Thứ Hai, 14/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 13/3/2010 20:24'(GMT+7)

Nông dân và doanh nghiệp đều khát vốn

Theo thống kê, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của cả nước đến nay vào khoảng 231 ngàn tỷ đồng; riêng khu vực ĐBSCL là 71 ngàn tỷ (chiếm 30,6%). Trong khi đó huy động vốn của cả khu vực chỉ đạt xấp xỉ 115 ngàn tỷ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tại chỗ đang ngày một tăng.

Xuất phát từ thực tế trên, tại hội thảo tín dụng cho nông thôn tổ chức hôm 10-3, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khẳng định: “Nhu cầu vốn của người nông dân và các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL là rất lớn. Nhưng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của nông dân bị hạn chế do lãi suất và cơ chế vay vốn còn có nhiều điểm chưa phù hợp với đặc điểm nông thôn, nông dân”.

Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước khó khăn lớn về vốn cho thu mua lúa gạo tạm trữ cho xuất khẩu. Do hầu hết doanh nghiệp chưa ký kết được hợp đồng với đối tác nước ngoài nên đều chưa thể vay vốn ngân hàng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp mới chỉ tiến hành thu mua được 500 nghìn tấn trong tổng số 1 triệu tấn gạo theo kế hoạch; cùng với việc phát triển hệ thống kho chứa lên 4 triệu tấn vào cuối 2010 đầu 2011 sẽ đặt ra nhu cầu bức thiết về vốn cho các doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Danh Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) phân tích: Tín dụng cho khu vực nông thôn nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng có những đặc trưng như nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất thường cao hơn mức huy động được tại địa bàn; mạng lưới của các ngân hàng (ngoại trừ Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Agribank) chưa bao phủ rộng, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp từ các tổ chức tín dụng còn hạn chế…

Chẳng hạn, tại khu vực ĐBSCL, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đạt 115 ngàn tỷ đồng (tương đương 6% tổng vốn huy động toàn hệ thống ngân hàng trong cả nước, khoảng 1.777 ngàn tỷ đồng) trong khi dư nợ cho vay lên tới 174 ngàn tỷ đồng.

Đó là còn chưa kể đến các nhu cầu chưa được ngân hàng đáp ứng mà vay từ nguồn tín dụng phi chính thống khác.

Dưới quan điểm của các doanh nghiệp đầu mối, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, với dự kiến xuất khẩu tới 6 triệu tấn gạo trong năm 2010 (kim ngạch khoảng 3 tỷ USD), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn.

Dù vừa qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp thu mua gạo nhưng khi đầu ra vẫn còn khó khăn như hiện nay, các ngân hàng vẫn do dự khi cho vay.

Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện việc đầu tư kho và hệ thống xay xát, chế biến cũng chỉ bởi một lý do: thiếu vốn.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt cho biết, để giải quyết những khó khăn về vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL rất cần sự tham gia của ngân hàng trong liên kết 4 nhà (Nhà nước- Nhà nông- Nhà khoa học- Nhà doanh nghiệp).

Theo ông Hưởng, một trong những điểm bất cập của mô hình liên kết 4 nhà là việc doanh nghiệp thiếu vốn và phải chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân dẫn đến liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo.

Trong trường hợp xảy ra thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng không trả được nợ, doanh nghiệp phải kéo dài thời gian nợ ngân hàng làm tăng vốn vay, giá thành sản phẩm tăng ảnh hưởng đến hoạt động tài chính.

Hiện tại, để giải quyết bài toán vốn cho ĐBSCL, trước mắt, Liên Việt sẽ triển khai đề án “Đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL” với việc dành ra một khoản tín dụng từ 3 ngàn đến 5 ngàn tỷ đồng cho giai đoạn 2010 - 2013, trong đó riêng năm 2010, sẽ triển khai đề án với vốn lên đến 1,2 ngàn tỷ đồng.  

 Khánh Huyền - TienPhong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất