Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 18/7/2008 12:41'(GMT+7)

Thắp sáng niềm tin qua Hội nghị biểu dương Người cao tuổi học tập và làm theo gương Bác

Sau hai năm xây dựng văn hoá Người cao tuổi (NCT) theo đạo đức văn hoá Hồ Chí Minh và hơn một năm thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác, hội viên và NCT phường I (thị xã Bến Tre) đã có bước chuyển quan trọng.

Ngày 13-5-2008, Hội NCT phường I đã tổ chức Hội nghị biểu dương NCT học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ nhân kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Người và kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam (6/6/1941 – 6/6/2008).

Báo cáo biểu dương đã nêu bật những thành quả của NCT qua Cuộc vận động: NCT đã nêu gương và dẫn dắt cháu con, vận động bà con khối phố nỗ lực sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp sức kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh mọi mặt phong trào.

Những tấm gương học tập và làm theo đạo đức của Bác đang phát triển rất đa dạng, phong phú được báo cáo tại Hội nghị.

Bà Châu Thị Sớt, Chi hội NCT khu phố I vốn là hộ nghèo phải đi khắp nơi mua bán ve chai kiếm sống. Bà sống cô quạnh không con cái, nuôi chồng bị bệnh liệt 10 năm, rồi qua đời. Những năm trước bà bắt mối với đám trẻ đi trôm chỉa sắt thép, soong chảo, thau mâm… hai, ba giờ đêm chúng gõ cửa đem bán cho bà. Dĩ nhiên với cách làm bí mật và giá rất rẻ. Từ khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, bà đã từ bỏ mua bán loại hàng phi pháp này. Bà nói: “Cụ Hồ là bậc tối cao, cụ dạy phải “liêm chính”, cuộc sống mới bền nên tôi kiên quyết từ bỏ. Nếu tôi cứ mua đồ trộm cắp là tôi không “liêm chính”, tôi vi phạm pháp luật, tôi không làm theo lời dạy của cụ Hồ, tôi có lỗi với cụ!”.

Cụ Phan Thị Thanh, Chi hội khu phố 3 đã 84 tuổi, ngày ngày từ 4 giờ sáng đến chợ đầu mối cân cá về chợ phường 3 bán. Cụ kể rằng: “Cụ sinh hạ được bảy đứa con. Nhiều con nên nghèo, các con cũng nghèo theo nên dù đã già vẫn phải sớm khuya lo phụ giúp các con. Cụ nói với các con: Cụ Hồ dạy mọi người dù giàu, dù nghèo sống phải có “nhân cách, đạo lý, nghĩa tình”. Các con có đi làm mướn, bán vé số cũng phải giữ cho lòng mình được trong sạch. Cái nghèo còn có thể chịu đựng được, nhưng trộm cắp, cờ bạc, cá độ, đề đóm, lừa gạt… để lại tai tiếng là không thể”. Các con cụ đã làm theo cụ.

Đã 40 năm bán cá ở chợ, chưa bao giờ cụ cân thiếu cho người mua, chưa bao giờ cụ ướp phân u-rê vào cá. Làm như vậy tội lỗi lớn lắm. Cụ nói, Bác Hồ dạy: “Bất cứ làm nghề gì cũng phải để cái đức lên trên hết”. Một số người bán cá ở chợ vẫn làm bừa để kiếm được nhiều tiền. Còn cụ nhất định không, dù có người bảo cụ là “dại” là “khờ”.

Cụ kể một việc cụ đã làm theo gương Bác khiến cả hội trường xúc động. Vừa qua, anh Hùng và vợ đi gánh nước mướn cho các thùng vựa cá ở chợ, bị xuất huyết phổi, máu tuôn ra mồm, ra mũi đầm đìa phải đưa đi bệnh viện, nhưng tiền không có. Cụ gom nhặt được trên 100 nghìn đồng rồi tất bật chạy ngược, chạy xuôi đến các bạn hàng và bà con cô bác ở chợ đem lòng nhân ái cứu giúp được 1 triệu 200 nghìn đồng, cụ đưa cho vợ anh Hùng đi đóng viện phí cho chồng nhập viện. Hết bệnh, vợ anh Hùng đến tạ ơn, cúi lưng chắp tay định quỳ lạy. Cụ ngăn ngay lại và nói: “Không được làm vậy, không được. Cô chú hãy vào trong nhà đốt nhang vái Bác Hồ. Bác dạy tôi và mọi người làm vậy đó.

