Theo dự thảo Nghị định mới này, những lao động làm việc tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mà không có giấy phép lao động hoặc chưa gia hạn giấy phép lao động thì không được cấp thị thực, không gia hạn tạm trú và buộc xuất cảnh.
Sau 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, tất cả những lao động hiện đang làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam mà vẫn không làm thủ tục để được cấp phép lao động cũng sẽ bị buộc trục xuất.
Đối với người nước ngoài là người có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý mà không có chứng chỉ, giấy công nhận thì phải có bản xác nhận ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý được chủ đầu tư phía Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị định mới này có hiệu lực sẽ bổ sung thêm phần thiếu của Nghị định 34, giúp cơ quan chức năng có cơ sở và “quyền” để trục xuất lao động nước ngoài, thay vì "không biết cư xử thế nào" với lao động bất hợp pháp như hiện nay.
Ngoài ra, Nghị định bổ sung Nghị định 34 cũng có điều khoản bắt buộc các nhà thầu, chủ đầu tư công trình phải báo cáo về tình trạng sử dụng lao động nước ngoài, sẽ thuận lợi hơn cho các địa phương rà soát lao động nước ngoài đang làm việc trên từng địa bàn.
Nghị định bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 1/ 7/2010.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có công văn gửi xuống UBND các tỉnh, thành phố, nhằm tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra và rà soát lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào việc kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về tuyển dụng, cấp phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài trúng thầu đang hoạt động tại địa phương có sử dụng lao động nước ngoài. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam buộc trục xuất theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các Sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải báo cáo rõ số lượng doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động nước ngoài chia theo ngành nghề, khu vực; số lao động nước ngoài đang làm việc tại địa phương (số lượng, trình độ, vị trí công việc)… |
Theo VnMedia