TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ TRONG NHẬN THỨC, Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM VÀ HÀNH ĐỘNG
Lạng Sơn là một trong 8 tỉnh trên cả nước ký kết phối hợp tuyên truyền biển, đảo với Cục Kỹ thuật Hải quân. Năm 2020, trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, Lạng Sơn phối hợp với Cục Kỹ thuật Hải quân và các địa phương thực hiện phương châm “Trách nhiệm, tích cực, chủ động, đổi mới, hiệu quả”.
Cụ thể, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã phối hợp với Cục Kỹ thuật Hải quân và các đơn vị tổ chức tuyên truyền được 22 buổi cho gần 11.500 lượt cán bộ, đảng viên và báo cáo viên các cấp; báo, đài phát thanh - truyền hình, báo điện tử các địa phương đã đưa gần 6.000 tin, bài, ảnh, phóng sự, hình ảnh về biển, đảo. Đồng thời, tổ chức tốt các phong trào, cuộc vận động về biển, đảo như: Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; tổ chức “Hành trình biển, đảo quê hương”; triển lãm và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”… Qua đó, kịp thời theo dõi, nắm diễn biến và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng to lớn của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo và giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động, phối hợp với Cục Kỹ thuật Hải quân xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên giáo trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo hướng dẫn tổ chức tuyên truyền biển, đảo. Công tác tuyên truyền biển, đảo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, huy động nhiều lực lượng tham gia, phù hợp với tình hình của mỗi địa bàn, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Các hình thức tuyên truyền được thể hiện bằng các hình thức trực quan sinh động thông qua việc sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các tài liệu, đề cương tuyên truyền, sách, báo, treo pa-nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn, khối phố về những nội dung có liên quan đến biển, đảo cũng được chú trọng thực hiện.
Đội ngũ báo cáo viên của Lạng Sơn đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền miệng về tình hình biển, đảo. Các cơ quan báo chí của tỉnh đều cử phóng viên ra thăm và tác nghiệp tại các tuyến đảo, phối hợp với các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân xây dựng nhiều tin, bài, phóng sự, phim tài liệu tuyên truyền về tình hình biển, đảo; phản ánh những nỗ lực, quyết tâm, vượt mọi khó khăn của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa, các vùng biển, hải đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tham gia các đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, nhân dân của huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức tốt các hội nghị tập huấn về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới đất liền. Tỉnh Đoàn và các nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Biển, đảo Tổ quốc và người chiến sĩ Hải quân” thu hút hàng chục nghìn lượt cán bộ, giáo viên, đoàn viên thanh niên và học sinh tham gia. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức giờ dạy học liên môn với chủ đề “Biển, đảo Việt Nam”, “Em yêu biển, đảo Việt Nam” và tăng cường nội dung biển, đảo trong các môn học lịch sử, địa lý, giáo dục quốc phòng. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cử văn nghệ sĩ tham gia các trại thâm nhập, sáng tác hàng chục tác phẩm về đề tài biển, đảo...
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong thế hệ trẻ; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
BẢO ĐẢM CÁC NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN SÂU SẮC, ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo là sẽ có những diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào sự phát triển của không gian mạng, dẫn đến tính phức tạp đa chiều của sự bùng nổ thông tin, đòi hỏi việc thông tin, tuyên truyền phải có giá trị nâng cao “sức đề kháng” và chống lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm đường lối của Đảng.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định một trong những trọng tâm để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới là “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(1). Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển, đảo, triển khai thực hiện các quan điểm nêu trong Nghị quyết của Đảng, thời gian tới, ngành Tuyên giáo Lạng Sơn tập trung vào số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trước hết là Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021; bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đảng ủy Quân chủng Hải quân và các tỉnh ủy, thành ủy về nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo.
Thứ hai, bám sát nhiệm vụ chính trị, lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp; chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, nhất là những diễn biến mới trên biển, đảo; bảo đảm các nội dung tuyên truyền sâu sắc, đúng định hướng.
Trước hết, cần tập trung tuyên truyền cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; những diễn biến mới về tình hình Biển Đông; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; kết quả đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, hoạt động tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ nhân dân của lực lượng Hải quân; tích cực đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái về tình hình biển, đảo; tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương, các phong trào, các cuộc vận động hướng về biển, đảo… Từ đó, nhằm giáo dục bồi đắp tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Thứ ba, thường xuyên đổi mới đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền biển, đảo bằng nhiều hình thức sinh động, bám sát thực tiễn; tăng cường hình thức tuyên truyền trực tuyến, tích cực khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin. Kết hợp tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua báo chí, trên intenet, mạng xã hội. Tổ chức các hoạt động triển lãm về biển, đảo; tham quan di tích lịch sử, truyền thống; giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình trường học trên địa bàn, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết quân dân.
Thứ tư, thường xuyên quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về biển, đảo cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên các cấp; phối hợp tổ chức các nội dung tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về thông tin đối ngoại và tuyên truyền biển, đảo gắn với tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ báo cáo viên, phóng viên các báo, đài, các nghệ sỹ để công tác tuyên truyền và thâm nhập, sáng tác về biển, đảo và bộ đội Hải quân có chiều sâu và đạt hiệu quả cao.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với Cục Kỹ thuật Hải quân và ban tuyên giáo các địa phương để tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất; đẩy mạnh việc phối hợp, hiệp đồng; triển khai đồng bộ, chặt chẽ các hoạt động tuyên truyền theo chương trình, kế hoạch đã ký kết. Thường xuyên trao đổi, bàn bạc chặt chẽ, thống nhất giữa đơn vị với địa phương; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích và kịp thời tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
ThS. Phùng Quang Hội
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn
_____________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.48.