Cụ kết thúc câu chuyện với lời lẽ mộc mạc và sâu sắc: “Cái đức của Bác Hồ cao như núi. Tôi mới chỉ làm được vài việc nhỏ nhặt, có đáng gì đâu. Xin thưa lại cùng các cụ, các đại biểu cùng nghe và chỉ bảo”. Cả hội trường vỗ tay vang dậy.

Bà Trường Ngân, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ kể: Từ khi giá cả tăng cao, vợ chồng bà đã điều chỉnh ngay giá gia công các mặt hàng và tăng mức lương cho công nhân. Mức tăng thêm từ 150 nghìn đến 170 nghìn đồng/tháng. Bà tâm sự: “Bác Hồ dạy phải liêm chính, phải hành xử có đạo lý và tình người. Tăng lương kịp thời để nâng cao mức thu nhập cho người lao động trong cơn bão giá chưa dừng, là làm theo đạo đức của Bác về “liêm chính” bởi có họ, mới có mình”.

Bà Trần Thị Huệ, gần 70 tuổi, thực hiện lời trăng trối của cha: “Cha không thể sống trên cõi đời này cùng các con được nữa. Khi cha ra đi, các con luôn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ “Thương người như thể thương thân”. Hàng năm cứ đến ngày cuối tháng chạp con mang lên phường 1 triệu đồng để góp sức cùng phường lo tết cho người nghèo”. Đã 10 năm bà thực hiện đúng lời trăng trối của cha. Ngắn gọn và xúc động, cả hội trường lắng xuống! Có một cái gì đó khó lột tả. Phải chăng đó là sự lan toả, truyền cảm qua câu chuyện bà Trần Thị Huệ đã làm theo lời Bác, lời trăng trối của cha, thông cảm, yêu thương, sẻ chia đối với nhưng mảnh đời còn nghèo khó, bất hạnh. Làm theo gương Bác từ những việc đời thường, cụ thể là như vậy.

Vợ chồng bà Phạm Thị Nhã, hai người con tốt nghiệp đại học, ra trường nhận công tác, có chức phận trong xã hội. Ông bà vừa mừng vừa lo và nói với các con rằng: Ba má may mắn được gặp Bác Hồ ở ngoài Bắc. Bác khuyên mọi người phải giữ lòng mình trong sạch, đừng xoay tiền Chính phủ hoặc đục khoét nhân dân. ông bà khuyên các con: “Ba má nghèo phải tần tảo nuôi các con bằng nghề xay bột mướn, nay các con đã có chức phận, đừng vì ham tiền mà để danh dự bị nhuộm đen. Nếu các con vướng vào tham lam, nhận tiền của người ta, sớm muộn sẽ mất Đảng, mất chức, vào vòng tù tội, mà của phi nghĩa cũng không được hưởng, danh dự truyền thống gia đình cũng không còn!”. Mỗi lần như thế các con ông bà chỉ thưa: Ba má cứ yên lòng, chúng con không bao giờ làm việc xấu!

