Đối với người Việt, lễ hội đã trở thành nét đẹp sinh hoạt văn hóa tiêu biểu từ ngàn đời. Nhưng gần đây, nhìn vào thực trạng tổ chức lễ hội, nhiều người không khỏi trăn trở, lo lắng. Một trong những vấn đề đáng bàn là tình trạng “bụt chùa nhà không thiêng”, thờ ơ với lễ hội truyền thống, nhưng lại sùng bái thái quá lễ hội ngoại nhập trong giới trẻ.
Việt Nam được xem là đất nước của lễ hội. Theo thống kê chưa đầy đủ,
hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 8.000 lễ hội dân
gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử,
cách mạng,... Ngoài ra còn khoảng 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Đó là
chưa kể các lễ hội nội bộ (ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ...). Có
người đã nhẩm tính: Bình quân mỗi ngày nước ta có đến trên dưới 20 lễ
hội đã đăng ký.
Lễ hội nói chung và lễ hội gắn với tín ngưỡng dân gian nói riêng là
một hiện tượng văn hóa hình thành và phát triển trong những điều kiện
lịch sử, văn hóa và kinh tế nhất định. Người Việt đặc biệt xem trọng lễ
hội và coi đó là một phần không thể thiếu trong nhu cầu đời sống sinh
hoạt văn hóa, tín ngưỡng; thể hiện thái độ và lòng biết ơn của người đời
sau với công lao, đức độ của tiền nhân; là nhịp cầu nối quá khứ với
hiện tại, là dịp giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc rất tốt cho
lớp trẻ.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, phần lớn các lễ hội cổ truyền ở Việt
Nam là một hiện tượng văn hóa sinh động xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng
của nhân dân. Lễ hội là thời cơ để con người thể hiện tấm lòng sùng
kính của mình với đức tin đã chọn. Chính vì vậy, lễ hội truyền thống ở
Việt Nam có sức sống bền bỉ, không dễ bị phai mờ trong ký ức cộng đồng,
góp phần quan trọng làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm và tạo nên
bản sắc đa dạng, sức sống lâu bền của văn hóa các dân tộc. Ví như lễ
hội tín ngưỡng nông nghiệp; lễ hội tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử; lễ hội
tín ngưỡng thờ Mẫu; lễ hội tín ngưỡng thờ thành hoàng; lễ hội tín ngưỡng
thờ anh hùng dân tộc...
Bạn tôi là giảng viên chuyên ngành kỹ thuật một trường đại học ở Hà
Nội, nhưng lại tìm hiểu sâu về lễ hội truyền thống. Anh thường chia sẻ
với tôi rằng, nghiên cứu về lễ hội của quê hương thấy được cái gốc, cái
tinh túy mà các cụ xưa trao truyền và qua đó yêu con người, đất nước
mình hơn. Anh bộc bạch, mỗi lần đến với các lễ hội là được hòa nhập cộng
đồng, giúp xóa đi sự xa lạ, lạnh lùng trong các mối quan hệ thường
nhật. Anh nhấn mạnh, bao đời nay, lễ hội là nơi bạn bè gặp gỡ, trao đổi
tâm tư tình cảm; thắt chặt hơn tình làng xóm, tình đồng bào, tình phường
hội, tình thân tộc. Mỗi lần đến với lễ hội của quê hương, anh thấy mình
đang được trở về với ký ức tuổi thơ, được hòa nhập với cộng đồng quê
hương thân thuộc. Thế nên, năm nào sau Tết Nguyên đán, dù bận mải mấy,
nhưng khi có lễ hội của làng là anh cũng quyết về bằng được cho dù ở
giai đoạn trước đường sá và phương tiện về quê anh rất khó khăn.
Khi nhìn vào thực trạng giới trẻ không mặn mà với lễ hội truyền
thống, sùng bái các lễ hội ngoại nhập, anh đã phân tích và chỉ ra mấy
vấn đề mà tôi nghe thấy rất có lý, có tình. Anh nói, việc giao thoa văn
hóa thời hội nhập là hết sức tự nhiên và các lễ hội du nhập vào Việt Nam được
giới trẻ hào hứng đón nhận cũng là điều dễ hiểu. Bởi các bạn trẻ luôn
có xu hướng thích thú với những điều mới lạ, thích khám phá, học hỏi.
Đây cũng là quá trình tích vốn sống, vốn kiến thức để các bạn trẻ thực
hiện ước mơ, hoài bão tiến xa hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, anh phê phán khá gay gắt những bạn trẻ tham gia lễ hội với
thái độ và hành vi thái quá, làm mất ý nghĩa nhân văn của lễ hội. Chẳng
hạn, không ít bạn trẻ coi lễ Noel là dịp tổ chức chơi bời, hưởng thụ;
hay trong dịp lễ Halloween lại hóa trang bằng việc nằm giả chết, đắp
chiếu, cắm nhang ngay giữa phố đi bộ. Anh kết luận, nhiều bạn trẻ hiểu
sai hoàn toàn ý nghĩa của những lễ hội này. Đây là việc làm rất cần xã
hội phê phán và tẩy chay.
Gần đây, tôi gặp một phụ huynh có con đang học tiểu học ở Hà Nội.
Chị kể, ngày lễ Noel và Halloween, ban đại diện phụ huynh phân công
nhau đến lớp phục vụ các cháu ăn uống, vui chơi. Các cháu được tặng quà,
được mặc các trang phục hóa trang đều tỏ ra thích thú. Tuy nhiên, điều
chị lo lắng là việc tổ chức những ngày lễ như vậy cho các cháu ở lớp học
cũng cần được bàn tính kỹ, rằng nó sẽ mang lại lợi ích gì. Lớp này làm
được, lớp khác cũng làm theo. Không những thế, nhiều cháu còn "mè nheo",
đòi bố mẹ đưa đến các siêu thị, các địa điểm tổ chức vui chơi ngày này.
Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế, thời gian thì đó là việc
rất nhỏ, nhưng với đại bộ phận gia đình buôn bán nhỏ, nông dân thì việc
làm ấy gây ra không ít phiền toái.
Tôi đã thử đi tìm nguyên nhân tại sao các bạn trẻ lại hào hứng đón
nhận các lễ hội du nhập từ nước ngoài đến thế qua một nhà nghiên cứu văn
hóa có tên tuổi và uy tín trong nước cũng như cả với giới khoa học. Ông
nói với tôi rằng, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và kinh doanh
rất nhạy bén với thị hiếu của người tiêu dùng. Khi nắm bắt được nhu cầu
xã hội là họ sản xuất hoặc nhập các mặt hàng phục vụ những ngày lễ đó về
bán. Không những thế, họ còn tổ chức các sự kiện và đẩy mạnh truyền
thông, quảng bá rầm rộ, định hướng, kéo giới trẻ đến với lễ hội, đến với
các chương trình. Có được sân chơi mới, có được những trải nghiệm mới
khác lạ, tức khắc giới trẻ sẽ theo.
Ông cũng phân tích, các lễ hội truyền thống ở ta hiện nay cứ nhàn
nhạt và giống nhau, thiếu điểm nhấn, thiếu bản sắc nên không thu hút
được sự quan tâm của giới trẻ. Tốt hơn thì họ tham gia cho có mặt, hết
trách nhiệm, còn để tìm hiểu sâu, hóa thân vào lễ hội truyền thống thì
khá hiếm.
Thực tế thời gian qua cho thấy, do việc tổ chức lễ hội ở nhiều địa
phương nặng về mục tiêu hiệu quả kinh tế, nhẹ về tôn vinh giá trị văn
hóa nên kém hấp dẫn. Rất nhiều lễ hội còn nặng hình thức, phô trương và
coi nhẹ nội dung giáo dục, văn hóa. Xu hướng thương mại hóa hoạt động lễ
hội bộc lộ ra quá rõ và quá nhiều đến mức bị coi là phản văn hóa. Phổ
biến là việc xây dựng các kịch bản lễ hội không tuân thủ nguồn gốc, bị
pha tạp, lai căng, thậm chí cố bắt chước nước ngoài. Đa phần các lễ hội
nhẹ về lễ và nặng về phần hội. Ví dụ, việc biểu diễn văn nghệ trong lễ
hội lại mang tính thời đại, trẻ trung; ca sĩ, diễn viên múa mặc phản
cảm; bài hát, điệu múa hiện đại và rất thị trường...
Xu hướng thương mại hóa còn thể hiện ở việc cho phát triển quá lộn
xộn và không quản lý chặt chẽ các dịch vụ ăn theo lễ hội. Từ đó nảy sinh
nhiều hành vi phản văn hóa trong việc phục vụ khách, tệ nạn xã hội ngay
trong địa bàn tổ chức lễ hội: Bắt chẹt khách, chèo kéo khách, cờ bạc,
trộm cắp, “buôn thần bán thánh”, gây ô nhiễm môi trường... Chính sự lộn
xộn này đã phá vỡ kỷ cương và không khí tôn nghiêm vốn có, làm lu mờ và
méo mó các giá trị văn hóa đích thực của lễ hội. Chỉ riêng hai biểu hiện
chủ yếu nêu trên của xu hướng thương mại hóa cũng đủ làm cho lễ hội
ngày nay đang bị biến dạng một cách nghiêm trọng, không còn là một hoạt
động văn hóa đích thực.
Vì những lý do trên mà giá trị văn hóa của lễ hội có phần bị lu mờ,
nhiều lễ hội đã “mất thiêng”, không còn thu hút sự quan tâm của du
khách.
Sự du nhập lễ hội từ nước ngoài vào Việt Nam đã có từ lâu và sự phát
triển của nó góp phần làm phong phú thêm văn hóa người Việt thời hiện
đại. Bởi thông qua sự giao thoa văn hóa giúp người Việt làm giàu thêm
bản sắc văn hóa, tạo ra những cơ hội phát triển mới. Cũng thông qua tiếp
biến văn hóa, nhiều lễ hội của ta được giới thiệu với bạn bè quốc tế,
thậm chí du nhập vào các nước được người bản địa mến mộ và thực hiện.
Với ý nghĩa đó, tôi thấy rằng, các bạn trẻ và mọi người nên tìm hiểu kỹ
các lễ hội du nhập vào trong nước và tham gia lễ hội một cách khoan hòa,
có chọn lọc, lành mạnh để hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, tôn
giáo, tín ngưỡng của các nước trên thế giới./.
TS. BÀN TUẤN NĂNG (ct.qdnd.vn)