Cùng dự buổi lễ có Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Đào Văn Bình và đông đảo nhân dân, thanh niên, học sinh thị xã Sơn Tây.
Sau khi ôn lại văn hóa truyền thống của dân tộc, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, các tầng lớp nhân dân trong cả nước hăng hái trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu cách đây hơn nửa thế kỷ- xuân Canh Tý 1960, Chủ tịch Thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn cho biết, đến nay Thị xã Sơn Tây đã trồng và duy trì, quản lý được trên 330 ha rừng tập trung và trồng nhiều diện tích cây phân tán; trong đó, riêng năm 2011, Thị xã đã trồng mới được trên 60 ngàn cây, cải tạo cơ bản diện tích đất trống, đồi núi trọc, tạo độ che phủ đạt 70% diện tích toàn Thị xã, góp phần tạo môi trường xanh, lá phổi sạch cho Thủ đô Hà Nội và khu vực.
Phát biểu với Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thị xã Sơn Tây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc tham gia hưởng ứng Tết trồng cây là việc làm hết sức có ý nghĩa, thực sự cần thiết để thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, nhưng điều quan trọng nhất là làm sao phải chăm sóc và bảo vệ được cây. Thông qua việc tổ chức Lễ phát động tết trồng cây, Bí thư Thành ủy mong muốn, việc trồng cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc sẽ được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Thị xã Sơn Tây quan tâm và triển khai một cách hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thiết thực quan trọng vào việc xây dựng cảnh quan môi trường làm cho Thị xã Sơn Tây nói tiêng, Thủ đô nói chung ngày càng xanh – sạch – đẹp và giàu mạnh, văn minh.
Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã tới chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây. Bày tỏ niềm tin vào năm con rồng, biểu trưng cho sức mạnh và khát vọng vươn lên trong năm 2012, đồng chí mong muốn Đảng bộ và nhân dân thị xã Sơn Tây phát huy truyền thống, tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vươn lên, xây dựng thị xã Sơn Tây sớm trở thành một trong năm đô thị vệ tinh hiện đại, phát triển đồng bộ về kinh tế - văn hóa, xã hội của Thủ đô, cùng các quận, huyện trên địa bàn thành phố chung sức xây dựng Hà Nội phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống Thăng Long-Hà Nội. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đã tới dâng hương tại đền thờ các vị Anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
* Cùng ngày, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phát động Tết trồng cây tại khu đô thị mới Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Tại buổi lễ, Chủ tịch yêu cầu các cơ quan, đoàn thể, từ gia đình đến cá nhân trong dịp này cần ý thức về trách nhiệm bảo vệ và nuôi dưỡng cây xanh. Đây là hành động thiết thực vừa góp phần thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã đến thăm, động viên bà con nông dân đang làm việc tại xưởng sơ chế, đóng gói rau an toàn VietGap đặt sát cánh đồng rau xã Văn Đức, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.
* Tại thôn Nam, xã Phụng Thượng (Phúc Thọ - Hà Nội), đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND thành phố đã tham dự lễ phát động Tết trồng cây của huyện Phúc Thọ. Năm 2011, huyện Phúc Thọ đã trồng 45.000 cây xanh các loại, đạt 113% kế hoạch năm, toàn huyện hiện có hơn 640 ha cây ăn quả. Để thực hiện thành công mục tiêu trồng mới 1,2 triệu cây xanh và 50 ha rừng của thành phố trong năm 2012, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh mong muốn nhân dân, các tổ chức đoàn thể, cơ quan xí nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ cùng với việc thi đua lao động sản xuất, cần tích cực tham gia trồng nhiều cây xanh, góp phần xây dựng quê hương, xây dựng Thủ đô ngày càng xanh-sạch- đẹp.
Năm 2011, toàn thành phố Hà Nội đã trồng hơn 1 triệu cây các loại, đạt 93,7% kế hoạch. Các loại cây trồng chủ yếu là Sấu, Trám, Phượng vĩ, Muồng, Bằng lăng và một số cây ăn quả như Xoài, Bưởi Diễn, Cam Canh, Nhãn chín muộn... Trong đó, một số địa phương làm tốt phong trào trồng cây là huyện Ba Vì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Sơn Tây, Mê Linh, các Công ty công viên... Cây đã trồng có tỉ lệ sống cao đạt trên 90% và phát triển tốt.
* Trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân. Các chương trình văn nghệ như Hội thi tiếng hát đơn ca huyện Vĩnh Linh lần thứ nhất, liên hoan văn nghệ quần chúng thành phố Đông Hà, làng vui chơi làng ca hát tại làng Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ (Gio Linh). Các lễ hội truyền thống đền Bích La với nhiều hoạt động cúng lễ, dâng hương, trò chơi, cầu may thu hút đông đảo người dân tham dự; lễ hội đua thuyền truyền thống tại bến đò A, thị trấn cửa Tùng cầu chúc một năm mới mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.
Các hoạt động thể dục, thể thao cũng diễn ra phong phú và đa dạng khắp nơi như: thị trấn Hồ Xá tổ chức giải bóng chuyền; TP. Đông Hà tổ chức đua thuyền nan trên sông Hói Sòng và giải bóng chuyền thanh niên, xã Hải Lệ (Hải Lăng) tổ chức giải bóng chuyền...Các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức rộng rãi, thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
* Ngày 30/1, trong không khí tưng bừng đầu xuân năm mới, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang và du khách đã nô nức kéo về trung tâm huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) để tham dự Lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng. Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được tổ chức vào mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc...
