Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 18/7/2008 12:23'(GMT+7)

Những kết quả và kinh nghiệm bước đầu trong chỉ đạo điểm Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Đặc biệt năm 2008, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chọn 24 địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong cả nước. Qua 6 tháng đầu năm 2008 đã đạt được những kết quả và kinh nghiệm bước đầu.

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn làm điểm đã có sự chủ động, sáng tạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai Cuộc vận động. Nhiều nơi đã có những cải tiến phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc xin ý kiến quần chúng nhân dân nơi cư trú về tình hình thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức để có thể nhận được nhiều thông tin và thông tin chính xác hơn. Nhiều nơi hướng dẫn các đơn vị xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể, thiết thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, gắn với những lời dạy của Bác với ngành, như Bộ Y tế, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao... Việc xây dựng và thông qua các chuẩn mực đạo đức được gắn với xây dựng và thông qua các quy định, quy chế thực hiện để tạo sự thống nhất trong toàn ngành, cơ quan, đơn vị.

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn làm điểm đã chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hoá, đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hội thi “kể chuyện về tầm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều hội thi cấp tỉnh, cấp ngành đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình, phát đều đặn trên Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố tạo ấn tượng tốt và sự lan tỏa trong xã hội. Một số nơi động viên, lôi cuốn được cả các chức sắc tôn giáo, người tu hành tham gia thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác.

Một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành, như T.p Hồ Chí Minh, Thái Bình, Khánh Hòa, Tuyên Quang... đã quan tâm đến việc chỉ đạo triển khai sớm việc học tập các chuyên đề năm 2008 : “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác cho đội ngũ báo cáo viên, cung cấp tài liệu, sau đó chỉ đạo làm điểm, rút kinh nghiệm để triển khai rộng, gắn với học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X.

Các tỉnh, thành phố, bộ, ngành được chọn làm điểm đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành trực thuộc phát động cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí trên phạm vi ngành, địa phương, dưới các hình thức phù hợp. Đến nay đã có 11 Hội văn học, nghệ thuật, báo chí Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, 24 tỉnh, thành phố phát động sáng tác các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, các ngành, địa phương đã chủ động chỉ đạo thực hiện các nội dung công việc năm 2008 một cách khẩn trương, theo hướng mở rộng các hình thức, làm phong phú thêm các nội dung, gắn với các hoạt động của toàn ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn làm điểm đã quan tâm chỉ đạo thực hiện sự lồng ghép các nội dung của Cuộc vận động với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, kế hoạch công tác của ngành, địa phương cũng như với các cuộc vận động khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“; lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm mục tiêu thực hiện Cuộc vận động. Và chính việc thực hiện Cuộc vận động trở thành một động lực góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình triẻn khai, các địa phương, ngành đều quan tâm đến học tập và làm theo Bác trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, như cải cách hành chính, tăng cường quan hệ gắn bó với dân, “lấy sự thuận tiện của nhân dân làm niềm vui và nhiệm vụ phục vụ của mình”.

Các ngành như Y tế, Tòa án, Điện lực, Dầu khí, Giáo dục và Đào tạo, Bưu chính - Viễn thông... đều lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị chủ yếu làm cơ sở để cụ thể hóa các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2008. Ngành Tòa án lấy lời dạy của Bác “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” làm mục tiêu thi đua của ngành. Ngành Y tế tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, trong triển khai Cuộc vận động. Các bệnh viện đã tổ chức các “Hộp thư góp ý”, “Hội đồng bệnh nhân” để giúp đỡ cho y bác sỹ và nhân viên y tế làm theo lời Bác. Ngành giáo dục lấy cuộc vận động “Hai không“ làm nhiệm vụ trung tâm để triển khai Cuộc vận động. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác”...

Thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm sang việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn làm điểm chú trọng phát hiện những gương người tốt, việc làm tốt theo tấm gương đạo đức của Bác để tuyên truyền và nhân rộng.

