Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Ba, 28/12/2010 21:24'(GMT+7)

"Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người"

Có thể nói rằng: Những năm tháng oanh liệt, sôi nổi của thời kỳ đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc, của công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đã tạo ra một cuộc đồng khởi thi đua, làm cho sự nghiệp cải tạo và xây dựng con người Việt Nam mới XHCN thực sự trở thành những ngày hội.

1. Trong những tháng năm gian lao kháng chiến chống thực dân Pháp, để động viên nhân tài, vật lực cho mục tiêu kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Thi đua yêu nước (1948). Một năm sau đó, từ thực tế của phong trào, Người nói: "Khẩu hiệu thi đua ái quốc hiện nay là: Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân, chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu cho mình ta"(1). Không ngoài mục đích lớn lao là "gây hạnh phúc cho dân", phong trào thi đua yêu nước đã phát triển rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực, các giai tầng mà "nền tảng là công việc hàng ngày". Đồng bào và chiến sỹ cả nước đã hăng hái vượt mọi khó khăn, gian khổ, từng bước chiến thắng giặc đói, giặc dốt, từng bước chiến thắng những tập tục hủ lậu, những toan tính nhỏ nhen, xây dựng đời sống mới, để hướng tới chiến thắng giặc thực dân. Từ trong phong trào "mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua và đều có thành tích"(2), những con người Việt Nam mới đã hình thành. Trong quá trình đấu tranh xoá bỏ cái cũ, cải tạo và xây dựng cái mới, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chỗ từng bước chiến thắng bản thân đến chỗ "chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta", cùng với những thành tích đã đạt được, nói về ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người"(3).

Thi đua yêu nước
theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành động lực của phong trào cách mạng cả nước, là một trong những thắng lợi to lớn của Đảng và Bác Hồ trong việc phát huy sức mạnh của phong trào quần chúng. Khi nói về những anh hùng chiến sỹ thi đua, những người có nhiều thành tích, giàu tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong các phong trào, Người nhấn mạnh, họ thực sự là những người tiên phong trong sản xuất mà cũng gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý"(4).

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, khi cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, phong trào Thi đua yêu nước đã bước sang một giai đoạn mới với những nội dung mới. Thi đua giữ gìn lực lượng, thi đua giết giặc lập công, để từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, đồng bào miền Nam đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Những dũng sỹ diệt Mỹ, những anh hùng quân giải phóng… thực sự là những bông hoa đẹp. Họ và những chiến công của họ đã làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã cùng quân dân miền Nam góp phần bảo vệ miền Bắc. Còn ở miền Bắc, với hàng loạt phong trào thi đua như: "Phấn đấu trở thành người lao động tiên tiến, đơn vị tiên tiến", "Ba xây, ba chống", "Ba đảm đang", "Ba sẵn sàng", "Tay cày, tay súng", "Tay búa, tay súng", "Thi đua dạy tốt, học tốt", “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,v.v.. mỗi người dân đang hướng tới mục tiêu: "Chúng ta thi đua với tinh thần giác ngộ XHCN", với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình", với ý chí và quyết tâm "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt".

Trưởng thành trong phong trào thi đua yêu nước, những anh hùng lao động, những chiến sỹ thi đua, những con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Với tinh thần sáng tạo, ý chí quật cường, vượt mọi khó khăn để không ngừng nâng cao năng suất lao động, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, họ đã thực sự trở thành những đầu tầu lôi cuốn mọi người cùng tiến bộ. Họ đã là những con người Việt Nam mới, đang chế ngự thiên nhiên, chiếm lĩnh dần những đỉnh cao tri thức, cố gắng học hỏi không ngừng, để trở thành những người chủ thực sự của nước nhà, "những người luôn luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc"(5).