Lễ hội bắt đầu bằng lễ rước 9 mâm Tồng từ đền Bách Thần (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá) về trung tâm sân vận động của huyện Chiêm Hoá, với màn múa lân (múa "xuống đồng") của những trai thanh nữ tú. Sau khi Thầy Cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm xong lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc. Ông Ma Phúc Đào, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hoá đã đọc lời chúc phúc đầu năm đến bách gia trăm họ, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, mọi người khoẻ mạnh, nhà nhà yên vui và đánh màn trống hội khai mạc lễ hội Lồng Tông. Kết thúc phần lễ là đến phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: tung còn, đánh đu, đẩy gậy, kéo co..Ngoài việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, huyện Chiêm Hoá đang từng bước đưa Lễ hội Lồng Tông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mỗi dịp Tết đến xuân về.../.
* Tết trồng cây Xuân Nhâm Thìn 2012 được tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 30/1 đến ngày 16/2. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 1 triệu cây phân tán các loại, trong đó có 650 nghìn cây ăn quả và 350 nghìn cây lấy gỗ, cây phong cảnh và bóng mát. Cây được trồng tập trung tại khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, khu di tích, vườn chuyển đổi, trang trại
Để phục vụ Tết trồng cây mùa xuân năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cấp miễn phí cho các địa phương trong tỉnh 76.900 cây keo lai và 1.700 cây ổi lê Đài Loan. Tỉnh Hải Dương chủ trương trồng cây theo phương châm hiệu quả, tiết kiệm, trồng cây nào sống cây ấy, tránh phô trương hình thức. Theo đó, các loại cây sẽ được trồng tập trung ở các vườn cải tạo, chuyển đổi, trang trại, khu đô thị mới, công viên, công sở, trường học, khu di tích, hệ thống đê. Đối với việc trồng cây ăn quả, chủ trương của tỉnh là không mở rộng thêm diện tích mà chỉ duy trì, phát huy diện tích hiện có theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, thâm canh và cải tạo để cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Các địa phương có đê nhưng hàng tre chắn sóng chưa khép kín, sẽ trồng thêm tre để bảo đảm phòng, chống lũ. Ở khu vực thành thị, việc trồng cây ở công viên, đường phố, khu đô thị mới theo quy hoạch để tạo bóng mát, cảnh quan môi trường đẹp. Các khu công nghiệp phải quy hoạch diện tích đất trồng cây và bố trí cây trồng phù hợp để tạo vành đai xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đi đôi với việc trồng cây, tỉnh chú trọng tới khâu chăm sóc, bảo vệ cây trồng, bảo vệ rừng, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Năm 2011, Hải Dương trồng mới gần 1,23 triệu cây phân tán các loại, vượt 23% kế hoạch, gồm 689 nghìn cây ăn quả và 535 nghìn cây lấy gỗ, phong cảnh, bóng mát.
* Ngày 30/1 (tức mồng 8 âm lịch), tại xóm Luỹ, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) trên 1 vạn người dân trong vùng và du khách thập phương đã đến dự Lễ hội Khai hạ năm 2012. Nét mới của Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2012 là có thêm Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật mùa xuân và con người Hòa Bình. Tối 30/1 sẽ diễn ra lễ bế mạc mạc, trao giải và đốt lửa trại, uống rượu cần giã bạn
Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày mồng 8 âm lịch hàng năm tại Mường Bi - Tân Lạc, vùng Mường lớn nhất tỉnh Hoà Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động) nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang trọng tại miếu thờ xóm Luỹ. Thầy mo làm lễ cúng thành Hoàng là Quốc Mẫu Hoàng Bà và tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Đồ tế gồm có thịt, xôi và một con hoẵng (ngày nay thay bằng thịt bò). Sau đó, đoàn rước gồm hơn 70 người trong trang phục truyền thống dân tộc rước thánh ra sân vận động để xem hội, chứng kiến sự đổi thay của quê hương Mường Bi và rước ra khu ruộng Nà Trùng để chứng kiến đường cày đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Mường Bi, sau khi những người có uy tín trong bản thực hiện đường cày đầu tiên, vùng Mường khi đó mới bắt đầu xuống đồng cấy, vào rừng lấy măng, củi và săn bắn.
Phần hội diễn ra sôi động với các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội năm 2012, có sự đua tài của 24 xã, thị trấn trong huyện ở 10 môn thi: hát đối, hát Thường rang Bọ mẹng, trại văn hóa, thi người đẹp trang phục dân tộc, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bóng chuyền, đánh mảng. Điểm độc đáo của Lễ hội là phần trưng bày và giới thiệu ẩm thực Mường Bi do người dân các xã, thị trấn thực hiện. Đây là những món ăn vẫn được người dân sử dụng hàng ngày và trong những ngày lễ, tết như cá suối ốc đồ, nhái nấu măng chua, hạt dổi, cua đá ốc lá khao, nấm, mộc nhĩ nấu tấm, thịt trâu lá lồm, rêu suối, thịt chuột sấy khô.../.
TG tổng hợp