Rồi bà kể chuyện một “Ông già Ba Tri” 69 tuổi bị lấy đất. Nhưng người chiếm đất của ông lại thắng kiện. Thụ lý hồ sơ kêu oan là cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh đã trả lại công lý và lẽ phải cho ông. “Ông già Ba Tri” đã lấy lại được 10 công đất. Một buổi sáng chủ nhật, ông đến nhà “tạ ơn” với một “bao thơ”. Cả hai vợ chồng ông bà và người con trai kiên quyết từ chối. Anh nói: “Chú làm như vậy không phải là “tạ ơn” mà là hại cháu đấy. Chú cầm lấy “bao thơ”, đừng để cháu phải nói nặng lời”. Ông bà Phạm Thị Nhã với lời lẽ chân tình nhưng kiên quyết, dứt khoát: “Đáng lẽ chú phải bảo vệ cho cháu thực thi nhiệm vụ, đem lại công lý, lẽ phải cho mọi người. Chú đưa “bao thơ” như vậy là sai trái”. Nói thế nào hai mẹ con cũng không nhận, “Ông già Ba Tri” chỉ còn biết ôm mặt khóc. Tiếng khóc của người được công lý làm sống lại; là sự yêu thương và cảm phục đối với cán bộ, đảng viên trong cơ quan công quyền – con cháu của Bác Hồ, đã noi gương Người, làm theo lời dạy của Người, không vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, danh dự.

Gần 70 cán bộ, hội viên NCT và khách mời chăm chú lắng nghe với sự xúc động xen lẫn tự hào.

Hội nghị biểu dương NCT phường 1 (thị xã Bến Tre) học tập và làm theo gương Bác, ai cung muốn kể bản thân và gia đình đã học tập và làm theo gương Người như thế nào. Tiếc rằng thời gian chỉ có giới hạn.

Tám cụ học tập và làm theo gương Bác, dẫn dắt con cháu, vận động bà con lối xóm làm theo tấm gương đạo đức của Người có kết quả cao nhất, được UBND phường trao Giấy khen, BCH Hội NCT trao tặng phẩm lưu niệm “Tấm gương soi in hình Bác”. UBND phường tặng Giấy khen cho Hội NCT vì đã thực hiện tốt và sáng tạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đồng chí Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã tổng kết và chỉ đạo một số ý ngắn gọn, thiết thực: Từ kết quả Cuộc vận động trong NCT cho thấy: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhu cầu của cuộc sống, là sự cần thiết của mỗi người cả cuộc đời, như không khí để thở, ánh sáng để đi, nhằm hoàn thiện và nâng cao nhân cách. Thực hiện tốt Cuộc vận động đã và đang là động lực phát triển phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” trong hội viên và người cao tuổi.

Khéo léo đưa Cuộc vận động vào lòng người, với lòng nhớ thương, tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Bác, mọi người sẽ học tập và làm theo đạo đức của Người bằng cả tấm lòng. Hội NCT đưa Cuộc vận động phát triển cả bề rộng và chiều sâu bắt nguồn từ “bửu bối” này, nói cách khác đây là vấn đề cơ bản nhất, then chốt nhất để cuốn hút các tầng lớp nhân dân và đồng bào các giới tham gia.

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của lãnh tụ cách mạng vĩ đại, hiếm thấy, nhưng rất gần gũi, đời thường, ai cũng có thể học tập và làm theo. Báo cáo biểu dương và phát biểu ý kiến của 8 cụ tại Hội nghị đã làm rõ vấn đề này. Học tập và làm theo gương Bác từ những công việc cụ thể, đời thường của mỗi người, từng tổ chức, đoàn thể. Cần, kiệm, liêm, chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhũng lạm… không chỉ đảng viên, cán bộ, công chức phải làm, mà người bán ve chai, nhà doanh nghiệp, người bán cá, nhà giáo, người làm xã hội-từ thiện, các tín đồ tôn giáo, mỗi gia đình… đều có thể và cần làm theo tấm gương đạo đức của Người. Cái khác là hình thức biểu hiện mà thôi.

Từ thành công và kinh nghiệm thực hiện Cuộc vận động nói chung và tổ chức Hội nghị biểu dương NCT ở phường 1, học tập và làm theo gương Bác, các đoàn thể chính trị xã hội và tổ chức xã hội cần suy nghĩ, rút kinh nghiệm để triển khai trong tổ chức đoàn thể mình có kết quả cụ thể, thiết thực, rõ nét. Từ đó thúc đẩy mọi hoạt động, mọi phong trào theo hướng hiệu quả và thực chất./.

Nguyễn Chí Quyền

Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Phường I, thị xã Bến Tre

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất