. Video của một YouTuber người nước ngoài đến
Hà Nội quay cảnh khi anh hỏi món đặc trưng của ẩm thực Hà Nội thì được
giới thiệu miến lươn, bánh cuốn Cao Bằng, YouTuber này phá ra cười vì
biết đó không phải là món đặc trưng của ẩm thực Hà Nội…).
Thứ bảy, đến hiện tại, số YouTuber viết sai chính tả, sai ngữ pháp là khá cao, thậm chí có người còn nói ngọng.
Thứ tám, vì đa số trang mạng xã hội do một người thực hiện nên có hiện tượng tự
tin thái quá, chủ quan, chưa nắm được giới hạn hiểu biết về một vấn đề,
lĩnh vực nào đó, chọn đề tài, đưa ra ý kiến khá cảm tính, thiếu suy xét,
không kiểm chứng cẩn trọng.
Thứ chín, thiếu thông tin hoặc nghèo nàn
tư liệu, một số YouTuber đã “lừa” người xem bằng cách làm video đọc đi
đọc lại một vài nội dung, hoặc đổi tiêu đề video đưa lên vài lần trong
một ngày…
Mỗi người cần tự tạo lập “bộ chỉnh” của văn hóa cá nhân giúp phân biệt việc nên làm với việc không nên làm, bởi dẫu thế nào thì tham gia mạng xã hội không chỉ thể hiện bản thân mà còn thể hiện hình ảnh văn hóa của dân tộc mà mỗi người là thành viên. Và không có điều gì khác, “bộ chỉnh” đó sẽ khiến họ được tin cậy, yêu mến, trở thành YouTuber, Tiktoker… có văn hóa.
|
2. Tháng 6/2023, BĐT tham gia YouTube, sau hơn nửa năm
trang này lèo tèo vài trăm subscribe. Tháng 2/2024 sau khi lấy tiêu đề
“Hành quân xuyên Việt” và công bố mấy chục video mới thì chưa đầy 30
ngày, số subscribe tăng lên hơn 30 nghìn, gần 12 triệu lượt xem. Đến
thời điểm hiện tại đã đạt 40,3 nghìn subscribe, 15,8 triệu lượt xem.
Trên TikTok, video của BĐT cũng rất thu hút. Sự tăng lên đó bắt đầu từ
chuyện BĐT và bạn anh là PĐH cùng quê Hải Dương, sau khi hoàn thành
nghĩa vụ quân sự, về nhà đã có công ăn việc làm, nhưng sau một thời gian
họ quyết định thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Cà Mau đến Lũng Cú,
với mong muốn “khám phá các văn hóa địa phương cũng như di tích lịch sử
ngày xưa ông cha để lại,… có thêm các kiến thức văn hóa cũng như lịch sử
Việt Nam”. Hình ảnh hai cựu binh trẻ da đen cháy, với quân phục dã
chiến và mũ cối, giày vải, ba-lô nặng trĩu sau lưng, mồ hôi nhễ nhại
kiên trì đi dưới trời nắng gắt, thi thoảng dừng lại làm thuê để có kinh
phí đi tiếp, gặp điều không biết thì hỏi, chỉ nhận nước uống, không nhận
tiền bạc… khiến nhiều người xem xúc động. Bà con ở Cà Mau, Bạc Liêu,
Sóc Trăng,… nhất là các bạn trẻ đã dành cho họ rất nhiều yêu thương. Và
không cần nhiều lời, hình ảnh về những cái ôm siết chặt, những cuộc gặp
gỡ đầm ấm, những tâm sự chân thành có niềm vui và nước mắt, những bạn
trẻ náo nức chờ đón, những chai nước, những hộp cơm và rất nhiều món
quà,… đã nói lên tất cả về văn hóa Việt Nam, tình người Việt Nam.
BĐT,
PĐH vẫn trên đường, qua YouTube, TikTok rất nhiều người từ nam ra bắc
đã nhắn tin dặn dò giữ gìn sức khỏe, chúc hoàn thành chuyến đi, mời đến
thăm, hẹn đón trên đường. Video trên các trang YouTube, TikTok của BĐT,
PĐH cho thấy họ sáng tạo nội dung từ nỗ lực của chính bản thân, không bị
giật gân, câu khách lôi cuốn, không tự biến mình thành “người tối tạo
nội dung”. Đó cũng là thí dụ cho thấy với bất kỳ nghề nghiệp, công việc
nào trong xã hội thì ý thức xã hội lành mạnh, thái độ lao động nghiêm
túc vẫn là nền tảng giúp mỗi người đạt được thành quả hữu ích đối với
bản thân, rộng hơn là đối với cộng đồng.
3. Ở buổi hồng hoang của
lịch sử, khi con người bắt đầu tụ hợp để xây dựng nên các cộng đồng sơ
khai đầu tiên thì văn hóa cũng manh nha xuất hiện. Giữa các cộng đồng
tuy có sự khác nhau về thời điểm ra đời, có những bước tiến văn hóa
nhanh chậm khác nhau thì vẫn cùng hướng đến mục đích xây dựng văn hóa
trong các điều kiện riêng. Văn hóa cộng đồng là kết quả của quá trình
thích nghi tự nhiên, sáng tạo để hoàn thiện cộng đồng và liên tục được
trao truyền giữa các thế hệ. Đến lượt nó, mỗi thế hệ lại làm cho văn hóa
cộng đồng ngày càng phong phú hơn, ngày càng thấm đậm ý nghĩa nhân văn
hơn. Thông qua văn hóa, phẩm chất tinh thần, trình độ trí tuệ và giá trị
của cộng đồng được thể hiện. Vì thế, văn hóa luôn là một dòng chảy liên
tục từ quá khứ, hiện tại đến tương lai và sự thống nhất giữa làm chủ
văn hóa quá khứ với sáng tạo giá trị văn hóa mới là phương diện rất quan
trọng của quá trình văn hóa.
Song hành cùng các hình thức cộng
đồng người trong lịch sử, ngày nay phạm vi rộng nhất của văn hóa cộng
đồng là văn hóa dân tộc, và như sự lựa chọn tất yếu từ các điều kiện
sinh tồn riêng của dân tộc mà văn hóa dân tộc quy định sự ra đời của bản
sắc văn hóa. Văn hóa Việt Nam đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt qua không
biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Một nghìn năm Bắc thuộc, cha ông
chúng ta không có một nhà nước tự chủ, không có một tiềm năng kinh tế,
chỉ có một bản lĩnh văn hóa và bản lĩnh đó trở thành nguồn sinh lực nâng
bước dân tộc vượt qua mọi sự cưỡng bức văn hóa từ bên ngoài để giành
độc lập. Dân tộc trường tồn vì có một cốt cách văn hóa, một nền văn hóa
đầy sức sống, phong phú, sinh động và tiềm ẩn trong đó là động lực gắn
với lòng tự tôn, niềm tự hào, niềm tin về cội nguồn, về phẩm giá con
cháu Hùng Vương.
Ngày nay khơi dậy sức mạnh văn hóa dân tộc là
tất yếu khách quan của toàn bộ quá trình xây dựng đất nước, hội nhập với
nhân loại. Tiếp cận từ góc độ nào thì sức mạnh văn hóa dân tộc cũng
luôn gắn liền với truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa. Mà thực tế lịch
sử cho thấy khi một dân tộc quay lưng với truyền thống văn hóa, phai
nhạt hoặc đánh mất bản sắc là tự cắt đứt sợi dây thiêng liêng liên kết
với quá khứ, để lại hậu quả khôn lường. Điều đó đòi hỏi từ mỗi cá nhân
đến toàn xã hội phải phát huy tính tích cực xã hội, phát huy vai trò của
yếu tố chủ quan bảo đảm bản sắc văn hóa luôn là bộ phận hữu cơ, là
nguồn lực nội sinh của sức mạnh văn hóa dân tộc.
Khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội làm công cụ giao lưu, truyền bá, quảng bá văn hóa cũng không thể lơi là yêu cầu về truyền thống văn hóa, về bản sắc văn hóa, về lòng tự tôn dân tộc. Để đáp ứng yêu cầu này, trước hết phải từ ý thức tự thân của mỗi người khi tham gia các nền tảng mạng xã hội.
|
NGUYỄN HÒA (nhandan.vn)