Tới nay, đã có 26 tỉnh, thành phố và 5 ngành, đoàn thể tập hợp được danh sách các tập thể, cá nhân tiên tiến, với 210 đơn vị và cá nhân. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tỉnh đoàn Vĩnh Phúc tổ chức hội thi “Kể chuyện tấm gương thanh niên làm theo lời Bác”, “Giờ học tập đạo đức Hồ Chí Minh” trong nhà trường hoặc kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ vào sáng thứ hai hàng tuần. Thái Bình đã tổ chức diễn đàn được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi giám sát người đứng đầu các sở, ban, ngành trình bày những việc đã làm trong thời gian qua và hứa những việc sẽ làm theo đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian tới của sở mình, ngành mình...

Một số nơi đã chỉ đạo thực hiện thể chế hóa vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt. Vận dụng tốt bài học “cán bộ lãnh đạo, chủ trì, chủ chốt, bí thư cấp uỷ phải nêu gương trước trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là trực tiếp thực hiện lời dạy của Bác về nguyên tắc thực hành đạo đức: “phải nêu gương về đạo đức”.

Trong thời gian qua, kết hợp với các biện pháp thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và 6, khóa X, Kết luận 12 của Bộ Chính trị, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú trọng chỉ đạo xây dựng các quy định, quy chế làm việc, hội họp, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, xử lý các công việc quản lý tài chính v.v. Thực hiện những quy định trên đã có tác dụng tích cực đến quan hệ giữa cán bộ với nhân dân, góp phần giữ gìn hình ảnh cán bộ trước dân và giúp cán bộ tự giác, nghiêm minh hơn trong thực hiện vai trò nêu gương trước quần chúng.

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn làm điểm bước đầu đã quan tâm chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm của các đơn vị làm điểm để triển khai nhân rộng trên phạm vi ngành, địa phương và qua đó đóng góp cho phong trào của cả nước.

Đánh giá chung về kết quả chỉ đạo điểm Cuộc vận động, đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc hơn trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động.

Thể hiện ở 5 điểm sau:

- Nhận thức về mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động rõ hơn.

- Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác được tuyên truyền sâu rộng hơn, được mọi người nói đến nhiều hơn.

- Nhân dân tin hơn vào quyết tâm của Đảng thực hiện Cuộc vận động.

- Đa số cán bộ, đảng viên, công chức có ý thức cao hơn trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

- Với mỗi người, đã có sự tự giác hơn trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác.

Sự chuyển biến nêu trên trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và trong nhân dân là kết quả rất có ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn đầu của Cuộc vận động.

Trong thực tiễn triển khai Cuộc vận động ở các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ đạo điểm, ngoài sự chuyển biến trong nhận thức, đã thu được những kết quả cụ thể làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên từng lĩnh vực. Văn phòng Trung ương Đảng khẳng định qua học tập, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức đã có sự chuyển biến thực sự, xác định rõ hơn trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ; lãnh đạo Văn phòng và cấp ủy đã tổ chức rà soát, bổ sung các quy định, quy chế... tiết kiệm vật tư, tài chính, thời gian lao động, tiết kiệm trong mua sắm, xây dựng... Tổng cục Hậu cần phát động thi đua tiết kiệm trong toàn đơn vị và thu được các kết quả cụ thể.(1). Các hoạt động “Ngày vì người nghèo“, “Xây dựng đời sống văn hóa“, “Xóa nhà tranh, tre dột nát”... được triển khai rộng rãi và có nhiều người tham gia. Nghệ An đã vận động các cơ quan sở, ban, ngành của tỉnh giúp đỡ các xóm, bản vùng sâu, vùng núi cao đang gặp nhiều khó khăn... và có kết quả thiết thực. Đài Truyền hình Việt Nam đã cắt giảm 15-20% các chương trình không hiệu quả. Tại Quận 3 T.p Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan quản lý hành chính đã tự giác hơn trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Tại Bến Tre, theo kết quả phân tích chất lượng đảng viên năm 2007, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng 0,89%; đảng viên vi phạm kỷ luật giảm 10,9% so với năm 2006... những tập thể, cá nhân điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đang tiếp tục tăng thêm theo thời gian thực hiện cuộc vận động.

Qua chỉ đạo điểm, đã xuất hiện những việc làm mới, sáng tạo trong thực hiện Cuộc vận động ở ngành, địa phương, cơ sở. Ví dụ như ở một số phường của Quận 3 T.p Hồ Chí Minh đã lập “Sổ tu dưỡng” của cán bộ, đảng viên theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức tọa đàm giữa các nhân chứng lịch sử với các tầng lớp nhân dân về tấm gương đạo đức của Bác; một số cơ sở đoàn đã lập “Sổ nhật ký làm theo lời Bác”.v.v..

Những việc làm chủ động, sáng tạo trên đây bước đầu đã có tác dụng tích cực trên từng địa bàn chỉ đạo điểm, có thể nghiên cứu để triển khai rộng.

Tuy nhiên, qua báo cáo và kiểm tra trên thực tế, việc triển khai Cuộc vận động trong 6 tháng đầu năm 2008 của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ đạo điểm còn một số hạn chế, yếu kém sau:

- Vẫn còn một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn chỉ đạo điểm chưa xác định thật rõ trách nhiệm của mình, nên chưa thực sự tích cực, chủ động, triển khai các công việc sớm hơn một bước so với tiến độ chung để giúp tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm cho mình và cho Trung ương.

- Việc chuyển trọng tâm sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn chậm, gặp lúng túng, ít hiệu quả, cụ thể là:

+ Nhiều nơi nhận thấy trong Đảng, trong xã hội, cơ quan, đơn vị... đã xuất hiện nhiều hơn những gương người tốt, việc tốt. Nhưng coi đó là kết quả trực tiếp của việc thực hiện Cuộc vận động thì nhiều người còn phân vân, e ngại, vì cho rằng đó là kết quả tổng hợp của cả quá trình, không chỉ là kết quả riêng của Cuộc vận động. Hơn nữa, rèn luyện đạo đức trước hết là công việc của mỗi cá nhân, nên cũng có hiện tượng ngại nói ra. Vì vậy, số lượng các gương điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được báo cáo, thống kê chưa nhiều (mới có 210 tập thể và cá nhân).

+ Vẫn còn một số hoạt động triển khai Cuộc vận động nặng về bề nổi, phong trào. Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp cơ sở có tính xã hội hóa cao, lôi cuốn được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, nhưng đến hội thi cấp huyện, cấp tỉnh đã bắt đầu xuất hiện xu hướng chạy theo thành tích, hình thức, có biểu hiện ganh đua giành giải, sân khấu hóa... gây tốn kém và chưa lôi cuốn được đông đảo nhân dân tham gia.

+ Cuộc vận động sáng tác tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật chưa chuyển động mạnh. Đến nay mới có 24 tỉnh, thành phố trên tổng số 64 tỉnh, thành phố phát động cuộc vận động sáng tác. Số lượng các tác phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình, văn học, nghệ thuật mới về Cuộc vận động và về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa nhiều, chưa gây được ấn tượng sâu sắc trong xã hội.

- Sự phối hợp của các cơ quan ban, ngành trong hệ thống chính trị, theo từng cấp và theo hệ thống dọc để triển khai Cuộc vận động vẫn còn lúng túng, bị động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Một số địa phương còn gặp khó khăn trong phối hợp triển khai Cuộc vận động với các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trên địa bàn.

- Vẫn còn lãnh đạo chủ chốt, nhất là lãnh đạo chính quyền ở một số nơi chưa có sự quan tâm đúng mức đến triển khai Cuộc vận động. Vẫn có trường hợp coi đó là công việc của các cơ quan đảng, thậm chí của ngành tuyên giáo. Do vậy, việc triển khai Cuộc vận động trong các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn.

Từ thực tiễn kiểm tra và qua báo cáo của các ngành, địa phương, có thể khẳng định tác dụng của chỉ đạo điểm và rút ra những kinh nghiệm bước đầu của việc chỉ đạo điểm như sau:

Với Trung ương:

Một là, cần xác định rõ yêu cầu, nội dung chỉ đạo điểm.

- Việc Ban Chỉ đạo Trung ương chọn 24 đơn vị, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để chỉ đạo điểm với mục đích làm sớm, làm trước, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai, nhân rộng là hoàn toàn đúng. Thành phần các địa phương, ngành, đơn vị được chọn là phù hợp, tương đối tiêu biểu cho việc triển khai Cuộc vận động trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân. Việc Trung ương chỉ định 01 đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo đơn vị được chọn chỉ đạo điểm có tác dụng tốt, thúc đẩy ngành, địa phương, đơn vị tích cực hơn trong triển khai Cuộc vận động. Tuy nhiên, qua ý kiến của nhiều cơ quan, cần chọn thêm một số đơn vị nữa để chỉ đạo điểm, qua đó có bức tranh đầy đủ hơn về Cuộc vận động trong cả nước.

- Trong lựa chọn các đơn vị để chỉ đạo điểm cần xác định rõ các tiêu chí của sự lựa chọn. Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cần chia thành hai nhóm:

+ Nhóm thứ nhất gồm các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có vị trí, tầm quan trọång lớn, đẩy mạnh Cuộc vận động qua tập trung chỉ đạo điểm sẽ tạo ra tác động và sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn quốc. Với những ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị này cần chỉ đạo toàn diện và duy trì sự chỉ đạo điểm lâu dài.

+ Nhóm thứ hai là những ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có những đặc điểm riêng, đặc thù. Do chúng ta chưa có kinh nghiệm về việc triển khai Cuộc vận động trong điều kiện riêng và đặc thù đó, nên cần chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm. Việc chỉ đạo điểm của các đơn vị này cần xác định rõ một số nội dung trọng tâm cần chỉ đạo, yêu cầu của việc chỉ đạo, thời gian và kết quả cần đạt được.

Thực tế như vừa qua, chúáng ta chưa có sự chỉ đạo kỹ về nội dung này, nên các ngành, địa phương được chọn chỉ đạo điểm cơ bản vẫn làm như các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khác, chưa tập trung sâu vào những lĩnh vực được chọn để rút ra được những kinh nghiệm nổi bật.

Hai là, phải xây dựng và thống nhất chương trình chỉ đạo điểm giữa Trung ương và ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; giữa đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương phụ trách với Tổ giúp việc; giữa Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương với Ban Chỉ đạo của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ban Chỉ đạo Trung ương đã cử một đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì và thành lập Tổ giúp việc giúp cho việc chỉ đạo điểm. Đây là sự giúp đỡ rất lớn cho ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, cơ bản Tổ chỉ đạo điểm của Trung ương và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn chỉ đạo điểm chưa có chương trình công tác cụ thể và thống nhất.

Trên thực tế Ban Chỉ đạo Trung ương chưa thực sự gắn bó với ngành, địa phương được chọn chỉ đạo điểm, chưa phân công người có trách nhiệm theo dõi, phối hợp, tham dự các hoạt động chủ yếu của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai Cuộc vận động. Có hiện tượng khi cần, Ban Chỉ đạo Trung ương mới đến kiểm tra, yêu cầu báo cáo... Các ngành, địa phương cũng chưa có mối liên hệ gắn bó với Tổ giúp việc khi triển khai làm điểm.

Ba là, việc bố trí các cán bộ có trách nhiệm cao, nhiệt tình và có thời gian để thực hiện chỉ đạo điểm có vai trò quan trọng đến kết quả thực hiện.

Ban Chỉ đạo Trung ương cần có hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp.

Với các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chọn để chỉ đạo điểm

- Xác định rõ trách nhiệm được giao là đơn vị chỉ đạo điểm để chủ động thực hiện và thực hiện có hiệu quả.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo điểm của ngành, địa phương, lựa chọn một số đơn vị để chỉ đạo, phù hợp với đặc điểm của ngành và yêu cầu của chỉ đạo điểm.

- Có sự phân công trách nhiệm phụ trách địa phương, đơn vị, nhóm công việc cụ thể cho các ủy viên Ban Chỉ đạo của ngành, địa phương, đơn vị.

- Dựa vào cơ sở và phát huy vai trò của cơ sở để chỉ đạo và tổng kết thực tiễn, rút ra các bài học kinh nghiệm từ cơ sở.

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa học tập và làm theo, giữa đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức, hướng dẫn làm theo tấm gương đạo đức của Bác./.

PGS,TS. Vũ Văn Phúc

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

-------------------

(1) Năm 2007, Lữ đoàn 649 đã tiết kiệm được 4.000 lít nhiên liệu; Công ty 28 tiết kiệm 6 tỷ đồng.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất