Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 31/8/2010 10:42'(GMT+7)

Làng Rắk-Kon Tum đón Tết Độc lập trong no ấm, yên bình

Cuộc sống ở buôn làng ngày càng đổi thay. Ảnh minh hoạ

Cuộc sống ở buôn làng ngày càng đổi thay. Ảnh minh hoạ

Làng Răk thuộc xã Ia Xiêr huyện Sa Thầy (Kon Tum). Cả làng có 304 hộ với hơn 1.200 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Gia Rai. Gần 10 năm qua, làng Răk được mọi người nhớ nhiều nhất vì đây là nơi đón nhận những người con lưu lạc đầu tiên (trót nghe kẻ xấu vượt biên sang nước ngoài), đã trở về buôn làng vào năm 2001. Sau gần 10 năm, giờ đây những con người ấy nhờ cần cù chịu khó, lại được sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của buôn làng và chính quyền, họ đã vươn lên trở thành những nhân tố mới trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. “Có nhiều người như mình khi trở về đã cố gắng chăm lo sản xuất để xây dựng cho mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay tại buôn làng mình”-A Bưm hồ hởi khoe. Bản thân Bưm cũng là những người đầu tiên tham gia vượt biên và trở về trong năm 2001. Ngay khi về, được chính quyền động viên cùng với bà con trong buôn làng hỗ trợ, A Bưm cùng vợ đã quyết tâm làm lại cuộc đời bằng tự lao động, sản xuất thật giỏi để làm giàu trên chính mảnh đất Tây Nguyên này. “Mình không lo thiếu đất, chỉ sợ làm không nổi”, A Bưm thừa nhận. Theo như anh nói, thì chỉ có một số hộ còn khó khăn, neo đơn, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số… trong buôn làng phải cần chính quyền hỗ trợ, chăm sóc để có nhà ở, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Còn bản thân A Bưm cũng đã tự xây cho mình căn nhà gần 100 triệu đồng và sở hữu 1 ha cao su, xe công nông, rẫy mỳ…


Thượng tá Nguyễn Trọng Nhưỡng-Đội trưởng đội công tác 323 đóng chân trên địa bàn cho biết, không chỉ với người dân đang sinh sống mà cả những người lầm đường lạc lối khi về cũng được chính quyền thường xuyên quan tâm, hỗ trợ. Nhiều chương trình, dự án như xây nhà cho dân (dự án 167), hỗ trợ vay vốn xoá đói giảm nghèo, cấp cây, con giống hay giúp ngày công, kỹ thuật đã thực sự mang lại cho người dân một cuộc sống đầm ấm hơn nhiều. “Nhờ vậy mà 3 năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở làng Rắk đã ổn định. Đời sống vật chất, tin thần của người dân đang ngày một nâng cao”, Thượng tá Nhưỡng khẳng định. Đội công tác địa bàn 323 nơi anh đang công tác, các chiến sỹ thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi, động viên, cùng gia đình họ sản xuất đã mang lại niềm tin, sự thân thiện đến với mọi nhà, nên các chiến sỹ được các gia đình đồng bào ở làng Rắk coi như người thân trong nhà.


Tới thăm nhà A H’Não khi ngày Quốc khánh 2/9-ngày Tết Độc lập của dân tộc đang cận kề. Đúng lúc A H’Não đang cùng những người ở đội công tác làm cỏ, dọn vườn cho 2 ha cao su. “Đây là vườn cây của nghĩa tình quân-dân đó. Nhờ có bộ đội mà mình mạnh dạn tham gia trồng cao su. Lúc đầu sợ nhưng anh em động viên, cùng tham gia hỗ trợ trồng mà mình đã có được 2 ha này. Nếu mình không làm thì chẳng ai cho mình nhà to, xe đẹp cả”, A H’Não xúc động nói như vậy. Sau gần 10 năm ở lại quê hương quyết tâm xây dựng cuộc sống mới tại chính buôn làng của mình, năm 2009, A H’Não đã tự xây dựng cho mình 1 căn nhà giá trị hơn 110 triệu đồng, nhờ tích luỹ được từ canh tác 3ha mỳ, 2 ha cao su và cây bời lời.

Làng Răk hôm nay đã có đường nhựa chạy thẳng tắp tới thôn làng, vươn lên phát triển cùng đất nước. Dọc 2 bên đường, nhà nhà treo cờ Tổ quốc. Những căn nhà sàn mới, to rộng và khang trang ngày một nhiều hơn, đan xen với trường học, trạm xá quân dân y kết hợp. Cùng hệ thống điện, nước, trường lớp học đến tận từng hộ phục vụ nhu cầu vật chất, tin thần ngày càng cao của người dân nơi đây./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất