Đến dự Đại hội có các vị lãnh đạo: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Chủ tịch Hội đồng thi đua Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Thường Trực Ban bí thư Trương Tấn Sang; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm. 1.500 đại biểu là những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa yêu nước của cả nước đã về dự.
Nguyên Tổng bí Thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng.
Vị thế đất nước ngày càng được khẳng định
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đọc lời khai mạc Đại hội. |
Diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Đại hội là ngày hội lớn của các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua. Thay mặt Chính phủ, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Đại hội”.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu phong trào thi đua yêu nước của dân tộc ta. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, 62 năm qua toàn đảng, toàn quân, toàn dân đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước vượt qua khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng, làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.
Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua đã đoàn kết chặt chẽ mọi lực lượng xã hội, dưới lá cờ cách mạng của Đảng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần thi đua, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, động viên nhân dân cả nước hăng hái tham gia kháng chiến cứu quốc, góp phần làm nên những chiến công chói lọi, những thắng lợi vĩ đại, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, công tác thi đua khen thưởng có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn. Đặc biệt, trong những năm qua phong trào thi đua yêu nước đã gắn liền với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, đã góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển nhanh và ngày càng bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, lịch sử cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra các phong trào thi đua yêu nước. Và cũng chính lịch sử đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tác dụng to lớn của phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Trong 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh và những chống phá của các thế lực thù địch.
Phát huy truyền thống, thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng; thực hiện Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, công tác thi đua khen thưởng trong cả nước tiếp tục được phát triển, góp phần động viên, cổ vũ các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, ra sức thi đua phấn đấu khắc phục khó khăn, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là chúng ta đã ứng phó có kết quả với những ứng biến phức tạp của khủng hoảng kinh tết hế giới; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (năm 2010 tăng trưởng 6,7%), bình quân 5 năm 2006-2010 tăng trưởng 7%/năm; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và bảo đảm ngày càng tốt hơn; chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường; công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tạo được phong trào thi đua rộng khắp
Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2006-2010 do Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan trình bày tại Đại hội nêu rõ: 5 năm qua, kể từ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, công tác thi đua, khen thưởng đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã có sự phối hợp chặt chẽ; các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua phong phú về nội dung và hình thức. Phong trào thi đua đã được gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt việc lồng ghép các phong trào thi đua được tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nhìn chung, phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy, động viên và tập hợp được sức mạnh, phát huy được sức sáng tạo, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành động lực, biện pháp quản lý hữu hiệu, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua và khen thưởng đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn, thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo.
Tuy nhiên, Báo cáo do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, yếu kém trong công tác thi đua khen thưởng thời gian qua. Đó là, phong trào thi đua có nơi còn biểu hiện hình thức, thiếu thường xuyên, liên tục, phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết bao gồm cả điều kiện và nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt cho phong trào. Trong chỉ đạo, nhiều nơi chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa tạo được sự phối hợp, liên kết của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan, từ đó hạn chế tính động lực và hiệu quả của các phong trào thi đua. Hoạt động của các cụm, khối thi đua tuy đã có bước đổi mới về nội dung, tiêu chí thi đua song, còn lúng túng về phương thức hoạt động và bộc lộ những hạn chế trong quản lý, tổ chức các phong trào thi đua…
5 năm qua (2006-2010), Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng: - 80.764 Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ. - 8.199 Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp. - 6.329 Bằng khen kháng chiến của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, cả nước đã hoàn thành việc khen thưởng thành tích hai cuộc kháng chiến. |
|
Một trong số nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, thiếu sót trong công tác thi đua khen thưởng được bà Nguyễn Thị Doan nêu, đó là tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách thi đua, khen thưởng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều năm qua, mô hình tổ chức bộ máy thi đua không ổn định, theo đó đội ngũ cán bộ biến động, nhiều nơi thay đổi, đặc biệt năng lực tham mưu, nghiên cứu cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của cán bộ thi đua, khen thưởng còn có nhiều hạn chế, có những mặt yếu kém, lúng túng trong công tác tham mưu cho cấp uỷ Đảng và lãnh đạo chính quyền, trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, nhiều cán bộ còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác thi đua, khen thưởng còn bị hành chính hoá.
Gần 30 tấm gương cá nhân và tập thể điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sẽ báo cáo tham luận tại Đại hội./.
(Theo VOVNews)