2. Chúng ta đều biết tàn dư của độ phong kiến, của nền sản xuất nhỏ manh mún, lạc hậu vẫn còn để lại trong tư tưởng của mỗi con người không ít những mầm mống "cá nhân chủ nghĩa". Những tàn dư đó là mẹ đẻ của những căn bệnh "tinh thần" luôn rình rập xung quanh mọi người, làm kìm hãm công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Biết những điều đó là một gánh nặng, song dứt bỏ nó, dứt bỏ những thói quen cố hữu, những ham muốn tầm thường ấy cũng không phải là điều dễ dàng. Cũng giống như Lênin, ý thức được tầm quan trọng của sức mạnh tập thể và khả năng kỳ diệu của quần chúng được nhân lên gấp bội bởi phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực", và thi đua để "tăng cường đoàn kết, mà là đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thực sự và rất chặt chẽ"(6). Từ trong phong trào thi đua, mối quan hệ kiểu mới giữa con người với con người được thiết lập, vì lẽ vậy, thi đua cũng là một biện pháp hiệu quả để giáo dục con người. Sự sôi động đầy khí thế của phong trào ở khắp mọi nơi, mọi lúc, trên mọi lĩnh vực đã lôi cuốn và thu hút mọi người vào hành động cách mạng và cách mạng hoá con người. Tham gia trong các phong trào thi đua, mọi người có thể trình bày tâm tư, nguyện vọng, có dịp soi lại mình, nhìn nhận những yếu kém của bản thân, hướng tới gương người tốt, việc tốt để tự mình tu dưỡng, phấn đấu. Thi đua yêu nước mang trong mình ý nghĩa giáo dục to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng và rèn luyện con người, bởi mục tiêu của phong trào chính là cái đích phấn đấu của bản thân mỗi cá nhân.

Nói về ý nghĩa tác dụng nhiều mặt của phong trào Thi đua yêu nước trong việc phát triển các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam mới, trong tác phẩm Bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng chí Trường Chinh viết: "Trong quá trình thi đua ai nấy tích cực vượt mọi khó khăn, tự rèn luyện mình và được quần chúng rèn luyện, được Đảng tiền phong giáo dục để trở thành những con người mới, tẩy bỏ được những thói hư tật xấu của xã hội cũ, để trở thành những người gương mẫu, hy sinh, dũng cảm, tận tuỵ phục vụ nhân dân"(7).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chịu sự tác động của tổ chức, ảnh hưởng của khí thế thi đua sôi nổi, và quá trình "hữu xã tự nhiên hương" của những gương người tốt, việc tốt, phong trào thi đua cũng góp phần nâng cao nhận thức của con người, xây dựng một đạo đức cao cả được thể hiện trong sự phấn đấu bền bỉ, trong ý thức trách nhiệm và kỷ luật nghiêm túc của mỗi cá nhân. Với sự tiếp xúc rộng rãi, trên cơ sở tình bạn bè, anh em, đồng chí thương yêu lẫn nhau, thi đua đã làm bớt dần đi những so đo, toan tính, suy bì trong mỗi con người, hướng con người đến những hành động cao cả. Bắt nguồn từ sự giác ngộ của mỗi cá nhân trước mục đích, nhiệm vụ của phong trào, thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh: vừa hướng con người vào việc thực hiện mục tiêu, vừa hun đúc ý chí, khả năng sáng tạo, vừa nâng cao và hoàn thiện những phẩm chất cao đẹp của con người, phù hợp với chế độ xã hội mới – chế độ XHCN. Thông qua phong trào thi đua, mỗi người sẵn sàng tiếp nhận một cách tự giác những nét đẹp mới trong đạo đức, lối sống, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, ở đó mình sống vì mọi người và mọi người sống vì mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua"(8) và thực tế cho thấy, áp dụng thường xuyên, phổ biến phương pháp này, sẽ có tác động tích cực đến mỗi người, bồi dưỡng cho mỗi người những nhận thức mới, hành động đẹp đẽ, tạo thành những thói quen tập quán đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Tự phê bình và phê bình trong thi đua giúp mỗi người thường xuyên tự nhắc nhở mình, nhắc nhở lẫn nhau, đưa đến những hiệu quả thiết thực của phong trào, thúc đẩy sự vận động của sự nghiệp cách mạng.

Cùng với tiến trình đấu tranh cách mạng và xây dựng một nuwóc Việt Nam XHCN, chúng ta đã thấy hình ảnh Con người Việt Nam mới qua hàng loạt những chiến sỹ cách mạng, những dũng sỹ, anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua, thầy giáo, thầy thuốc nhân dân, những học sinh giỏi toàn diện… những con người ưu tú nhất trong mọi lĩnh vực lao động sản xuất, học tập, công tác và trong đấu tranh cách mạng. Từ những phút làm nên lịch sử đến những công việc thầm lặng, từ những anh hùng có danh đến những chiến sỹ vô danh, từ những người còn sống hay những người đã mất, ở đâu và thuộc tầng lớp nào, họ cũng luôn là tinh hoa của dân tộc, "đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm mưu trí, khiêm tốn, giản dị thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ"(9).

3. Từ thực tế những thuận lợi và gian khó của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta càng nhớ sâu sắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói lúc sinh thời: Chúng ta mới có hàng vạn chiến sỹ thi đua, và chúng ta sẽ phải có hàng triệu chiến sỹ thi đua, tức là đã có hàng triệu, thậm chí là nhiều triệu những chiến sĩ thi đua - những con người mới XHCN. Vì vậy, để có thể có hàng triệu triệu những con người Việt Nam mới XHCN, "trưởng thành trong một phong trào quần chúng sâu rộng vừa làm nên lịch sử, vừa rèn luyện con người", nhân tố quyết định việc thực hiện thắng lợi đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế nước nhà, rõ ràng là phải tổ chức và thực hiện cho kỳ được các phong trào thi đua sôi nổi, nối tiếp nhau của các tầng lớp nhân dân. Hơn ai hết, Đảng ta hiểu rất rõ rằng: "Thi đua cải tạo con người", nên việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua thiết thực, có hiệu quả, đảm bảo được tính hợp lý giữa thi đua và khen thưởng sẽ là con đường hiệu quả nhất, là biện pháp sâu rộng nhất để chúng ta kiên định con đường Độc lập dân tộc và CNXH. Càng nhiều những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, và sự suy thoái ngày càng nghiêm trọng của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cùng những vấn nạn: chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy thành tích, chạy bằng khen,…đang trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng cầm quyền, của chế độ, chúng ta càng phải phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước một cách toàn diện theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để góp phần chống sự suy thoái về lối sống, đạo đức, để "trong khi xây cái mới, chúng ta phát triển những đức tính tốt đẹp của tổ tiên ta và học tập gương tốt của nhân dân các nước anh em"(10).

Dưới ánh sáng tư tưởng Thi đua yêu nước của Người, với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội (27-28/12/2010), với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.500 đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua,.. trong đó có cả những đại biểu đã từng tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất, năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ và căn dặn về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào Thi đua yêu nước, nhiệm vụ của công tác thi đua trong thời gian tới được nêu ra tại Đại hội lần này cũng thể hiện ró tư tưởng thi đua để đạt tới sự giải phóng và phát triển con người, giải phóng và phát triển xã hội, v.v.tập hợp và phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng với nội dung “Gắn Thi đua yêu nước với xây dựng con người Việt Nam mới”, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định tại Đại hội: “Những năm qua, phong trào Thi đua yêu nước đã được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm và tình hình thực tế của từng bộ, ngành, đơn vị, khơi dậy được tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo, thu được nhiều kết quả thiết thực. Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực và sáng tạo của con người Việt Nam”. Những anh hùng, chiến sĩ thi đua - những bông hoa đẹp trong vườn hoa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN giàu mạnh và phát triển có mặt tại Đại hội, và biết bao những tấm gương người tốt, việc tốt không có mặt tại Đại hội, nhưng đang nở rộ, lan toả trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, vẫn sẽ ngày mỗi ngày làm sáng ngời những phẩm chất của con người Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử và hào hùng. Họ và những thành tích của họ trong lao động, học tập, lao động sản xuất, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, để giữ vững cuộc sống yên bình cho nhân dân, khơi dậy và cổ vũ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sẽ lôi cuốn, nhân rộng, làm cho cả dân tộc ta thành “một rừng hoa đẹp” trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam XHCN “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Nguyễn Hoa Mai
Đại học Quốc gia Hà Nội

--------------------

Chú thích:

1,2,3,4,5,6,8,9,10: Hồ Chí Minh: Thi đua yêu nước, Nhà xuất bản Sự thật, in lần 2, Hà Nội, 1984, tr.15, tr.13, 32, 37, 33, 29,21, 87, 65.

7. Trường Chinh: Bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1966, tr.68

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất